Khuôn mặt sương gió, anh Nguyễn Trọng Thái (công nhân Công ty CP than Hà Lầm), thợ lò xuất sắc nhất của ngành than được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X diễn ra mới đây. Từng được vinh danh nhiều về thành tích lao động sản xuất nhưng khi báo chí phỏng vấn, anh có chút ngượng ngùng.

“Dự Đại hội vừa rồi là vinh dự rất lớn với những người lao động như chúng tôi. Đây là sự động viên, khích lệ để sau khi về địa phương tôi tiếp tục truyền đạt lại cho anh em  tinh thần thi đua yêu nước”, anh Thái chia sẻ.

Anh Thái sinh ra ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, trong gia đình có 4 anh em trai, bố làm kiểm lâm, mẹ làm giáo viên. Cuộc sống gia đình khó khăn, anh quyết tâm sẽ làm việc chăm chỉ để thoát nghèo.

{keywords}
Anh Nguyễn Trọng Thái

18 tuổi, anh tới đất mỏ Quảng Ninh làm công việc đội than thuê. Công việc không ổn định, năm 1992, anh quyết định đi học tại trường công nhân mỏ Hữu nghị Việt Xô. Ra trường năm 1994, anh được nhận về công tác tại Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP than Hà Lầm).

Trước đây, thợ lò gần như "cha truyền con nối", nhưng sau này, tại mỗi công ty số thợ lò là người ngoài tỉnh Quảng Ninh như anh Thái rất đông.

Người thợ xuất sắc đào “vàng đen”

Sau ba năm làm việc, Nguyễn Trọng Thái đoạt giải thưởng “thợ xuất sắc toàn ngành” và được công ty đặc cách nâng lương,  trở thành Tổ trưởng tổ Đào lò của công trường kiến thiết cơ bản 1. Trên cương vị chỉ huy tổ thợ đào lò mang tên mình, tổ sản xuất Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì vị trí đứng đầu. Quy định ở công ty Than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó, đây như một cách vừa khích lệ tinh thần làm việc, vừa tăng trọng trách người đứng đầu.

Trong 10 năm từ 2009 đến 2018 tổ sản xuất do anh Thái phụ trách đào được gần 10.000m lò xây dựng cơ bản và lò chuẩn bị sản xuất (hằng năm đều vượt từ 110 đến 115% kế hoạch công ty giao), qua đó mở ra nhiều diện tích khai thác than mới cho công ty.

{keywords}
Anh Nguyễn Trọng Thái (người cầm bản vẽ thiết kế) trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Than Hà Lầm tìm giải pháp sản xuất an toàn, hiệu quả. Ảnh: Công ty Cổ phần Than Hà Lầm

Tổ của anh đã thi công đào 10.000m lò trong lòng đất dưới độ sâu từ mức -50 đến -300m dưới mực nước biển, bảo đảm an toàn tại những dự án trọng điểm, khó khăn, mở ra nhiều điểm khai thác than áp dụng cơ giới hóa cho công ty để đạt sản lượng trên 2 triệu tấn than/năm.

Năng suất lao động bình quân của tổ luôn dẫn đầu công ty cũng như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên trong tổ đạt từ 16 triệu - 25 triệu đồng/tháng, tăng gần 300% lương bình quân đối với công nhân đào lò năm 2009.

Anh Nguyễn Trọng Thái đã có 96 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hơn 10 tỉ đồng. Bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi, anh Thái tận tâm giúp đỡ, kèm cặp để nâng cao tay nghề cho các thế hệ công nhân đi sau. Anh đã bồi dưỡng 22 thợ lò trong tổ đạt danh hiệu thợ giỏi cấp công ty, trong đó có 8 người đạt danh hiệu thợ giỏi xuất sắc cấp tập đoàn.

Năm 2009 là bước ngoặt lịch sử của ngành than khi chính thức mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới. Anh Nguyễn Trọng Thái vinh dự là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300m.

“Trong quá trình làm nghề, đây có lẽ là sự kiện đáng nhớ nhất của tôi. Tôi được lãnh đạo lựa chọn là người đầu tiên xuống tiếp nhận công trình của một nhà thầu nước ngoài để tiếp tục thi công tiếp”, anh kể.

