- Đại tướng Lê Đức Anh thấy rõ một điều cốt tử: Trong việc tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa có hai vấn đề cấp thiết phải giải quyết, đó là khu vực quần đảo Trường Sa và việc thu hồi, quản lý cảng quân sự Cam Ranh.

Bài 1: Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và biển Đông

Vận dụng Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Lê Đức Anh là tác giả của kế sách Bố trí thế phòng thủ chiến lược mới; xây dựng tuyến phòng thủ Trường Sa; Thu hồi quân cảng Cam Ranh trước thời hạn.

Trong suy tư của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, một lĩnh vực vô cùng quan trọng là tăng cường năng lực phòng thủ bờ biển, hải đảo, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và vấn đề tư duy, thực hiện ý tưởng thu hồi cảng quân sự Cam Ranh.

Thời điểm sóng gió

Trước khi kể về công việc tướng Lê Đức Anh giải quyết ở Trường Sa và Cam Ranh, người viết bài này xin nói rõ thêm là không bao giờ quên những lời tâm sự, những suy tư của Đại tướng Lê Đức Anh mỗi khi ông ngồi nhớ lại và phân tích về vấn đề an ninh - quốc phòng của ta tại thời điểm “sóng gió” này:

{keywords}
Sáng nay, 2/2, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đến dự lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng tại Hà Nội. Ảnh: Thủy Ngọc

“Về an ninh - quốc phòng, có thể nói thuận lợi thì rất cơ bản, nhưng khó khăn cũng lớn, nó có từ giữa nhiệm kỳ 5, phát triển kéo dài tới Đại hội 6 và tới Đại hội 7. Về mặt quốc phòng của ta, cần nhận rõ giai đoạn này ta đang ở trong vòng xoáy của các mối mâu thuẫn: Trước hết là mâu thuẫn giữa ta với Mỹ. Tuy ta đã thắng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng Mỹ còn duy trì mâu thuẫn với ta, như phần trên đã nói, Mỹ còn muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam, của tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam đối với khu vực và phong trào cách mạng thế giới, và Mỹ đã và đang thực hiện mong muốn, mục đích đó bằng phương thức bên trong, tức là nội bộ ta thì tiến hành diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ, bên ngoài thì dùng nước thứ ba mà cụ thể là tập đoàn Pôn Pốt ở Campuchia đánh ta từ biên giới Tây Nam làm cho ta suy yếu, mất ổn định, vừa chấm dứt chiến tranh giải phóng lại lâm vào cuộc xung đột, cuộc chiến tranh mới, như vậy thì ta không thể bắt tay vào củng cố và xây dựng kinh tế đất nước phát triển được.

Hai là mâu thuẫn giữa ta và Trung Quốc, trước đây đã có lúc có những sự bất đồng, sau giải phóng miền Nam 1975 thì nổi lên mâu thuẫn.

Ba là tồn tại một số mâu thuẫn giữa ta và Liên Xô. Sau giải phóng miền Nam, ta muốn độc lập tự chủ và đi lên, Liên Xô thì giúp ta nhưng lại muốn áp đặt, muốn ta đi vào quỹ đạo trong chiến lược của họ. Mà thực chất kế hoạch chiến lược của Liên Xô là kế hoạch chiến lược với Mỹ và Trung Quốc.

