- Chưa phát huy, tích lũy được gì ở "thời kỳ vàng" thì dân số Việt Nam đã nhanh chóng bước vào giai đoạn “già hóa” do tuổi thọ bình quân tăng, tỷ suất sinh và chết giảm.

Sau khi triển khai pháp lệnh dân số được 4 năm (2007) thì dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” - một thời kỳ chỉ có duy nhất một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

{keywords}

Ngày càng có nhiều người già vào trại dưỡng lão sinh sống (Ảnh: C.Q)

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” được hiểu là cứ 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) mới phải “gánh” một người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em - dưới 15 tuổi và người cao tuổi - trên 64 tuổi).

Hơn 61 triệu người (chiếm 69% tổng dân số) đang ở độ tuổi lao động là một nguồn nhân lực khổng lồ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, chưa kịp tận dụng được những lợi thế của thời kỳ vàng này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống thì dân số Việt Nam đã rơi vào giai đoạn “già hóa”. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Năm 2009, sau Tổng Điều tra dân số, các chuyên gia đã dự báo đến năm 2017, Việt Nam mới bước vào giai đoạn “già hóa dân số” (dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số cả nước). Nhưng thực tế là ngay từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn này.

Các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước dự báo rằng giai đoạn “già hóa dân số” chuyển sang giai đoạn “dân số già” (dân số 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số cả nước) còn nhanh hơn nhiều nước phát triển trên thế giới ví dụ như Pháp là 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Úc: 73 năm, Mỹ: 69 năm ... trong khi Việt Nam chỉ mất có 16 - 18 năm.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh dân số (2003-2013) diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội cho thấy, tốc độc già hóa dân số của nước ta tăng nhanh chóng là do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73 tuổi. Trong khi tuổi thọ tăng cao thì tỷ suất sinh, tỷ suất chết giảm mạnh (đặc biệt là tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm).

Tỷ lệ gia tăng dân số của Việt Nam giảm từ 1,17% (2002) xuống còn 1,06% (2012). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm mạnh từ 21,7% (2002) xuống còn 14,2% (2012). Năm 2002, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 2,28 nhưng đến năm 2012 chỉ còn 2,05 con.

Việc "già hóa dân số" quá nhanh đang đặt ra nhiều thách thức về công ăn việc làm, an sinh xã hội, … Hiện nay, ở nhiều địa bàn (đặc biệt ở khu vực nông thôn), việc chăm sóc người già còn nhiều hạn chế, người già không có lương hưu, chủ yếu sống phụ thuộc con cái.

C.Quyên