Trung ương thảo luận về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; trong đó nhấn mạnh, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

"Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" đã được đưa ra thảo luận và cho ý kiến tại hội nghị TƯ lần thứ 10 của Đảng. Trong toàn văn thông báo hội nghị chiều nay 12/1, việc thảo luận và cho ý kiến về "Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" được hội nghị đề cập.

{keywords}

Đánh giá về tình hình báo chí, TƯ nhận định, trong hơn 10 năm qua, hệ thống báo chí cả nước phát triển nhanh về số lượng, loại hình, nội dung, hình thức, đội ngũ cán bộ... Công tác chỉ đạo, quản lý có bước đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời hơn. Nhưng bên cạnh đó, hệ thống báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập, khuyết điểm.

Đó là cơ cấu, quy mô chưa hợp lý; khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách, thông tin không chuẩn xác chưa được khắc phục; năng lực cán bộ của nhiều cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ làm báo còn những bất cập; vai trò, tinh thần trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt; hoạt động kinh tế của nhiều cơ quan báo chí khó khăn....

Không để nhóm lợi ích chi phối báo chí

"Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị

Trung ương đã chỉ rõ nguyên nhân của những ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập.

Từ thực trạng quản lý, phát triển báo chí, dự báo xu hướng phát triển thông tin, truyền thông, TƯ thảo luận các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; trong đó nhấn mạnh, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, hiệu lực, xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội.

Theo đó, sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet; khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích, nặng về thông tin mặt trái, mặt tiêu cực; thông tin không chuẩn xác,…

Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị TƯ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị TƯ đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những vấn đề đang nổi cộm cần tiếp tục đổi mới, khắc phục trong tổ chức, hoạt động, phát triển và quản lý của hệ thống báo chí hiện nay, bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử.

Trong Tờ trình, Ban cán sự đảng Chính phủ đã đề xuất một số vấn đề cụ thể xin ý kiến chỉ đạo, mong TƯ quan tâm cho ý kiến đối với từng vấn đề, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng, thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới.

Linh Thư