- Thấy tình hình hạn, mặn còn kéo dài và gay gắt hơn, không thể làm lúa, người dân ở một số huyện tại tỉnh Kiên Giang đã chuyển sang nuôi tôm.

Quanh những cánh đồng ở vùng U Minh Thượng và vùng Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang, rất nhiều ruộng lúa chết, khô, đất đai nứt nẻ, người dân đang rầu rĩ “mót” lại ít lúa chắc hạt trên chính ruộng nhà mình.

{keywords}

Đồng ruộng khô cháy ở Kiên Giang

Ngồi trên bờ đê, nhìn 20 công ruộng lúa bị chết khô, anh Đoàn Văn Vĩnh (huyện Hòn Đất) nói: “Cả gia tài tôi chỉ có mấy công đất cắm dùi này nhưng giờ “gãy cổ” rồi”.

Anh Vĩnh cho biết thêm, nhà chỉ có 3 công ruộng, số còn lại anh phải thuê của người khác với giá 1,2 triệu đồng/công/năm.

Đối với những người thuê đất khác, đất của anh không nhiều nhưng nhờ làm hai vụ lúa nên mấy năm trước sau khi trừ hết chi phí anh cũng để dành được ít tiền nuôi 2 đứa con ăn học.

{keywords}

Anh Đoàn Văn Vĩnh (huyện Hòn Đất) “gãy cổ” vì vụ lúa này

“Năm nay nước dưới sông bị nhiễm mặn mà mình không biết nên bơm vào ruộng. Hôm sau ra thăm thấy lúa bì xèo, nhìn sang ruộng bên cạnh cũng tương tự nên tôi thử nếm nước thì thấy mặn chát. Lúa đang trổ như phụ nữ đang mang thai mà bắt uống thuốc độc thì hư, chết hết chứ sao. Năm nay, khó khăn quá nên tôi vừa phải cho đứa con gái học lớp 7 nghỉ học rồi” - anh Vĩnh buồn bã nói.

{keywords}

{keywords}

Người dân huyện Hòn Đất đang cố thuê máy đến “mót” ít lúa còn lại. Lúa toàn hạt lép nên không dám gọi là thu hoạch vì mắc cỡ

Càng đi sâu vào các cánh đồng ở Kiên Giang, chúng tôi càng thấy xót xa và thương cho những lão nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngồi thất thần, mắt đờ đẫn nhìn cả nghìn công lúa bị chết khô, bị xèo, lép hạt, thậm chí là bỏ hoang.

Chuyển đổi 1 lúa - 1 tôm

Thấy tình hình hạn, mặn còn kéo dài, người dân ở một số huyện tại tỉnh Kiên Giang đã chuyển sang nuôi tôm. Huyện Vĩnh Thuận, thiệt hại do hạn, mặn trên nền đất nuôi tôm hơn 8.300 ha. Quyết không bỏ hoang đất trống, người dân khẩn trương thả nước vào đồng ruộng để nuôi tôm.

Ông Năm Tạo ở xã Vĩnh Phong cho biết, đợt hạn, mặn lịch sử này khiến gia đình ông mất trắng 16 công đất lúa mùa với chi phí bỏ ra hơn 20 triệu đồng.

“Làm lúa lỗ rồi giờ nản nữa thì lấy tiền đâu trả nợ, nuôi gia đình nên tôi quyết bám đất để sản xuất. Tôi vừa cải tạo đất, rồi bơm nước vào để thả tôm. Nếu đầu tư đúng cách và kỹ thuật thì vụ tôm này tôi bán thu lợi hơn 20 triệu” - ông Năm cho biết. Lão nông nói thêm, để có tiền mua tôm giống và vật tư, ông phải vay nợ hơn 4 triệu đồng.

“Mình làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm sẽ hạn chế rủi ro hơn. Mùa mưa thì làm lúa, mùa nắng thì nuôi tôm. Đó là tôi tính lâu dài. Tuy nhiên làm gì cũng phải tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn và lịch thời vụ. Tôi thấy dùng lúa ngắn ngày cho vụ lúa, không thả nuôi tôm nối bầy dồn dập như trước để có thời gian rửa mặn, xổ phèn đúng quy trình kỹ thuật là hợp lí nhất” - ông Năm cho hay.

