- Nếu Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn sông Mekong theo đúng kế hoạch thì đến cuối tháng này, về cơ bản tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL sẽ được giải quyết.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết tại buổi họp báo chiều nay ở Hà Nội.

Theo ông Cường, lượng nước được xả từ Trung Quốc sẽ về vùng ĐBSCL cho đến hết ngày 29/4. Dự kiến, tổng lượng nước cả đợt xả sẽ đạt 1,44 tỷ mét khối.

“Đây là lượng nước đáng kể góp phần giải quyết bài toán hạn hán, hỗ trợ cơ bản việc đẩy lùi xâm nhập mặn cho ĐBSCL”, ông Cường nhấn mạnh.

{keywords}

Nước dưới sông mặn chát nên bơm vào ruộng lúa khô héo, chết dần. Ảnh: Hoài Thanh

Ông Cường cũng cho biết, nếu không có lượng nước phía Trung Quốc xả từ thượng nguồn sông Mekong xuống thì tình trạng xâm nhập mặn sẽ nguy cấp hơn bởi đường ranh giới với độ mặn 1g/l sẽ lấn sâu thêm khoảng 6-10km nữa.

Trước đó, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ tăng lượng xả từ ngày 15/3 đến ngày 10/4. Bộ trưởng Năng lượng và mỏ Lào cũng tuyên bố, thủy điện của nước này tăng lưu lượng xả nước từ ngày 23/3 đến hết tháng 5 để chống hạn cho hạ du.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTTN) cũng cho biết, việc vận hành gia tăng thủy điện ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến Việt Nam từ ngày 4/4 và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7/4 trở đi.

Cụ thể, dự báo từ ngày 4-9/4 và từ 10-12/4, tại vùng cửa sông Cửu Long, mặn tiếp tục biến động nhẹ nhưng không sâu. Phạm vi cách biển từ 35-45km có thể lấy nước ngọt khi triều thấp, chân triều, đặc biệt là trên sông Cổ Chiên và sông Hậu.

Giai đoạn từ ngày 12 cho đến hết tháng 4, mặn giảm nhanh, phạm vi cách biển từ 25-40km có xuất hiện nước ngọt khá dồi dào, nhất là khi triều thấp, chân triều.

Trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25-40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn ngọt này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy ngọt (dùng cho cả tháng 6,7), trong đó đặc biệt chú ý mở các cống, bơm… khi nước ngọt xuất hiện.

Nước ngọt ưu tiên cho sinh hoạt

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng xuống giống, bởi những vùng không đủ nước ngọt sản xuất, nếu xuống giống sẽ gây thiệt hại nặng.

Ông Tỉnh cũng khẳng định, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi cùng Cục Trồng trọt rà soát cụ thể đến từng vùng, chỉ rõ vùng nào, chỗ nào có nước ngọt tại thời điểm nào để chỉ đạo người dân xuống giống cho phù hợp.

Ông Tỉnh cũng cho biết, việc Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn sông Mekong chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và các địa phương khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, cấp nước, sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước...

B.Hân

XEM TOÀN BỘ LOẠT BÀI HẠN MẶN TẠI ĐBSCL: