- Người dân có thể bày tỏ hài lòng hay không hài lòng đối với cán bộ một cửa, có đúng hẹn không, có trễ hẹn nhiều lần không? Có đi lại nhiều lần không, hoặc có chi phí không chính thức không?

Bàn tròn: Dân chấm điểm chính quyền - Kinh nghiệm Quảng Trị với ba vị khách mời là chuyên gia uy tín về chính sách công, cải cách hành chính và đại diện cơ quan dân cử ở địa phương. 

Quảng Trị là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai một sáng kiến mới về cải cách hành chính - Mscore - Dân chấm điểm chính quyền qua điện thoại.

Mscore triển khai ở Quảng Trị do GS Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Hoa Kỳ) khởi kiến.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa là một chuyên gia giàu kinh nghiệm cả về chính sách và thực tiễn công tác cải cách hành chính.

{keywords}
Tổng biên tập VietNamNet Phạm Anh Tuấn tặng hoa cho 3 khách mời tham gia bàn tròn

BTV Thủy Chung: Cải cách thủ tục hành chính có lẽ là vấn đề thảo luận sôi nổi, đa chiều nhất trong 5 năm trở lại đây khi nhắc đến những thay đổi của chính quyền để phục vụ tốt hơn với người dân trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhật quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là sau chừng ấy năm chúng ta tiến hành cải cách hành chính thì kết quả đã đi đến đâu, đã đạt được sự hài lòng của người dân hay không, vai trò của người dân, đặc biệt vai trò ý kiến, phản biện của người dân ở đâu trong câu chuyện cải cách hành chính.

Xin hỏi ông Nguyễn Đức Dũng: Quảng Trị đã tham gia không ít những chỉ số đánh giá cải cách hành chính như PCI, PAPI, PAR INDEX vậy sáng kiến Mscore đã đến với Quảng Trị như thế nào? Điểm khác biệt nào của sáng kiến này đã thuyết phục tỉnh Quảng Trị áp dụng nó?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2011-2020, chúng tôi cũng tiếp cận nhiều công cụ để triển khai đánh giá công tác cải cách hành chính trên địa bàn. 

{keywords}
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng: Người dân trong không gian đơn giản nhất có quyền chấm điểm cơ quan công quyền

Chỉ số Papi đánh giá năng lực quản trị địa phương thông qua trải nghiệm của người dân, chỉ số PCI thì đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tính, chỉ số Par index của chính phủ.

Những công cụ này đã góp phần rất quan trọng cho thay đổi nhận thức của chính quyền và công chức địa phương trong quá trình quản trị địa phương cũng như phục vụ người dân. 

Bước đầu cũng đã đem lại những kết quả rất tốt ở địa phương. Tuy nhiên những công cụ này mang tính truyền thống, có thể tổ chức khảo sát với người dân trong một không gian, thời gian nhất định hoặc hình thức phát phiếu điều tra. Chính vì vậy chúng tôi thấy mặt tích cực của nó.

Tuy nhiên khi chúng tôi được GS Trần Ngọc Anh gợi ý bằng cách nào để người dân có thể đánh giá chính quyền và cán bộ công chức với một hình thức đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho người dân để người dân có thể tham gia tích cực bằng cách sử dụng điện thoại di động. 

Tôi thấy đây là một sáng kiến rất là mới, rất hay khác với cách làm truyền thống trước đây. Thực sự nó là một sáng kiến hướng đến người dân.

{keywords}
Người dân có quyền bày tỏ sự hài lòng hay không đối với cán bộ công quyền

Người dân bất cứ trong không gian, thời gian nào cũng có thể cầm điện thoại trả lời cơ quan khảo sát. 

Họ bày tỏ quan điểm của họ sự hài lòng hay không hài lòng đối với cán bộ một cửa, sự vận hành của cơ quan một cửa, cơ quan chuyên môn giải quyết có kịp thời không, có đúng hẹn không, có trễ hẹn nhiều lần không? Có đi lại nhiều lần không, hoặc có chi phí không chính thức không.

Như vậy, người dân có quyền chia sẻ tất cả những cái đó với cơ quan khảo sát, đồng thời họ có quyền chấm điểm đối với cán bộ và cơ quan công quyền. HĐND tỉnh là một trong những tổ chức tiếp nhận và triển khai cái sáng kiến này. 

