- Giản dị, nói tiếng Việt như người Việt, đó là ấn tượng đầu tiên về Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier. Dường như, thời gian ở Việt Nam, lấy vợ có ½ dòng máu Việt là động lực khiến ông có phong cách sinh hoạt không khác gì người Việt. Tức ăn phở xong cũng phải cà phê sáng, đọc báo...

Ông Tây mê phở

Hà Nội những ngày giáp Tết.

Người Hà Nội vẫn thấy trên phố một ông Tây không quản trời rét, lang thang khắp các con phố để đến quán phở quen thuộc trên phố Nguyễn Hữu Huân.

Những nhân viên phục vụ ở quán đều biết ông Tây thích phở bò tái chín này chính là Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier.

XEM CLIP: Play

Đại sứ Pháp tại Việt Nam là người rất yêu thích ẩm thực Việt, đặc biệt là món phở.

Khác hẳn với phong thái của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp khi làm việc, Đại sứ Poirier trông bình dị, mộc mạc, trò chuyện thân mật với các thực khách khác. Và cách thưởng thức phở của vị Đại sứ cũng rất chuẩn Việt Nam.

Dường như, thời gian ở Việt Nam, kết hôn với người phụ nữ có ½ dòng máu Việt chính là niềm động lực khiến vị Đại sứ này có phong cách sinh hoạt không khác gì người Việt. Tức ăn phở xong cũng phải cà phê sáng, đọc báo và trò chuyện với mọi người xung quanh bằng tiếng Việt.

“Tôi thích nhất là buổi sáng đi ra ngoài đi dạo phố, trên đường đi ăn phở, đặc biệt là phở bò. Ăn phở buổi sáng rất tốt cho sức khỏe, không béo, mùa đông mà nước nóng như vậy rất tốt để bắt đầu 1 ngày công việc. Cho nên tôi và gia đình đã có thói quen này.

Trước kia ở bên Pháp chúng tôi cũng ăn phở nhưng không bao giờ ăn sáng. Ăn sáng ở Pháp của chúng tôi là bánh mì và bơ. Con út 5 tuổi của tôi bây giờ yêu cầu ăn phở sáng, từ chối ăn bánh mì”.

{keywords}

Đại sứ Pháp cũng thích đi bộ thể dục buổi sáng qua những con phố đông đúc, chật chội của Hà Nội. “Đi bộ, tập thể dục là thói quen rất cần thiết, đặc biệt trong công việc của tôi làm ngoại giao có khá nhiều bữa tiệc. Ngày nào cũng rất ngon thì rất béo, cho nên đi dạo phố mỗi ngày là hoạt động rất cần thiết để giữ gìn sức khỏe. Đấy cũng là một niềm vui vì ở Hà Nội đi dạo trong phố rất thú vị, hấp dẫn. Có nhiều người làm việc trên đường, ăn uống trên đường, nấu bếp trên đường... Cho nên góc đường cũng có phong cảnh...”.

Tâm nguyện “trên cơ sở là niềm tin lẫn nhau”

Một trong những tâm nguyện lớn nhất của Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier chính là thúc đẩy quan hệ hữu nghị Pháp-Việt. Trong những giây phút lắng lại của ngày Tết, Đại sứ Pháp trao đổi riêng với VietNamNet về những điều ông tâm huyết:

{keywords}

Trong năm qua, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Vậy Pháp quan niệm thế nào về đối tác chiến lược? Việt Nam nằm ở đâu trong bản đồ đối tác chiến lược của Pháp?

Quả thực có thể nói rằng, Pháp ký đối tác chiến lược với rất ít nước trên thế giới, và Việt Nam là trường hợp tương đối đặc biệt. Thực chất Pháp ký với Việt Nam bởi Việt Nam là nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời với Pháp, hơn nữa hiện tại giữa Pháp và Việt Nam có rất nhiều dự án hợp tác với nhau. Việc ký kết quan hệ đối tác này cũng trên nguyện vọng của Việt Nam mong muốn có được đối tác chiến lược với nước lớn trên thế giới đồng thời là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Quan hệ đối tác chiến lược ở đây được hiểu là 2 bên sẵn sàng lắng nghe, bàn bạc và hợp tác với nhau trong các vấn đề chiến lược. Ngoài những lĩnh vực mang tính chiến lược vừa nêu trên, cũng có những lĩnh vực mang tính chiến lược khác, đặc biệt trong vấn đề phát triển, trong đó tôi muốn nhấn mạnh đến phát triển kinh tế.

Nói một cách khái quát, có thể hiểu rằng chiến lược ở đây được hiểu là 2 bên chúng ta có thiện chí làm việc với nhau trên những lĩnh vực quan trọng và trên cơ sở niềm tin lẫn nhau.

Theo ông, khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược thì 2 chính phủ cần phương hướng biện pháp cụ thể hay đột phá như thế nào để đưa quan hệ kinh tế thương mại lên cấp độ mới về chất để tương xứng với kỳ vọng của 2 bên? Việc Pháp gắn chặt với EU, Việt Nam ngày càng có nhiều cam kết hội nhập sâu với khu vực châu Á-TBD có phải là yếu tố khiến 2 bên ít đi những mối quan tâm về nhau trong hợp tác kinh tế hay không?

Như chúng ta đã biết, chúng ta có rất nhiều dự án được triển khai và trong thời gian qua cũng thấy được kết quả của nhiều dự án lớn, tôi xin kể ra 1 số lĩnh vực.

Trong lĩnh vực hàng không, năm ngoái Vietjetair đã có những hợp tác mạnh mẽ với phía Pháp khi đặt mua gần 100 máy bay của Airbus, ngoài ra gần đây cũng ký 1 hợp đồng mua động cơ cho máy bay.

Trong lĩnh vực năng lượng khí đốt, hai bên cũng đạt nhiều kết quả. Chúng tôi cũng mong chờ thời gian tới khi Pháp có tham gia cùng với phía Nhật Bản triển khai nhà máy điện nguyên tử do Nhật Bản hỗ trợ xây dựng tại Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, trong những năm tới 2 bên sẽ còn có những dự án lớn trong cơ sở hạ tầng để triển khai cùng với nhau.

Câu hỏi về ảnh hưởng mối quan hệ đa phương đến quan hệ song phương, cụ thể ở đây là Pháp nằm trong khối Liên minh châu Âu, nhưng nói đến liên minh châu Âu quả thực là cũng có những ký kết với Việt Nam để đàm phán với ASEAN. Nhưng Liên minh châu Âu hiểu cho cùng là tập hợp 27 nước thành viên cho đến thời điểm hiện tại, và để có được sự hợp tác theo kênh đa phương lần này hiệu quả mạnh mẽ thì phải xuất phát từ những nỗ lực đóng góp của các quốc gia thành viên, trong đó có những nước lớn của khối, đặc biệt phải kể đến Pháp, Đức, Anh. Nếu những nước lớn này không có mong muốn hợp tác tăng cường quan hệ với Việt Nam thì mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam cũng không thể phát triển được.

Thu Lý - Xuân Quý - Huy Phúc