Kinh tế tăng trưởng, công nghiệp “bứt phá”

Đắk Nông, địa phương nằm ở cửa ngõ Nam Tây nguyên, được tái lập từ năm 2004 trên nền tảng kết cấu hạ tầng thiếu vắng trăm bề. 16 năm sau diện mạo Đắk Nông đã có sự đổi thay trên mọi lĩnh vực.

2015 - 2020 là giai đoạn tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả phát triển đặt tiền đề cho những mục tiêu phát triển mới, trở thành địa phương phát triển năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên.

Kết quả, giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giá so sánh 2010) Đắk Nông ước đạt 8,02%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 11.531 tỷ đồng, vượt 1.430 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 12%.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Để phát huy được thế mạnh nông nghiệp, Đắk Nông chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, đổi mới phương thức sản xuất. Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng được khuyến khích và nhân rộng, góp phần thúc đẩy quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể.

Tính đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 303.000 ha với tổng sản lượng lương thực đạt 414.000 tấn. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã có tác động tích cực, nâng giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng lên 71,5 triệu đồng. Quy mô và sản lượng của những sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, điều…đều tăng từ diện tích cho đến sản lượng.

Cùng nông nghiệp, sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp cũng là một “điểm sáng” khi sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã có sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước như xuất khẩu ván ép, sản phẩm gỗ…

{keywords}
 

Ngành công nghiệp tỉnh đang từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch kinh tế. Đắk Nông cũng đã có những bước đầu hình thành vùng công nghiệp Alumin - luyện nhôm và sau nhôm, đưa nhà máy Alumin Nhân Cơ vào hoạt động từ cuối năm 2016, với công suất 650 ngàn tấn alumin/năm, đạt hiệu quả cao giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.100 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương

Nhắc đến đột phá của Đắk Nông giai đoạn 2016-2020, không thể không nhắc đến sự khởi sắc của lĩnh vực du lịch. Tổng lượt khách du lịch cả giai đoạn từ 2016 - 2020 của tỉnh đạt khoảng 1,7 triệu lượt người với tổng doanh thu khoảng 180 tỷ đồng.

Đắk Nông hiện có 7 khu, điểm du lịch được chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô và được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu góp phần tạo điểm nhấn mới, là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới.

{keywords}
 

Thu nhập bình quân đầu người cải thiện, nông thôn đổi mới

Từ năm 2015 đến nay, Đắk Nông đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hiện mỗi xã ở Đắk Nông đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên; có 27 xã, 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng có nhiều thay đổi rõ rệt với 100% số thôn, buôn có điện, 99% số hộ dân được sử dụng điện; tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh lên 65%, nhựa hóa đường huyện lên 76%, xây dựng 59 cầu dân sinh...

Đáng chú ý, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở Đắk Nông tăng từ 38,65 triệu đồng năm 2016 lên 52 triệu đồng vào năm 2020, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được xác định ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Nông còn 7%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 26%.

Tập trung 3 khâu đột phá để phát triển

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI nhận định giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tiếp tục có những diễn biến đa chiều, đan xen giữa cơ hội, thách thức, dịch bệnh Covid-19 sẽ thay đổi sâu sắc, toàn diện các mối quan hệ, hình thức liên kết và tổ chức kinh tế - xã hội trên toàn cầu.

Từ đó, tỉnh Đắk Nông xác định cần phát triển đột phá ở 3 khâu: (1) cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; (2) xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; (3) phát triển nguồn nhân lực.

Với 3 “chìa khóa” trên, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển kinh tế theo tinh thần phát huy các nguồn lực bên trong, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài. Phát triển kinh tế nhanh nhưng bảo đảm đồng bộ, bền vững, trong đó tập trung đầu tư có trọng điểm các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế phát triển trên cơ sở đảm bảo các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Để bắt kịp xu hướng phát triển chung của đất nước cũng như thế giới, Đắk Nông hướng đến ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế; quản lý xã hội; xây dựng chính quyền điện tử; phát triển y tế - giáo dục; nâng cao năng suất lao động,...

{keywords}
 

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, lợi thế của tỉnh và huy động các nguồn lực từ bên ngoài. Với nông nghiệp, tỉnh xác định sản xuất hàng hoá chất lượng cao, sử dụng kỹ thuật tiên tiến đem lại hiệu quả cao, lâu dài.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Đắk Nông hướng đến tập trung phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp có lợi thế, từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại hình thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2020- 2025, Đắk Nông xác định phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng tăng cường chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho thị trường, nhất là các loại hình dịch vụ du lịch mà tỉnh có lợi thế.

{keywords}
 

Đắk Nông đồng thời đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.

Với ba trụ cột phát triển kinh tế ngày càng rõ nét cùng với sự năng động của lãnh đạo địa phương và sự đồng thuận, khát vọng vươn lên của người dân nơi đây, Đắk Nông sẽ tiếp đà phát triển, sớm trở thành điểm sáng phát triển của vùng Tây Nguyên.

D. An