Chúng tôi triển khai ở 9 văn phòng một cửa, sau 1 năm triển khai đã đảm bảo được yêu cầu và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Áp lực để điều chỉnh

BTV Thủy Chung: Là người đưa ra sáng kiến này đầu tiên và tiếp nhận của Quảng Trị như thế, theo ông Trần Ngọc Anh đó có phải là điều mà ông suy nghĩ và đưa ra phác thảo khi đưa ra sáng kiến Mscore? Vì sao VN lại cần cách làm mới khi đã có kha khá những cải cách hành chính?

GS Trần Ngọc Anh:  Các phương pháp truyền thống vẫn khá phù hợp với thời đại hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động rất phổ biến. 

Điều này dẫn tới ý tưởng tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ mới, để tạo ra sự thuận tiện nhất, nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất. Mscore ra đời là từ viết tắt của Mobile Scorecard - thẻ đánh giá chất lượng dịch vụ công trên điện thoại.

{keywords}
GS Trần Ngọc Anh: Người dân chính là khách hàng dịch vụ của cơ quan công quyền

Điểm khác biệt của Mscore với các chỉ số hiện nay là không hỏi chọn mẫu trong dân, mà hỏi chính khách hàng dịch vụ. 

Ví dụ bạn vừa làm thủ tục đăng ký kết hôn, làm sổ đỏ sau đó bạn sẽ nhận tin nhắn hay điện thoại từ Mscore để đánh giá, từ đó xác thực được lập tức phản ứng của khách hàng. 

Các công cụ khảo sát khác thường một hai năm mới làm được một lần, khá tốn kém. Công cụ này chúng ta làm hàng ngày, thông tin cập nhật liên tục, và so sánh rất sát giữa các văn phòng hành chính, thậm chí so sánh giữa các cán bộ với nhau. Từ đó dẫn tới sự điều chỉnh lập tức.

Tôi cảm thấy rất may mắn khi làm với Quảng Trị trong thời gian qua. Ban đầu cho rằng đây là địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên việc áp dụng công cụ tiên tiến như này là khó nhưng khi vào Quảng Trị thì bất ngờ, và rất đáng mừng bởi chính quyền tỉnh rất nhiệt tình, nhìn thấy giá trị của công cụ này, thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng công cụ.

Đây là lý do căn bản để công cụ này áp dụng được bước đầu thành công. Hy vọng sẽ có cơ hội áp dụng ở những địa phương khác.

Dân chỉ quan tâm cuối cùng có được phục vụ tốt

BTV Thủy Chung: Thưa ông Đinh Duy Hòa, là người làm chính sách về cải cách hành chính và trực tiếp tham gia làm làm một số chỉ số như đã nêu, ông nghĩ gì về cách làm mới này? Theo ông, với tất cả những chỉ số cải cách hành chính chúng ta đang thực hiện, đã có thể đánh giá toàn diện được những mặt được và chưa được của bộ máy hành chính chưa?

Ông Đinh Duy Hòa: Đầu tiên, sáng kiến Mscore thực hiện ở Quảng Trị là rất đáng hoan nghênh trong triển khai cải cách hành chính. Thông qua Mscore, người dân đánh giá trực tiếp, thể hiện nhận xét, sự hiểu biết của mình, suy nghĩ của mình về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. 

Trong thực tế, các địa phương trong quá trình thực hiện cải cách hành chính đã có rất nhiều sáng kiến. Kiểu chủ động đưa ra sáng kiến làm, hỏi ý kiến người dân thì Quảng Trị là một trong những tỉnh đi đầu. Các địa phương có thể tham khảo và vận dụng.

{keywords}
Ông Đinh Duy Hòa: Người dân chỉ quan tâm là cuối cùng, khi họ tới cơ quan hành chính, có được phục vụ tốt hay không

Thứ hai, VN hiện có khá nhiều chỉ số như đã nêu. Câu hỏi đặt ra là với các chỉ số này, thì bộ mặt hành chính của chúng ta được đánh giá thế nào, đã đủ chưa? 