Mâu thuẫn Trung-Xô chuyển thành mâu thuẫn đối kháng, trước đây đã có rồi, bây giờ tăng lên. Mâu thuẫn Mỹ-Xô cũng là mâu thuẫn đối kháng, rồi xuất hiện xu hướng Mỹ-Trung liên kết để chống Liên Xô, mà chống bằng "con bài Việt Nam", vì vậy ta bị rơi vào vòng xoáy của các mối mâu thuẫn đó. Lúc cao điểm nhất, quân số thường trực của ta đã đưa lên đến 1,3 triệu mà không yên tâm. Do vậy đang có ý định phấn đấu đưa lên đến 1,6 triệu, nhưng bố trí như vậy cũng không ai yên tâm. Trong khi đó mâu thuẫn nội bộ trong nước tăng lên, chi phí quốc phòng tăng lên, đời sống đã khó khăn càng khó khăn hơn trước, nó tác động xấu vào nền kinh tế, về xã hội và đời sống của nhân dân ta rất lớn. Tăng quân số, tăng chi phí quốc phòng nhưng mặt quốc phòng cũng không an toàn, nguy cơ của độc lập dân tộc trên lĩnh vực quốc phòng tăng lên. Lúc này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thoát ra khỏi vòng xoáy của mâu thuẫn này mà vẫn giữ được độc lập dân tộc? Mà cái này nói rộng ra không được. Làm sao trong Đảng thấy được nhưng lại không thể đưa ra bàn rộng rãi, giờ gỡ thế nào thì một người không thể nghĩ ra cách gì để giải quyết được hết và có hiệu quả. Phải phát huy trí tuệ của tập thể Bộ Chính trị và đề cao vai trò trách nhiệm dám nghĩ dám làm của từng cá nhân thành viên. Vì vậy tình hình nó đặt ra yêu cầu về điều chuyển chiến lược là ở chỗ đó.

Trong điều chuyển chiến lược có vấn đề bố trí lại đội hình chiến lược, nhưng không phải là bố trí cơ học một cách thuần túy những đơn vị chủ lực cơ động của Bộ, của các quân khu và lực lượng bộ đội địa phương hiện có. Tôi cứ nung nấu một suy nghĩ là trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, chính nhờ có "Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh" và "Đường lối chiến tranh nhân dân" của Đảng ta nên cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã giành thắng lợi. Mà vấn đề bản chất nhất, cốt tử nhất của Đường lối chiến tranh nhân dân và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là phát huy sức mạnh của toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, tuy nhiên là có tranh thủ được sự giúp đỡ của bè bạn và quốc tế. Vậy thì bây giờ ta vận dụng nguyên lý này vào giai đoạn đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta mới khởi xướng, mà cụ thể là vận dụng một cách khoa học, nhuần nhuyễn Đường lối chiến tranh nhân dân và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào tình hình nhiệm vụ của giai đoạn mới này như thế nào. Nói một cách khác là điều chuyển chiến lược, bố trí đội hình chiến lược như thế nào để bảo đảm việc phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện trong điều kiện đánh lâu dài, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước vừa luôn sẵn sàng vừa đủ sức mạnh chống được mọi tình huống chiến tranh.

Sau khi báo cáo, trình bày ý tưởng của mình, được Bộ Chính trị nhất trí và đồng tình ủng hộ, tôi triển khai tổ chức thực hiện. Lúc đó, tất cả các cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó nòng cốt là cơ quan Tác chiến và Quân lực, Bộ Tổng tham mưu do anh Đoàn Khuê làm Tổng tham mưu trưởng, tiến hành nghiên cứu biên soạn và triển khai tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Như trên tôi nói, không phải là sự bố trí cơ học thuần túy vị trí đứng chân của từng đơn vị, mà công việc bố trí đội hình chiến lược lúc này phải trên nền tảng của tư duy mới. Đó là việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững bền để vừa chống được diễn biến hoà bình, vừa chống được bạo loạn lật đổ và những nguy cơ chiến tranh do cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo và điều hành. Đây là vấn đề rất cơ bản. Nói cụ thể ra, Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của tỉnh, là Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy việc xây dựng và phát huy tác dụng khu vực phòng thủ tỉnh, thành; xây dựng, điều động và chỉ huy các lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ cả trong tình huống chống diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ, cả trong tình huống có chiến tranh hoặc xung đột vũ trang. Cơ quan quân sự tỉnh-thành là cơ quan tham mưu chỉ huy về công tác quân sự cho lãnh đạo tỉnh- thành. Rồi xây dựng sự liên kết giữa các khu vực phòng thủ với nhau. Xác định rõ các "Khu vực phòng thủ then chốt", có sự kết hợp giữa các lực lượng vũ trang của quân khu và của Bộ, kết hợp giữa lực lượng chủ lực cơ động của quân khu và chủ lực cơ động của Trung ương. Đặc biệt tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.

Chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Phương hướng là ta sẽ giảm quân thường trực với số lượng lớn nhưng lực lượng làm khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) chỉ nên tăng lên chứ không giảm. Rất chú ý khâu bảo quản và hiện đại hoá vũ khí, nhất là các lĩnh vực: Phòng không, tăng- thiết giáp, cơ giới …; tiến tới tự động hoá pháo phòng không tầm trung và tầm cao. Hải quân thì tàu 5000 tấn tiến lên một vạn tấn.

Khi tôi đưa ra Bộ Tổng tham mưu thảo luận vấn đề này thì đều nhất trí. Đưa vào báo cáo một số anh: Anh Linh, anh Dũng, anh Mân, anh Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt đều đồng tình. Rồi anh Đỗ Mười, anh Tố Hữu đều đồng tình. Có anh hỏi tôi "Phía đối phương như thế nào?" Tôi bảo, nếu một thế lực nào đó định xuất quân đánh ta, thì ta xác định đánh lâu dài; ta bố trí đội hình kiểu này để đánh lâu dài thì nó vững hơn. Khi chính thức đưa ra bàn trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư thì cũng nhanh chóng đạt được sự nhất trí cao vì trước đó tôi đã gặp, báo cáo và trao đổi với từng anh, các anh đã nhất trí và đồng tình, đều nói là "Được!" vì thấy như vậy là vững.

Tiến hành đồng thời với việc điều chỉnh bố trí đội hình chiến lược là việc tính toán cụ thể rồi lên kế hoạch giảm quân số để trực tiếp giảm chi phí quốc phòng. Điều này tôi và anh Nguyễn Văn Linh đã nung nấu từ trước nhưng đến thời điểm này mới cho phép ta thực hiện, bởi không thể để kéo dài tình trạng ngân sách quốc phòng cứ chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân, trong đó chưa tính đến trang bị, trong khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt và khủng hoảng trầm trọng, lạm phát lên tới 774%. Nhất định phải giảm quân số thường trực để làm nhẹ bớt gánh nặng chi phí quốc phòng là trực tiếp góp phần đáng kể giải quyết khủng hoảng, trực tiếp góp sức vào công cuộc "Đổi mới đất nước" mà Đảng ta vừa khởi xướng.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc sức khỏe Đại tướng Lê Đức Anh tháng 12/2014. Ảnh: VietNamNet

Lúc này Bộ Chính trị không hề áp đặt mức giảm bao nhiêu mà nói rằng Bộ Quốc phòng cứ tính toán. Các đồng chí phụ trách kinh tế cũng hoàn toàn đồng ý và nói rằng "Về mặt ngân sách, Quốc phòng cứ tính toán, làm sao cho vừa". Tôi đưa ra con số giảm trên 60% số quân thường trực và xin từ 15% đến 18% ngân sách thu trong nước chứ không phải tổng ngân sách, càng không phải tỷ lệ này so với tổng thu nhập quốc dân. Khi đưa ra con số này thì Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn, ai nấy đều phấn khởi và thấy nhẹ hẳn đi, gánh nặng ngân sách quốc phòng sẽ được giải quyết một cách cơ bản (…).

Từ việc nghiên cứu tài liệu, đi khảo sát thực địa rồi suy ngẫm, Đại tướng Lê Đức Anh thấy rõ ra một nội dung có tính cốt tử: Trong việc tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa có hai vấn đề nổi lên rất quan trọng và cấp thiết cần phải giải quyết - Đó là khu vực quần đảo Trường Sa và việc thu hồi, quản lý cảng quân sự Cam Ranh.

Đại tướng chỉ thị cho Quân khu 4, Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân theo dõi chặt các biến động trên vùng biển Đông, chuẩn bị người và phương tiện để đối phó với các tình huống xảy ra.

Cuối tháng 2-1987, Bộ trưởng Quốc phòng một mặt chỉ thị cho Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ bãi đá ngầm Thuyền Chài, một mặt trình lên Trung ương chủ trương và kế hoạch giữ đảo. Ngày 20-3-1987 đã được Ban Bí thư phê chuẩn, và ngày 9-4-1987 đã được Hội đồng Bộ trưởng giải quyết vật tư, tài chính cho công việc này.

Cuối tháng 3-1987, Đại tướng Bộ trưởng xuống làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân và chỉ thị rõ: “Phải thấy hết vị trí chiến lược của biển Đông. Trước tiên phải lo phòng thủ Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết như vừa rồi đóng ở Thuyền Chài; các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng Hải quân mạnh như mong muốn của toàn quân”. Trong hai tháng 5 và 6/1987, quân chủng Hải quân đã phái các tàu đi khảo sát lần cuối các bãi đá ngầm để lập kế hoạch đóng giữ.

Ngày 10-6-1987, ông vào Cam Ranh, tiếp tục làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân và Vùng 4, ông đã nói rõ thêm: “Từ những năm 50, nằm trong ý đồ chiến lược của mình, Trung Quốc đã có ý định chiếm Hoàng Sa rồi Trường Sa. Ta phải nỗ lực cao nhất để bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, đóng giữ các đảo còn chìm, coi trọng việc chi viện từ bờ ra. Vừa qua Quốc phòng chưa làm hết sức, cả nước chưa làm hết sức. Nay ta phải làm, làm cho ngày nay và cho thế hệ mai sau”.

Ngày 24 và 25 tháng 10-1987, Bộ tư lệnh Hải quân và Bộ tổng Tham mưu trình lên phương án đóng giữ các bãi đá ngầm. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư đã nhất trí duyệt phương án đó. Đến ngày hôm sau, 26 tháng 10, ông Đỗ Mười đã chủ trì cuộc họp Ban Bí thư về vấn đề Trường Sa để chuẩn bị báo cáo trình lên Bộ Chính trị. Tại cuộc họp, Thượng tướng - Tổng tham mưu trưởng Đào Đình Luyện, thay mặt Bộ tổng Tham mưu đã báo cáo tình hình khẩn trương ở Trường Sa, đề nghị Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối Trung Quốc cho Hải quân xuống Trường Sa.

Tăng cường sự có mặt của Việt Nam ở biển Đông

Đến ngày 6-11-1987, tướng Anh ra Mệnh lệnh (Số 1679/ML) giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Hải quân: "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Tiên Nữ! …” Và, đến ngày 30 tháng 11 đó, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 06, chỉ rõ: "Nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa và tăng cường sự có mặt của Việt Nam ở biển Đông là nhiệm vụ của cả nước, không phải riêng của các lực lượng vũ trang …"

{keywords}
Chiến sĩ hải quân ở Trường Sa. Ảnh: Minh Thăng

Cuối năm 1987 và tháng 1-1988, Bộ tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị đã tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các Quân chủng: Hải quân, Phòng không và Không quân, kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa 3 quân chủng để bảo vệ Trường Sa. Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập … nhưng gió to sóng lớn, các con tàu vận tải nhỏ của Hải quân bị đứt neo, phải trở về căn cứ.

Và rồi, đúng như tiên đoán của ông, Trung Quốc đã cho lực lượng hải quân xuống tiến công chiếm đảo, bắn chìm tàu của ta.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG, ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH TẠI ĐẢO TRƯỜNG SA LỚN NĂM 1988

Chiều 13-2-1988, làm việc với Tư lệnh Hải quân, tướng Anh đã phê phán nghiêm khắc việc để mất Đá Chữ Thập và giao cho Tư lệnh Quân chủng kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ngày 17 tháng 2, đúng mồng 1 Tết Nhâm Thìn, Bộ tư lệnh Hải quân vào sở chỉ huy Vùng 4 ở Cam Ranh để trực tiếp chỉ huy các đơn vị.

Hai ngày sau, ông gửi báo cáo lên Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách như tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, cấp kinh phí, vật tư cho Hải quân, tiến hành đấu tranh ngoại giao và tranh thủ dư luận rộng rãi liên tục trong nước và quốc tế.

{keywords}

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại Trường Sa Lớn năm 1988

Ngày 22-2-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã ký quyết định giải quyết những vấn đề cấp bách cho bộ đội Trường Sa. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã làm việc với các cơ quan Nhà nước để tiếp nhận vật tư, trang bị, tài chính cho Hải quân, về cơ bản là đạt kế hoạch.

