- Kinh tế tư nhân VN có nhiều tiềm năng và lợi thế, nếu được tạo điều kiện phát huy, họ sẽ toàn tâm toàn ý phát triển kinh tế, xây dựng đất nước - hai ĐBQH doanh nhân, Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) kỳ vọng ở Đại hội Đảng 12.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Vẻ. Ảnh: Hoàng Long

Ông Đỗ Văn Vẻ bày tỏ: Hiện kinh tế tư nhân ở VN đang chiếm trên 50% GDP, tương lai sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực, như Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tự do kinh doanh của công dân.

Ông Trần Khắc Tâm: Sự bình đẳng giữa khu vực kinh tế trong và ngoài nhà nước trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường sẽ đảm bảo cho toàn bộ nền kinh tế phát triển lành mạnh, tránh rủi ro, giải phóng mọi nguồn lực, là tiền đề để kinh tế VN thịnh vượng trong tương lai.  

Ông Đỗ Văn Vẻ: Kinh tế tư nhân lâu nay tăng trưởng lớn, nhưng tự phát, chưa thực sự được tạo động lực. Với tiềm năng mà giờ ta đã thấy được, ta xác định vai trò đúng thì sẽ có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

Có sự hậu thuẫn của Đảng, nhà nước, kinh tế tư nhân trước hết sẽ yên tâm phát triển, tiếp theo là mang hết khả năng và sức lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

So với các nước, số lượng DN của VN còn ít, lực lượng kinh tế ngoài nhà nước chưa mạnh. Trong khi nguồn lực về tài chính, về tiền hiện đang nằm trong dân rất nhiều, là một cái "mỏ" cần khai khác, không để nằm "chết" một chỗ.

DN tư nhân cũng có các thế mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mô hình quản trị DN, áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật vào sản xuất... Nếu họ được sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước và yên tâm phát triển, đất nước sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Ông Trần Khắc Tâm: Điều quan trọng là tư tưởng chỉ đạo của Đảng phải được thể hiện nhất quán bằng các luật, bằng tư duy chỉ đạo điều hành thông suốt từ Trung ương đến các địa phương và mọi “bộ phận” trong bộ máy hành chính.

Một điểm yếu cố hữu trong nhiều năm qua chậm được khắc phục là chủ trương thì đúng, pháp luật thì tiến bộ, nhưng triển khai thực hiện lại chậm và thường bị vô hiệu hóa bởi bộ máy, đặc biệt ở cấp cơ sở, nơi năng lực yếu và tình trạng nhũng nhiễu còn nặng nề. 

- Vậy có nên xóa bỏ tư duy “nhà nước quản thị trường” và thay vào đó là “nhà nước nâng đỡ thị trường”? Nhà nước không nên coi DN là đối tượng quản lý mà xem là khách hàng, đối tác để giải quyết các vấn đề phát triển?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Nhà nước vẫn phải quản lý nhưng phải vừa quản lý vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các luật, cơ chế chính sách đưa ra phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Ví dụ bớt những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rà soát để cắt giảm giấy phép, giảm thiểu thủ tục hành chính...

Muốn đột phá thì hệ thống phải có tốc độ nhanh hơn, không còn tình trạng chậm trễ, ì ạch, tham ô, tham nhũng... Con đường đi lên không còn cách nào khác là vươn ra biển lớn.

Ông Trần Khắc Tâm: Tôi thấy thông điệp hết sức rõ ràng rằng nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân. Vấn đề chỉ còn là ở bộ máy, phải loại bỏ bằng những cán bộ, công chức cản trở, nhũng nhiễu DN và người dân.

- Ngoài điểm đó thì hiện DN tư nhân còn những khó khăn gì cần sự tháo gỡ của nhà nước?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Tôi rất mừng khi lực lượng kinh tế tư nhân ngày càng năng động, sáng tạo, linh hoạt, chịu khó, khát vọng, đam mê, chấp nhận rủi ro... DN tư nhân VN, đặc biệt là lớp trẻ, có lợi thế về ngoại ngữ, tin học, kiến thức quản trị, kinh nghiệm cọ xát, học hỏi từ các DN nước ngoài...

Để tạo điều kiện cho họ, tôi mong các cơ chế chính sách phải thông thoáng hơn, gỡ những cái vướng về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, thị trường... để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nhiều DN hiện đang hướng đến đầu tư vào nông nghiệp vì khu vực này còn nhiều khoảng trống có tiềm năng phát triển. VN có lợi thế lớn về nông nghiệp thế mà ta chưa có được những sản phẩm chất lượng cao thì phải xem xét lại về cơ chế.

Ông Trần Khắc Tâm: Cái khó chung của DN VN là thiếu kinh nghiệm hội nhập, như ngoại ngữ, hiểu biết về luật pháp và thị trường ngoài nước...

{keywords}
Ông Trần Khắc Tâm. Ảnh: Long Hoàng

Kinh tế vĩ mô thời gian qua thiếu ổn định cũng gây khó khăn rất lớn cho DN, lãi suất ngân hàng có lúc lên đến hơn 20%, chính sách thuế hay thay đổi... Kinh tế vĩ mô bất ổn thì DN không thể định hình chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Đừng phân biệt trong hay ngoài quốc doanh

- Một trong những bức xúc của DN tư nhân thời gian qua là sự bất bình đẳng với DN nhà nước. Ông thấy dự thảo văn kiện lần này đã giải tỏa được điều này chưa?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi, Nhà nước chỉ cần nắm giữ những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng và một số lĩnh vực quan trọng khác mà tư nhân không làm được. Còn lại nên xã hội hóa để các thành phần kinh tế khác đảm nhận.

Đừng phân biệt quốc doanh hay ngoài quốc doanh, tư nhân hay nhà nước nữa, miễn sao DN đó, mô hình kinh tế đó ngày càng phát triển, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm, đóng góp cho ngân sách, trả lương, đóng bảo hiểm sòng phẳng cho người lao động...

Tôi rất kỳ vọng ĐH Đảng 12 sẽ bầu được những lãnh đạo có đức, có tài, đặc biệt về kinh tế để dẫn dắt đất nước giàu mạnh, đời sống nhân dân ấm no, từ đó có tiềm lực để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ông Trần Khắc Tâm: Dự thảo báo cáo chính trị đã nhấn mạnh đến yếu tố bình đẳng, tôn trọng quy luật thị trường, theo tôi, nếu thực hiện tốt chủ trương cổ phần hóa DN nhà nước thì bức xúc trên sẽ giảm dần.

Tôi hy vọng một đạo luật về DN vừa và nhỏ sẽ sớm ra đời để có khuôn khổ pháp lý cho lực lượng này phát triển. Song bản thân các DN cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin, nắm bắt thời cơ, tìm kiếm cơ hội, chứ không nên bị động chờ đợi Nhà nước.

T. Hằng - H.Nhì - C.Hoàng