Nếu là PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), thể hiện tác động của việc điều hành chính quyền cấp tỉnh với riêng mảng khu vực kinh tế tư nhân. 

PAPI (tên gọi là chỉ số về hiệu quả hành chính công cấp tỉnh), tôi cho đây là chỉ số về triển khai dân chủ cơ sở. 60 nội dung mà PAPI khảo sát lấy ý kiến người dân, thì 40 là bám vào dân chủ cơ sở. Đây là khảo sát về trải nghiệm của người dân về tác động của chính sách với cấp cơ sở.

Trong khi đó PAR Index bám theo chỉ đạo của chính phủ. Chỉ số này bám sát 6 nội dung cơ bản mà cải cách hành chính các bộ, tỉnh triển khai. Nếu nói về yếu tố cơ bản của nền hành chính thì PAR Index bao trùm hết. 

Nếu so sánh các chỉ số, thì mỗi chỉ số đều liên quan tới điều hành của chính quyền cấp tỉnh, nhưng gắn trực tiếp nhiều với cải cách hành chính thì cá nhân tôi cho rằng PAR Index nhiều hơn.

Như vậy, tôi hình dung chúng ta có các chỉ số như vậy, nhưng cuối cùng người dân không quan tâm tới các chỉ số kiểu này. Ví dụ chính quyền cấp tỉnh quan tâm và rất cố gắng triển khai cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải cách đội ngũ cán bộ công chức, viên chức... 

Nhưng người dân chỉ quan tâm là cuối cùng, khi họ tới cơ quan hành chính, có được phục vụ tốt hay không, kết quả thế nào, có phiền hà hay không, thời gian có giảm không, có phải thêm chi phí ngoài hay không...

Mscore đáp ứng nhu cầu này. Nó phản ánh cảm nhận, đánh giá thực chất của người dân, người thụ hưởng dịch vụ về nỗ lực từ cơ quan công quyền.

Ông Trần Ngọc Anh: Thêm một ý nữa là một ông tổ sư trong quản lý từng nói: Nếu mà chúng ta không đo được cái gì tức là chúng ta không bao giờ đạt được cái đó. 

Chúng ta muốn phục vụ dân tốt mà chúng ta không đo được phục vụ dân tốt ở mức nào thì không bao giờ chúng ta đạt được việc đó. 

Dù chúng ta có nhiều chỉ số, thì mỗi chỉ số, như anh Hòa nói, nó đo những mặt khác nhau, nó có chức năng khác nhau đều là những mặt mà chúng ta muốn đạt được thì Mscore cùng với các chỉ số khác là mình phải đo được thì mới đạt được mục đích trong lĩnh vực đó.

{keywords}
GS Trần Ngọc Anh: Dân mong đợi là chuyển biến thực sự trong cách phục vụ của chính quyền đối với họ

Đúng như ông Đinh Duy Hòa nói thì chúng ta có tìm cách đánh giá hay chấm điểm bằng cách gọi điện hay đến trực tiếp hỏi người dân thì cuối cùng cái người dân mong đợi vẫn là cái chuyển biến thực sự trong cách phục vụ của chính quyền đối với họ. 

Trở lại trong cách phục vụ của Quảng Trị sau khi chấm điểm như thế thì chúng rôi đã phản ánh qua các bài viết trên VietNamNet thì một số huyện đã có thay đổi trong các cách tổ chức và cách điều hành của văn phòng một cửa. 

Sau khi có phản hồi của người dân ví dụ như bố trí sắp xếp lại cán bộ hay chấn chỉnh tác phong, thái độ vậy theo ông Dũng, ông là người đem sáng kiến này về Quảng Trị, là người chung tay thực hiện và cũng là người giám sát kết quả của nó ông có hài lòng với sự chuyển biến của chính quyền sau khi thực hiện Mscore hay không? So với kỳ vọng của ông thì nó đạt được đến mức nào?

Tắc nghẽn không phải từ phía dân

Ông Nguyễn Đức Dũng: Sau 1 năm triển khai sáng kiến Mcsore, cái đáng ghi nhận ở đây, thứ nhất về phía hệ thống chính trị, tức cấp ủy chính quyền từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở đã có nhận thức đúng và rất ủng hộ sáng kiến này. 

Thứ 2, người dân từ chỗ rất bỡ ngỡ, lúc đầu do dự và không tin, lo lắng mình công khai đánh giá này thì liệu chính quyền có gây khó dễ không, họ có tâm lý như vậy nhưng đến nay chúng tôi thấy người dân rất ủng hộ.

{keywords}
Thành công to nhất là làm chuyển biến nhận thức

Từ chỗ quý đầu tiên có 25% người dân sẵn sàng chia sẻ trả lời, đánh giá, sau 1 năm đã có 8.440 người dân chia sẻ, trong quý gần đây nhất đã có 97,1% số điện thoại khảo sát người dân đã trả lời và đánh giá.

Tôi coi đây là thành công to nhất tức làm chuyển biến nhận thức của người dân khi mình điện thoại đến khảo sát thì người ta sẵn sàng chia sẻ. 

Khi hồ sơ người ta chậm, người dân gọi đến 18008081 hỏi vì sao hồ sơ đến nay chưa xong, nguyên nhân vì đâu thì cán bộ văn phòng một cửa và tổng đài trên cơ sở hồ sơ đã lưu trên máy sẽ trả lời cho người dân và người dân rất phấn khởi.

Cái này muốn thực hiện cần có thời gian lâu dài để mở rộng nhưng trước mắt sau 1 năm chúng tôi thấy khá hài lòng về ý thức của người dân tham gia khảo sát.

Ông Đinh Duy Hòa: Tôi muốn hỏi thêm ông Dũng cụ thể thêm một chút để bản thân tôi và độc giả VietNamNet có thể hiểu rõ hơn. Ví dụ mình hỏi người dân mình có sắp xếp người dân thành 5-10-15 câu hỏi? Nội dung câu hỏi ông cũng có thể cho biết thêm?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Riêng câu hỏi đã được bên đối tác chuẩn bị tương đối kĩ. Có 6 nhóm vấn đề, tập trung hỏi người dân tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ ở văn phòng 1 cửa, hướng dẫn người cho người dân có chu đáo không về cách làm hồ sơ, thủ tục, đơn từ, đó là phần tinh thần thái độ phục vụ. 

Hai là hỏi người dân khi anh kết thúc hồ sơ của anh rồi có đúng hẹn, trễ hẹn thì trễ bao nhiêu người, hỏi người dân quá trình đi lại của người dân để thực hiện hồ sơ này nhiều hay ít lần, nhiều nhất là bao nhiêu, ít nhất là bao nhiêu, rồi cán bộ chuyên môn có nhũng nhiễu người dân không, có phải bỏ thêm tiền không ngoài quy định lệ phí của nhà nước...

Những cái đó người dân họ sẵn sàng chia sẻ được, chia sẻ mình có được những thông tin rất tốt để làm công tác cải cách hành chính nhất là công tác quản lý cơ quan chuyên môn, quản lý cán bộ công chức. 

Khi nhiều người dân cùng đánh giá một xu hướng nào đó thì mình có cách điều chỉnh trong công tác quản lý.

BTV Thủy Chung: Với câu hỏi của ông Đinh Duy Hòa đặt ra và ông Nguyễn Đức Dũng vừa trả lời thì rõ ràng ông Đinh Duy Hòa rất quan tâm đến sự hợp tác của người dân khi chúng ta tìm cách đánh giá nền hành chính của chính chúng ta. 

Là một người làm chính sách và cũng đã làm những chỉ số này rồi, theo ông thái độ và sự hợp tác của người dân có phải là điểm khó khăn trong việc cải cách hành chính hay điểm nghẽn ở chỗ khác chứ không phải từ người dân?

Ông Đinh Duy Hòa: Câu hỏi này bản thân tôi cũng như phần đông mọi người đều có thể thấy ngay, điểm nghẽn không phải từ người dân. 

{keywords}
Chuyên gia Đinh Duy Hòa: Điểm nghẽn không phải từ phía dân mà từ cơ quan hành chính

Ông Dũng vừa nêu quá trình chúng ta hỏi người dân, tỉ lệ người dân trả lời ngày càng nhiều hơn, ban đầu có 1/4 nhưng giờ đã gần 100%.  Rõ ràng người dân sẵn sàng hợp tác trả lời thể hiện chính kiến của mình. Nên không phải nghẽn tắc từ phía người dân mà từ chính phía cơ quan chúng ta.