Trong những ngày này, quân và dân cả nước chăm chú và lo lắng theo dõi tình hình ở Trường Sa. Bộ Ngoại giao ta đã gặp các Đại sứ để thông báo tình hình Trung Quốc cho Hải quân xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa an ninh của Việt Nam và các nước trong khu vực, gây tình hình căng thẳng và mất ổn định ở Đông Nam Á. Một phong trào của quần chúng chi viện Trường Sa, lên án Trung Quốc nổi lên nhanh chóng trên phạm vi cả nước.

Quân chủng Hải quân đã có 1 kế hoạch tỉ mỉ cho lực lượng tàu vận tải và bộ đội công binh cùng một lúc vào sáng 14-3-1988 đến đóng giữ 3 bãi đá ngầm: Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ở phía nam cụm đảo Sinh Tồn. Nhưng ngay trong đêm 13-3, Trung Quốc đã điều 5 tàu đến khu vực này, sáng sớm ngày 14 đã bắn cháy 3 tàu của ta (Số 604, 605 và 505), làm ta hy sinh 3, bị thương 11 và mất tích 74 đồng chí. Họ chiếm Gạc Ma, ta đóng giữ được Cô Lin và Len Đao. Hàng chục đồng chí bơi được về đảo Sinh Tồn. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm đã xuất hiện. Ta dùng máy bay AH-26 tiếp tế thuốc men, quần áo cho đảo Sinh Tồn bằng thả dù, đã có tác dụng tốt…

Ngày 16-3-1988, Bộ Chính trị đã họp và có kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ lập trường và chủ quyền của ta.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, cục phó Cục Tác chiến, người được giao chuyên trách theo dõi về biển đảo kể lại:

“Sau Giải phóng miền Nam-1975, tại khu vực quần đảo Trường Sa, ta đứng chân 7 điểm-đảo. Từ ngày nhậm chức Tổng tham mưu Trưởng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù đang phải tập trung giải quyết nhiệm vụ tác chiến trên biên giới phía Bắc nhưng ông Lê Đức Anh vẫn giành thời gian đi khảo sát trực tiếp tại Trường Sa. Ông nói với anh em Tác chiến chúng tôi là sớm muộn gì thì Trung Quốc cũng sẽ đưa quân xuống đây. Và rồi, trước sự giải trình và đề nghị rất thuyết phục của ông, mặc dù lúc đó ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, rất khó khăn, nhưng đề nghị của ông vẫn được Bộ Chính trị phê duyệt; và Chính phủ đã tìm mọi cách để giành một phần ngân sách cho bộ đội Hải quân và Công binh tiến hành xây dựng các “nhà giàn” và “chòi canh” để đưa quân ra chốt giữ tại các đảo “nửa nổi nửa chìm”. Kết thúc đợt đó, số điểm-đảo của ta chốt giữ đã lên con số 21, tức gấp ba lần trước đó.

Từ ngày 4 đến 9-5-1988, mặc dù lúc này sức khoẻ của Đại tướng Bộ trưởng không được tốt, nhưng ông vẫn yêu cầu tôi và một số cán bộ Bộ tổng Tham mưu đưa ông ra thị sát trực tiếp tình hình bộ đội chốt giữ ở quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 12 tháng 4, ta công bố công khai 21 điểm mà ta đã đóng quân từ trước tới nay. Ngày 7 tháng 5, ông chỉ đạo cho Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng tại đảo Trường Sa Lớn. Tới dự có đại diện các cơ quan của Bộ quốc phòng, các quân chủng và Tỉnh ủy tỉnh Phú Khánh. Lễ mít tinh tổ chức ngay bên cột mốc có dòng chữ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Tại buổi lễ, trong bài phát biểu của mình, Đại tướng Bộ trưởng Lê Đức Anh đã nhắc lại: Trong những năm 50 và 60, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hữu nghị, tình sâu nghĩa nặng. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và có hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình. Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa … Sau khi nêu lên sự kiện ngày 14-3 -1988 vừa qua, tôi nói rằng: Tại sao một số người lãnh đạo Trung Quốc nhân danh gì lại sử dụng vũ lực xâm chiếm một phần lãnh thổ của ta trên biên giới Việt-Trung, chiếm quần đảo Hoàng Sa, nay lại lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc chúng ta ?… Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế … Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, nhân dân và cán bộ Trung Quốc hiểu rõ sự thật … Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta … Hôm nay, giữa trời biển bao la, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa- Một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!" Các chiến sỹ Hải quân cùng mọi người dự lễ đã hô vang với ông: "Xin thề!"

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ tổng Tham mưu đã tổ chức cho các quân, binh chủng: Hải quân, Không quân, Phòng không, Đặc công, Thông tin tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ. Qua công tác thăm dò khoáng sản gần đây có dấu hiệu có dầu mỏ, thì việc triển khai công tác phòng thủ nói trên càng có ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong công cuộc Đổi mới đất nước…”.

Căn cứ quân sự Hải quân - Không quân Cam Ranh

Người viết bài này nhớ lại, mỗi khi gợi lại và hỏi Đại tướng Lê Đức Anh về chuyện vùng vịnh Cam Ranh và quân cảng Cam Ranh thì mỗi lần ông rất hào hứng, giọng nói của ông phấn chấn hẳn lên: “Tôi đặc biệt quan tâm đến vị trí này ngay từ khi tôi chưa làm Bộ trưởng Quốc phòng. Bởi vì đây là một trong 3 vịnh tốt nhất của thế giới cùng với San Francisco của Mỹ và Rio de Janeiro của Bra-xin. Cam Ranh có vị trí chiến lược, một khu vực phòng thủ then chốt của miền Trung và của cả nước, là căn cứ để bảo vệ cả vùng biển rộng lớn và quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, ở Cam Ranh còn có một điều vô cùng quý giá mà không phải cảng biển nào cũng có được là ngay sát mặt nước biển mặn chát lại có một mỏ nước ngọt với trữ lượng lớn. Biên giới phía Bắc nóng bỏng như vậy, kể cả những trọng điểm như Chi Lăng, Vị Xuyên, Trà Lĩnh, tôi cũng chỉ cố gắng đến được hai lần; vậy mà với Cam Ranh, tôi vào tới bốn, năm lần. Vậy thì bây giờ xu hướng giải quyết với Liên Xô về Cam Ranh như thế nào, về lực lượng cố vấn như thế nào, tôi nghĩ phải giải quyết có tình có lý, có pháp lý hẳn hoi thì mới xử lý một cách cơ bản và dứt điểm được.

Trước đây, giai đoạn hai Tổng Bí thư Brê-giơ-nép của Liên Xô và Lê Duẩn của Việt Nam lãnh đạo, hai Nhà nước đã ký kết "Hiệp định đoàn kết và hợp tác toàn diện" những gì đã ký kết thì phải tôn trọng, hai bên hỗ trợ, giúp đỡ nhau để thực hiện. Những gì làm thêm ngoài nội dung ký kết thì phải trao đổi, hai bên đồng thuận thì mới được làm. Chẳng hạn, họ yêu cầu cho khu gia đình của họ ở phía Bắc vào bãi Cam Ranh cho thuận tiện đối với sỹ quan của họ, đây là điểm "làm thêm", ta đồng ý. Nhưng nếu Liên Xô đưa tàu ngầm nguyên tử vào quân cảng Cam Ranh thì nguy hiểm lắm. Ta cứ suy luận một cách đơn giản là giờ đây Liên Xô và Trung Quốc coi nhau như kẻ thù, mà Liên Xô đưa tên lửa vào đó thì sẽ chĩa vào Trung Quốc, như vậy tình hình này càng đẩy Trung Quốc liên minh với Mỹ, như vậy càng nguy hiểm cho ta, càng đe doạ đến hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới. Lại nữa, hãy hình dung xem, cố vấn Liên Xô tiến hành đồng thời việc yêu cầu ta bỏ chế độ Đảng ủy, một đằng đưa toàn bộ 19 sư đoàn chủ lực của ta lên bố trí sát biên giới Trung Quốc, một đằng đưa tàu ngầm vào Cam Ranh thì có phải đã hình thành đội hình một mũi tiến công nhằm vào Trung Quốc và vô hình trung ta trở thành "lính xung kích" trong "chiến lược châu Á-Thái Bình Dương" này không? Vô hình trung ta rơi vào vòng xoáy của "mâu thuẫn Mỹ-Xô-Trung" hay không? Nhất định ta phải gỡ để thoát ra khỏi vòng xoáy này.