Lần đầu tiên “khai phá” mức kỷ lục mới của ngành, anh khá lo lắng và có đôi chút sợ sệt. Thế nhưng, khi xuống đến nơi rồi, anh lại thấy sung sướng vì đây là độ sâu không phải ai cũng làm được.

{keywords}
Ảnh: Công ty Cổ phần Than Hà Lầm

“Thời điểm tôi xuống, khu vực đó giống như đào một cái giếng. Chúng tôi đào từ độ sâu +75m đến độ sâu -300m tức là tổng độ sâu 375m, mức sâu nhất của ngành mỏ Việt Nam. Bên trong hệ thống mái che và cấp thoát nước chưa có nên tôi gần như ướt hết người, máy móc thiết bị đều được đưa xuống thủ công.

Càng xuống sâu, địa chất càng phức tạp, nước và khí CH4 nhiều, nguy cơ mất an toàn cao, trong khi đó công nghệ và thiết bị vẫn còn mới mẻ. Các thành viên trong tổ mày mò nghiên cứu, học hỏi các chuyên gia kỹ thuật để nhanh chóng làm chủ thiết bị, công nghệ...

Nhờ đó những đường lò xuyên lòng đất dưới mức -300 đã được chinh phục thành công, giúp công ty đưa được 2 lò chợ cơ giới hóa đầu tiên của Tập đoàn vào khai thác hiệu quả”, anh tự hào.

Để đánh dấu thành tựu của ngành, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Namđã lấy dấu chân của anh ở độ sâu -300m đúc đồng. Phòng truyền thống của Công ty CP Than Hà Lầm vẫn đang trưng bày hiện vật này.

Lần cứu hộ xa nhất và đáng nhớ nhất

Ngoài sản xuất, anh cùng anh em thợ mỏ còn tham gia công tác cứu hộ. Vào tháng 12/2014, hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) bị sập, có 12 người bị mắc kẹt bên trong.

Ngay khi sự cố xảy ra, anh là một trong những thợ lò của ngành than được điều vào Lâm Đồng để phối hợp với các lực lượng khác cứu hộ, cứu nạn. Anh dẫn nhóm 5 thợ lò của công ty than Hà Lầm bay ngay trong đêm để vào Lâm Đồng.

“Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc cứu hộ nhưng chỉ trong phạm vi tập đoàn và ngành than, đây là lần cứu hộ xa nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm cho anh Nguyễn Trọng Thái tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2017. Ảnh: VGP

Miệng hầm thủy điện Đạ Dâng nhỏ, ngột ngạt, đất có thể sụp tiếp bất cứ lúc nào khiến anh em thợ, dù đã quen thuộc với hầm mỏ vẫn lo sợ.

Thế nhưng, với tâm niệm những người mắc kẹt phía trong chính là người thân của mình, chúng tôi cố gắng làm thật nhanh, tiến thật sâu. Toàn bộ nạn nhân đã được giải cứu kỳ diệu sau 80 giờ trong bóng tối, thiếu thức ăn, nước uống… Khi toàn bộ nạn nhân được giải cứu, chúng tôi đã ôm nhau khóc”, anh nhớ lại.

Các chiến sĩ công binh là những người đầu tiên tiếp cận và đưa 12 nạn nhân ra ngoài an toàn. Đây là chiến công chung của tất cả các lực lượng tham gia, trong đó có những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và hỗ trợ của đội cứu hộ ngành than, mà ở đó có vai trò của Nguyễn Trọng Thái.

Làm việc ở độ sâu hàng nghìn mét, nghề thợ mỏ có không ít rủi ro, thế nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề và hòn than để “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” như lời Bác dạy.

Với những cống hiến không mệt mỏi, anh vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng năm 2016 vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Anh hùng, chiến sĩ thi đua đều tỏa sáng tinh thần yêu nước

Anh hùng, chiến sĩ thi đua đều tỏa sáng tinh thần yêu nước

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài tinh thần yêu nước, các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) còn có chung một khát vọng cháy bỏng là được cống hiến, xây dựng, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Thành Nam