Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đã thông tin về những khó khăn trong xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.

Về trách nhiệm để xảy ra sai phạm, Chủ tịch quận Ba Đình thừa nhận “thuộc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, cụ thể là quận Ba Đình”.

{keywords}
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến

Ông Tạ Nam Chiến cho hay, hiện việc xử lý, tháo dỡ các phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực đang gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là trong tìm đơn vị thiết kế và tư vấn thiết kế để tháo dỡ 2 tầng 17, 18 của tòa nhà.

"Chúng tôi đã gửi văn bản mời đến 30 đơn vị tư vấn, công ty xây dựng, các công ty này đều được đăng trên cổng thông tin của Bộ Xây dựng, đều là các đơn vị có năng lực, chuyên môn được công nhận. Nhưng đơn vị thì nói không, đơn vị thì không trả lời", ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, TP đang chỉ đạo các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng tích cực phối hợp cùng quận để tìm đơn vị có đủ năng lực.

"Quan điểm của quận là không thể chờ mãi được, nếu không tìm được đơn vị tư vấn thì phải nghiên cứu hướng giải quyết khác", ông Chiến nêu ý kiến.

Liên quan vấn đề này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, quận đã có 3 đề xuất với TP về phương án khi không tìm được đơn vị thiết kế. TP xem xét cho phép Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị công binh trực thuộc nghiên cứu xem có khả năng tháo dỡ được công trình này không.

{keywords}
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học

"Còn về việc Bộ Tư lệnh thủ đô có khả năng, có chức năng nhiệm vụ, đủ điều kiện để triển khai hay không thì không thuộc thẩm quyền UBND quận Ba Đình. Nếu cần thiết nữa, phải đề xuất lên cả Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng vào cuộc", ông Học cho hay.

Quận Ba Đình cũng đề xuất với Bộ Xây dựng chỉ định đơn vị tư vấn, thiết kế của Bộ có đủ điều kiện năng lực, chuyên môn để tháo dỡ các phần sai phạm này.

"Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã phát biểu rất sẵn lòng vào cuộc hỗ trợ nếu UBND Hà Nội có đề xuất", ông Học nói.

Ông Học cho hay, việc xử lý phải đảm bảo thời gian, nhưng quan trọng hơn phải an toàn cho công trình và trong quá trình tháo dỡ. Vì vậy đơn vị trong nước không làm được phải cho nước ngoài vào.

"Nước ngoài mà vào đây thì nan giải lắm, bao nhiêu quy định", lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội bày tỏ.

Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo diễn ra hôm 16/2, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, chỉ khi xử lý xong phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực thì người dân mới có thể được nhận căn hộ.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, dù rất tích cực nhưng đến nay vẫn bế tắc, chưa tìm được đơn vị thiết kế phương án phá dỡ tầng 17 và tầng 18.

Nguyên nhân, ông Chiến cho biết kết cấu công trình 8B Lê Trực khá phức tạp nên yêu cầu cưỡng chế phá dỡ tầng 17 và tầng 18 nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho phần còn lại của công trình là không đơn giản, có thể vì vậy mà hiếm nhà thầu nào mặn mà với việc thiết kế, thi công phá dỡ 2 tầng trên cùng của 8B Lê Trực.

Quận Ba Đình cũng tính đến việc thuê nhà thầu nước ngoài vào thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 tại tòa nhà 8B Lê Trực, đã được TP Hà Nội đồng ý nhưng vẫn chưa biết khi nào tìm được.

Người mua nhà 8B Lê Trực gửi đơn kiến nghị đến tân Bí thư Thành ủy Hà Nội

Người mua nhà 8B Lê Trực gửi đơn kiến nghị đến tân Bí thư Thành ủy Hà Nội

 Người dân mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực vừa có đơn kiến nghị gửi tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về việc nhiều năm không nhận được quyền lợi hợp pháp do dự án sai phạm chậm được xử lý.

Hương Quỳnh