Chúng ta làm thế nào để phục vụ tốt hơn, mà cái này chính là trăn trở mười mấy năm nay. 

Câu chuyện chúng ta đã nghe rất nhiều nói là chuyển từ nền hành chính cai trị sang hành chính phục vụ, mười mấy năm nay làm cũng thông qua rất nhiều chỉ đạo từ chính phủ, thể chế cũng, các sáng kiến cũng có và cụ thể chúng ta có chỉ số nhưng nói thật có kết quả nhưng rất chậm so với cái mà người dân, doanh nghiệp mong đợi thì nó còn khoảng cách khá lớn. 

Như vậy, điểm nghẽn này nằm ở phía cơ quan hành chính. Làm thế nào để khơi thông được chỗ này và khơi thông sớm thì dân được lợi, phục vụ cho dân được tốt hơn.

Cửa nhiêu khê đóng lại nhưng chìa khóa vẫn trong tay chuyên viên

BTV Thủy Chung: Thưa ông Trần Ngọc Anh, là người đưa ra sáng kiến này, ông có bất ngờ với mức độ phản ứng tích cực của người dân? Nó đã đạt được đến mức nào so với kỳ vọng của ông?

GS Trần Ngọc Anh: Trong thời gian đầu chuyển từ hành chính cai trị sang hành chính phục vụ, có thể một số người dân ban đầu có sự ngỡ ngàng.

{keywords}

Thực chất chính quyền của chúng ta là chính quyền vì dân, của dân. Cần phải chuyển qua công cụ này, người dân thấy được mình có quyền được phản ánh chất lượng dịch vụ và thực tế trong quản trị cho thấy ban đầu có một chút e ngại nhưng sau đó thì người dân nhanh chóng nhận ra được quyền của mình. 

Điều này rất quan trọng trong niềm tin của người dân đối với chính quyền.

BT Thủy Chung: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đưa ra một thông điệp rất rõ ràng là nếu bị dân chấm điểm thấp thì cán bộ sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ phải nhận những hình thức xử lý liên quan đến việc không làm hài lòng người dân không loại trừ cả việc có thể bị điều chuyển, cách chức. Cho đến nay, thái độ của lãnh đạo tỉnh đã được quán triệt đến cấp cơ sở như thế nào? 

Cán bộ hành chính công ở tỉnh Quảng Trị đã thực sự trở thành những người đầy tớ của dân hay là như một người dân từng phản ánh đó là: Họ nghĩ họ là thầy tớ của dân?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tinh thần quán triệt để triển khai sáng kiến này ở tỉnh rất quyết liệt. Khi tôi tiếp nhận sáng kiến này từ GS Ngọc Anh, tôi đã tham mưu để đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh, xác định đây là một trong những việc trọng tâm về giám sát văn phòng một cửa cấp huyện, UBND tỉnh ban hành chỉ thị. 

Trong tháng 1 tới đây, Ban Thường vụ tỉnh ủy sẽ ra một nghị quyết và cái này đã được triển khai trong hệ thống hành chính, các sở ban ngành đến chính quyền ở cấp huyện và cấp xã.

{keywords}
Cánh cửa phòng chống nhiêu khê, gây khó khăn với người dân đã đóng lại, nhưng chìa khóa mở cửa lại nằm trong tay chuyên viên

Anh Nguyễn Đức Chính đã tỏ thái độ rất kiên quyết, đó cũng là thái độ chung của lãnh đạo tỉnh, từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự quan tâm ủng hộ của MTTQ và các đoàn thể.

Thái độ rất dứt khoát. Tuy nhiên để cho thái độ của người lãnh đạo đi vào trong cuộc sống làm thay đổi đội ngũ cán bộ công chức là chuyện không phải dễ dàng, mất nhiều thời gian mà nếu như chuyển được mới tốt. Khi đó người dân mới đánh giá tốt. 

Để có chuyển biến, trước hết là lãnh đạo phải chuyển đổi về mặt nhận thức, thứ 2 là sự ủng hộ của người dân. 

