- Sáng 29/9, Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Vũ Bảo, Quyền trưởng khoa Phỏng – tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, vừa cứu sống thành công bé trai bị phỏng rất nặng do tai nạn từ sự sơ ý, bất cẩn của người lớn.

Bệnh nhi tên là Diệp Tấn Tài, sinh năm 2007, ngụ tại Đồng Tháp. Trước đó, ngày 3/8, Tài về quê ngoại chơi, đang đi một mình trên bờ đê thì một chiếc xe máy lao tới. Tránh xe máy, Tài ngã xuống sườn đê, sụt luôn vào hố tro đang cháy. Hố tro này do người dân gom rơm rạ lại đốt. Bên ngoài tuy đã tàn, nhưng lửa bên trong vẫn âm ỉ.

“Cháu bé giãy giụa làm khí ô xy lọt vào càng nhiều, tạo điều kiện cho lửa cháy to hơn. Cháu kể kêu cứu chẳng có ai nghe thấy, cháu đành tự vật lộn để thoát ra ngoài rồi lần về nhà.”, bác sĩ Bảo kể.

{keywords}
Bé Tài sau 2 tháng điều trị đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Thanh Huyền.

Mãi tới tối hôm đó, Tài mới được gia đình chở vào Bệnh viện Sa Đéc cấp cứu bằng xe máy, không hề sơ cứu gì cả.

Sau một đêm cấp cứu tại Bệnh viện Sa Đéc, thấy tình trạng bé nghiêm trọng, bác sĩ quyết định phải chuyển Tài lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé Tài được chẩn đoán bị phỏng độ 3 – 4, tập trung chủ yếu ở hai chân (từ đùi trở xuống), chiếm 28% diện tích cơ thể.

{keywords}
Bé Tài được chăm sóc cách ly tại bệnh viện, tuần sau sẽ ghép da. Ảnh: Thanh Huyền.

“Lúc đó cháu bé sốc rất nặng, nguy cơ nhiễm trùng máu cao. Chúng tôi còn tiên lượng tới cả khả năng phải đoạn hai chi để giữ mạng sống cho bệnh nhi.”, bác sĩ Bảo kể.

Phải mất 8 ngày sau khi nằm viện, các bác sĩ mới có thể tiến hành cắt lọc vết thương cho Tài, bởi mỗi lần dự tính phẫu thuật, cháu bé lại sốt cao, không an toàn khi gây mê.

Sau gần 2 tháng điều trị, Tài trải qua 4 lần phẫu thuật, tới nay có thể nói cháu bé đã qua khỏi cơn nguy hiểm, may mắn hơn, bé vẫn giữ lại được hai chân (chỉ phải cắt một phần của ngón số 2, số 3 bàn chân phải).

Dự tính tuần sau bệnh nhi sẽ được phẫu thuật ghép da, và phải thực hiện ghép da từ 2 – 3 lần.

Bác sĩ Bảo cảnh báo, sau khi xuất viện cậu bé phải kiên trì tập vật lý trị liệu liên tục trong 6 tháng để hạn chế sẹo co rút.

Tổng chi phí điều trị của bệnh nhi tới nay lên tới hơn 130 triệu đồng, nhưng bé có bảo hiểm y tế chi trả.

Trường hợp của bé, đáng tiếc vì không hề được sơ cứu trước khi đưa tới bệnh viện, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những ca bỏng lửa như vậy, chỉ cần người dân dội nước lạnh, lấy khăn sạch đắp lên vết thương, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đi bệnh viện sẽ giúp hạn chế thương tổn rất nhiều.

Tai nạn của bé Tài là lời cảnh báo đối với việc làm sơ ý của người lớn. Gom rơm rạ lại đốt mà không có rào chắn, cảnh báo sẽ giống như một cái bẫy nguy hiểm.

Thanh Huyền