Khi vào Cam Ranh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đưa tôi đi thị sát toàn bộ khu vực. Thấy họ khai thác đá và cát trong vịnh để xây dựng kho, xây dựng hầm ngầm, tôi bảo không được, nguy hiểm quá! Cậu Ninh bảo trước đây ngụy Sài Gòn cũng cho quân Mỹ khai thác đá ở đây để xây dựng các công trình cảng, bây giờ Liên Xô họ cũng lấy tiếp đá ở chỗ này để xây dựng. Tôi bảo không được! Cứ cho họ khai thác thế này thì Vịnh Cam Ranh sẽ bị sa mạc hóa, nhất định không được, ở đây mỗi cục đá là một cục vàng, cát cũng là vàng, một nhành cây cũng không được chặt mà chỉ có trồng thêm. Sẽ giải quyết có đá và cát cho họ, nhưng không phải là lấy ở trong vịnh mà phải lấy trong đất liền mang vô.

Trở về Hà Nội, tôi nói luôn điều này với anh Nguyễn Văn Linh và các anh trong Bộ Chính trị, nên khi tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đề nghị kiên quyết- Một là không đưa vũ khí nguyên tử vào Cam Ranh. Hai là không khai thác đá và cát trong Vịnh Cam Ranh. Ký kết với Liên Xô thì cần và ký rồi, các anh biết cả rồi, nhưng riêng hai điều này thì ta cấm kỵ. Các anh đồng ý. Lúc đó, tôi đã nghiên cứu xem trong văn bản hiệp định này có chỗ nào có thể "gỡ" được không. Thấy trong Hiệp định không có chỗ nào nói đến "hạt nhân và nguyên tử", nên với danh nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nói với Trưởng đoàn Cố vấn Liên Xô: "Xin thưa với đồng chí! Trong Hiệp định không đề cập việc đưa “đầu đạn H” vào vịnh Cam Ranh nên đề nghị các đồng chí thực thi nghiêm túc. Cái thứ hai là, trong văn bản Hiệp nghị không nói, nên các đồng chí không được lấy đá ở trong vịnh để xây dựng công trình, mà phải lấy ở ngoài. Hơn nữa, văn bản Hiệp nghị cũng không hề nói đến vũ khí hạt nhân nên mọi vũ khí hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân không được có ở đây".

Sau khi Đại sứ Liên Xô điện về nước, họ xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của ta, anh Phạm Hùng. Anh Phạm Hùng cho gọi tôi lên, nói qua nói lại. Tôi bảo trong Hiệp nghị không có chuyện hạt nhân, tên lửa. Hai là trong vịnh Cam Ranh chúng tôi đánh giá mỗi viên đá quý như hòn vàng, chỉ có thêm, tức lấy ở ngoài vào chứ không sả núi lấy đi. Chúng tôi sẽ có đá cho các đồng chí, bao nhiêu cũng được. Rồi Đại sứ họ điện về nước họ. Trung ương họ điện sang, sự việc êm! Tôi chỉ đạo bộ đội trong Cam Ranh làm một con đường chừng 30 km. Có con đường vào khai thác đá núi trong đất liền (ở đoạn Hiền Lương phía sau thị trấn Ba Ngòi) chở ra vịnh, cả bộ đội Liên Xô và cả người dân ngoài vịnh rất phấn khởi.