Chúng ta đã được sự ủng hộ của người dân rồi, trong hệ thống phải làm sao từ người lãnh đạo cao cho đến người cán bộ công chức, bởi vì cánh cửa phòng chống nhiêu khê, gây khó khăn với người dân đã đóng lại, nhưng chìa khóa mở cửa lại nằm trong tay chuyên viên nên nếu chuyên viên thay đổi theo ý kiến chủ quan sẽ rất khó.

Khi Quảng Trị thực hiện Mscore đã có những chuyển biến rất tích cực đến tận cấp cơ sở, tới những cán bộ làm việc trực tiếp với người dân. Nhưng chúng ta mong đợi sự chuyển biến này lan tỏa lớn hơn ngoài tỉnh Quảng Trị.

Đưa được người kém ra khỏi bộ máy cực hiếm

BTV Thủy Chung: Theo ông Đinh Duy Hòa, việc tạo ra thay đổi tới từng cán bộ hành chính có khả thi không khi thực tế cả chục năm nay, thực hiện luật công chức, viên chức nhưng chưa đưa cán bộ nào ra khỏi bộ máy vì lý do dân kêu ca phàn nàn?

Ông Đinh Duy Hòa: Nếu nhìn rộng hơn, tôi thấy việc công chức thực thi pháp luật ở VN chất lượng rất kém. Nhiều thực tế rất rõ mà không xử lý được. 

{keywords}

Báo chí đều đưa tỉnh này tỉnh kia ô tô chạy trên đường quá tải, xe khách chở nhiều người vượt quá tốc độ, hay trạm xăng gian lận... Nhưng việc xử lý nửa vời, không tới nơi tới chốn.

Phát hiện cửa hàng xăng gian lận thì đình chỉ kinh doanh, cứ loanh quanh phạt và nhắc nhở. Cái gọi là nghiêm trong thực thi pháp luật là kém.

Trở lại câu chuyện công chức. Ý kiến chị nêu là chính xác. Cả chục năm nay, việc buộc thôi việc hay đưa một người ra khỏi bộ máy là cực kỳ hiếm. Tại sao như vậy. Nó phụ thuộc vào một số yếu tố. 

Đó là đánh giá chính xác công chức ấy vi phạm kỷ luật, chất lượng kém. 

Đánh giá ấy quay vào hệ thống của chúng ta lại liên quan tới câu chuyện đánh giá kết quả làm việc của công chức thì đánh giá lại rất hạn chế, định tính nhiều. 

Thứ hai là phụ thuộc vào người lãnh đạo.

Nói chung từ độ mươi năm nay tôi có cảm giác các lãnh đạo của chúng ta, nói lãnh đạo ở đây là từ trưởng phòng cho đến phó chủ tịch, chủ tịch huyện đến giám đốc sở và lên trung ương là Vụ trưởng, Cục trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng thì xử lý công chức thuộc phạm vi người quản lý có vi phạm kỷ luật nói chung là rất nhẹ tay và tôi có cảm giác là ngại, ngại va chạm, ngại xử lý. 

Giải pháp cuối cùng mà luật pháp cho phép là nếu công chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ có thể buộc thôi việc thì hầu như không áp dụng.

Quay trở lại câu chuyện của Mscore thì tôi hy vọng với việc dân chấm điểm đánh giá chính quyền như thế này, cụ thể liên quan đến các công chức cụ thể ngồi làm việc ở bộ phận một cửa, ví dụ công chức phụ trách xây dựng địa chính, ở bộ phận cấp huyện là liên quan tới sổ đỏ, thì dân chấm điểm cụ thể ông công chức này. 

{keywords}
Chuyên gia Đinh Duy Hòa: 

Lãnh đạo tỉnh trên cơ sở ý kiến người dân chấm cần thì có thể kiểm tra lại, xác định đúng ông công chức chuyên giải quyết việc cấp sổ đỏ mà dân chấm điểm rất kém thì thì tôi nghĩ chắc Quảng Trị sẽ có biện pháp xử lý, ít nhất theo tôi hình dung, là nhắc nhở, nếu vài lần thì có thể bố trí công chức khác thay vị trí đó.