Gia đình ông Cao Văn Hội (ở huyện Gò Quao) được nhiều người biết đến vì năm nào làm lúa cũng trúng mùa. Vậy mà năm nay ông đang ngồi buồn xo bên bờ ruộng, nhìn thất thần ra đám ruộng đang cải tạo lại để nuôi tôm. Ban đầu trò chuyện với chúng tôi ông lắc đầu, chán nản nói: “20 công lúa vụ Đông Xuân vừa rồi tôi phải xạ đến 3 lần vì nắng nóng khiến lúa chết sạch.

{keywords}

Ông Cao Văn Hội ngồi buồn xo bên bờ ruộng, nhìn thất thần ra đám ruộng đang cải tạo lại để nuôi tôm

Sau đó, lúa phát triển bình thường, tưởng sẽ trúng mùa, ai dè đến lúc lúa trổ thì nước mặn vào nó xèo hết. Vợ chồng, con cái tôi phải mót từng cọng lúa đem vô nhà. Tôi sống ở đây gần 70 năm nhưng đây là năm đầu tiên thấy bà con nông dân khổ vì hạn, mặn như vậy”.

Nói là như vậy, nhưng hiện nay ông Hội đã thuê người đến cải tạo đất để chuẩn bị nuôi tôm. “Thời này mà chỉ bám vào cây lúa thì chỉ có chết. Không thể ngồi một chỗ rồi trách nước này, nước nọ ngăn đập, không xả nước được. Bản thân mình phải biết chuyển đổi nuôi trồng để phù hợp với tình hình thời tiết. Câu chuyện thiếu nước, nước mặn ở vùng này còn dài lắm, mấy chú tin tôi đi” – ông Hội nói.

{keywords}

Người dân đang cải tạo lại đất ruộng để chuẩn bị nuôi tôm ở Kiên Giang

Từ hơn 10 năm trước, thấy nuôi tôm có lãi hơn làm lúa nên ông Hai Triều (ngụ huyện U Minh Thượng) đã chuyển 5 ha đất sang một vụ lúa, một vụ tôm.

“Nếu chỉ làm lúa thì mỗi năm lãi cao nhất cũng chỉ hơn 20 triệu đồng/ha. Còn làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm thì lãi gấp đôi. Cái sướng nữa của nuôi tôm là năm nào mà bị dịch cũng chưa bao giờ bị mất trắng như lúa năm nay. Để đảm bảo “ăn chắc”, mình phải “vèo nuôi” tôm trong môi trường nước lợ vài ba ngày cho chúng quen dần với nồng độ mặn trước khi thả lan ra đồng đất.

Điều này giúp cho tôm tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi ban đầu, không bị sốc, giảm tỷ lệ hao hụt. Bản thân tôi xem tivi thấy thời sự chỉ thấy nói lúa chết, người dân bỏ xứ đi nên tìm cách chống bằng mọi cách, chứ không hề nói đến cách chuyển đổi nông nghiệp, cách sống với hạn, mặn như thế nào” - ông Hai thắc mắc.

{keywords}

{keywords}

Nhiều cánh đồng trắng xóa nước do tôm đã được thả nuôi lại

Để thích ứng với hạn, mặn, tỉnh Kiên Giang đã đề ra những giải pháp căn cơ hơn để thích ứng với tình hình hạn, mặn ở từng vùng.

Tại vùng U Minh Thượng, bà Trương Thị Anh Đào - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh cho biết, huyện đã dịch chuyển theo hướng giảm diện tích tôm - lúa, tăng diện tích chuyên canh thủy sản do một số diện tích tôm - lúa giáp với vùng chuyên canh thủy sản giờ khó trồng hoặc không thể trồng được.

“Huyện sẽ lấy ý kiến của từng người dân trong vùng đang chuyển dịch này để họ tự quyết định. Người dân là người trực tiếp sản xuất nên hiểu rất rõ đất của mình trồng và nuôi được cây, con gì” - bà Trương Thị Anh Đào nói. Còn huyện vùng U Minh Thượng, ngành chức năng khuyến cáo người dân linh hoạt trong nuôi, trồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đang gấp rút xây dựng, khôi phục nhiều tuyến đê, cống ngăn mặn để người dân yên tâm sản xuất. Nạo vét kênh, mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và chủ động sản xuất lúa tới. Đồng thời, tỉnh cũng đang chọn tạo giống chịu được độ mặn cao.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

LOẠT BÀI HẠN, MẶN LỊCH SỬ Ở ĐBSCL:

Kỳ tới: Lúa kiện tôm -Người nuôi tôm lén bơm nước mặn vào ruộng để nuôi tôm khiến những hộ trồng lúa xung quanh bị thiệt hại hoàn toàn