Ta quan hệ và bàn với các nước ASEAN đi đến thoả thuận "Khu vực Đông Nam á là khu vực phi hạt nhân, không có vũ khí hạt nhân". Ta tham gia và ký vào đó. Các nước Đông Nam Á rất đồng tình, kể cả Phi-líp-pin cũng tích cực vận động vì Phi-líp-pin cũng có căn cứ của Mỹ ở Su-bíc. Mà ta đã ký thì phải giải toả được Cam Ranh. Ta nói với Liên Xô rằng khi nào có tên lửa đầu đạn thì cho chúng tôi biết, vì nếu không thì vi phạm Hiệp định. Trước đó thì có, về sau, khi ta nói vậy thì họ không cho tàu ngầm vào nữa. Tàu khu trục cũng không vào nữa. Kho xưởng trước đây sửa chữa đầu đạn tầm xa thì họ cũng ngừng. Ở Cam Ranh chỉ còn lại máy bay trinh sát chiến lược RF.71, trước đây bay 24/24 giờ trong ngày, nay họ cũng giảm bớt. Việc này ta không nói ra nhưng những người làm quân sự, những nhà quân sự thế giới họ đều biết cả. Khi ta xử lý việc này thì Trung Quốc họ mới yên tâm. Lúc đó cũng có người hỏi "Tại sao mình lại ký văn bản này với ASEAN?" Tôi bảo ta tham gia được "Hiệp ước không có hạt nhân" là rất may, không tham gia được thì "mệt lắm"!….”.

Đến khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga thế chân tiếp tục Hiệp nghị, duy trì ở Cam Ranh. Mặc dù biết rằng Hiệp nghị còn hạn tới năm 2004, nhưng tướng Anh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và cơ quan của Nhà nước (sau này ông lên làm Chủ tịch nước) đàm đạo một cách khôn khéo, kiên trì và êm dịu để họ rút ra, trao trả quân cảng Cam Ranh cho ta trước thời hạn. Thực chất khi thấy không đạt được ý định thì họ cũng muốn rút ra. Đại tướng đã nói với các bạn Nga rằng: “Các anh rút, chúng tôi chỉ xây dựng cảng cho Hải quân Việt Nam sử dụng, chứ nhất định không cho bất cứ một nước nào vào đây thuê, cam đoan như vậy!”.

Ngay sau đó, Mỹ cũng vận động thông qua một vài nước ASEAN để thuê quân cảng Cam Ranh, ta nói rõ Việt Nam kiên quyết không chứa, không tàng trữ vũ khí hạt nhân, không cho ai sử dụng đất của mình để có vũ khí hạt nhân ở đó. Các nước ASEAN rất phấn khởi. Và như vậy, cả Trung Quốc, Nga và Mỹ đều yên tâm.

Tướng Anh nhấn mạnh thêm: “Đây là khu vực hết sức nhạy cảm, là vấn đề lớn lắm; nó tạo sự ổn định lâu dài cho ta và xoá đi cái sự lo ngại của Trung Quốc, của Mỹ và các nước khác. Sau này Mỹ có dùng một số nước tác động để thuê ta cho tàu của họ vào, thuê cảng chỉ để lấy nước ngọt thôi. Mấy ông lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà ưng lắm, cứ ra Trung ương xin ráo riết. Tôi bảo nhất định không được. Ngay cả cát ở đó cũng rất quý vì hàm lượng si-li-cát rất cao, hạt cát Cam Ranh lóng lánh như thủy tinh. Cần khẳng định dứt khoát Cam Ranh là căn cứ quân sự tổng hợp Hải quân - Không quân; phải xây dựng, bảo vệ, quản lý vững chắc trong mọi tình huống, duy trì và làm phong phú thêm cảnh quan thiên nhiên, giữ tốt môi trường sinh thái, không được chặt cây phá đá, không đặt vấn đề xây dựng kinh tế hoặc kết hợp kinh tế - quốc phòng ở đây.”

Đại tá Khuất Biên Hòa

Bài cuối: Những năm gần đây, Đại tướng Lê Đức Anh tuy tuổi đã rất cao, sức khỏe đã giảm, lại đã kinh qua hai lần tai biến xuất huyết não, nhưng đầu óc vẫn sáng suốt, tư duy mẫn tuệ; đặc biệt, tình cảm và trách nhiệm với những vấn đề có tầm chiến lược thuộc lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong ông vẫn nguyên vẹn, đầy đặn và sắc sảo.

Những giây phút cân não của vị Tướng Cảnh sát biển
Giữa biển trời Tổ quốc, nhớ lính hải quân hóa thân vào sóng