Còn câu chuyện liên quan tới chế độ tiền lương, tiền thưởng có hay không thì tôi chưa hình dung nhưng nếu quá mức ví dụ như đòi tiền ngoài quy định, Quảng Trị đã gặp chưa thì tôi không rõ nhưng nếu đến ranh giới ấy thì tôi nghĩ phía địa phương cũng không đơn giản trong xử lý đâu vì bối cảnh chung cả nước nó như thế.

Chỗ này tôi cũng rất băn khoăn, suy nghĩ nhiều trong cái chúng ta triển khai cải cách làm sao cho đội ngũ chúng ta có năng lực trình độ và nếu cần thì phải có biện pháp xử lý thích hợp.

Ông Trần Ngọc Anh: Tôi đồng ý với anh Hòa là hiện nay lãnh đạo rất ngại xử lý nặng cán bộ cấp dưới. Một trong những lý do đó là chưa có công cụ. 

Ví dụ trong cơ quan có 100 người như vậy thì lấy cái gì làm thước đo, làm việc tốt hay không tốt chỉ là cảm nhận. Chính cái công cụ như Mscore cung cấp một cách rất minh bạch anh chị làm việc có tốt hay không thì mới có cơ sở để có thưởng phạt. 

Mscore hoặc là các biện pháp khác đánh giá kết quả làm việc của công chức cái triết lý rộng là như vậy. Việc thứ hai, ở mình chưa có văn hóa phạt nặng, nên riêng việc cung cấp thông tin ra đã là một sự thay đổi.

Trong 10 văn phòng đó mình phục vụ dân, văn phòng nào đứng thứ nhất, văn phòng nào thứ hai... văn phòng nào đứng cuối. Khi đã có như thế, thì những văn phòng đứng ở đuôi trong phục vụ dân thì khó có thể họ được thưởng, được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tới. 

{keywords}
Những văn phòng đứng ở đuôi  về chất lượng phục vụ dân khó có thể được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tới

Như vậy chưa cần tới những cơ chế mạnh hơn thì chuyện cung cấp thông tin cũng tạo ra công cụ để lãnh đạo tỉnh nâng cao chất lượng.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói, thực chất cán bộ hành chính có phải đầy tớ của nhân dân không. Cán bộ phục vụ trực tiếp dân có khi là người đứng mũi chịu sào cả một hệ thống còn người chạy giấy tờ đằng sau mới là nơi làm chậm. 

Công cụ Mscore cho phép mình biết thời gian, nhũng nhiễu ở giai đoạn nào. Cái này không những giúp cho lãnh đạo mà giúp cả cho những người phụ vụ dân trực tiếp để họ có sức ép và để họ có thể tác động lại cho toàn bộ hệ thống phía sau có thể làm việc tốt hơn trong việc phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi thấy như anh Đinh Duy Hòa chia sẻ làm sao chúng ta có thể xử lý được cán bộ khi có vi phạm. Cái khó là cơ chế để xử lý rất phức tạp, người có quyền xử lý thìkhông xử lý được vì thẩm quyền chung nhiều quá. 

Một ông bị kỷ luật là từ dưới tổ 3 người lên đến phòng, chi bộ rồi hội đồng thi đua khen thưởng. Người Việt Nam mình lại trọng tình, giờ đưa ra tập thể lúc nào cũng bảo giơ cao đánh khẽ. Cho nên cuối cùng thẩm quyền riêng cho người xử lý rất yếu.

Vì vậy, vấn đề mình không những lo việc dân mà lo cải cách hành chính thế nào để quyết định xử lý của mình cho kịp thời, nghiêm minh. Thứ hai, giờ quyết tâm chính trị của một cấp ủy địa phương hay trên trung ương rất cao. 

Trong một tổ chức, nếu người đứng đầu quyết tâm triển khai ý tưởng đó đến nơi đến chốn thì sẽ có sự thay đổi. Thứ ba, công cụ của mình là dân chấm điểm. Cái gì mà đưa cho dân họ làm là có thành công, phản hồi của người dân rất quan trọng.

{keywords}

Xem tiếp: 'Động cơ lãnh đạo tỉnh, huyện phải gắn với sự hài lòng của dân' 

C. Hoàng- T.Hạnh - D.Thúy - N.Thủy - Ảnh: Lê Anh Dũng