Suốt hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp một mình âm thầm, lặn lội trong Nam, ngoài Bắc gom nhặt những kỷ vật thời chiến để làm “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” cá nhân. Có người muốn ông để lại toàn bộ kỷ vật với giá hàng tỷ đồng nhưng ông cương quyết từ chối. 

{keywords}
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên những kỷ vật chiến tranh tại “bảo tàng”

3.000 kỷ vật kể lại hồi ức chiến tranh

Bước qua tấm biển “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), các kỷ vật chiến tranh hiện ra trước mắt. Bảo tàng chứng tích chiến tranh gồm toà nhà 2 tầng và khuôn viên sân vườn rộng rãi. 

Một phần của xác máy bay, xe tăng được ông Nguyễn Mạnh Hiệp bày ngay ngắn gần hàng chục vỏ bom, vỏ đạn các loại ở mảnh sân rộng. Lối vào nhà, hai quả đạn pháo 203mm và 2 quả đạn 175mm được đặt hai bên cửa. Bước vào nhà, một tủ thờ được đặt trang trọng. 

Người cựu chiến binh rước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, 10 cô gái Đồng Lộc… để thờ cúng.

Hai tầng nhà đều được ông làm nơi trưng bày khoảng hơn 3.000 kỷ vật. Chúng đều được giữ gìn cẩn thận trong tủ kính, trong hòm. Trong các tủ kính có đủ cả những vật dụng thời chiến: chiếc bát ăn cơm, cốc nước, ba lô, mũ cối… của các chiến sĩ ta hay áo giáp, súng đạn. 

Những tấm hình, những lời nhiệt huyết của tướng lĩnh, quân dân được ông sưu tầm, treo kín tường. Đặc biệt, bảo tàng có cả các phương tiện của địch như hệ thống các loại bom đạn, cây nhiệt đới, điện đàm, máy tra tấn của địch nhằm thu thập thông tin hoạt động của quân giải phóng…

{keywords}

Chỉ tay vào hòm đựng thuốc, ông bùi ngùi: “Trong những năm tháng chiến đấu, anh em cán bộ và chiến sỹ cách mạng không đủ lương thực, thiếu thốn thuốc men và vật dụng sinh hoạt nên thường dùng chung của nhau, tuy gian khó nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của người lính”. 

Đến thăm bảo tàng, người xem có thể cảm nhận được không khí của cả một thời kì lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta. Những hiện vật là những kỷ niệm vô giá cứ ùa về làm xúc động người xem.

Người cựu chiến binh gần 70 tuổi cặm cụi lau chùi, nâng niu từng kỷ vật. Ông kể rằng, ông bước vào quân ngũ khi 18 tuổi, được biên chế vào Tiểu đoàn 420, Sư đoàn 320B. Trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh, ông Hiệp được lệnh đi B. Năm 1968, mặt trận Quân khu Trị Thiên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn lương thực, vũ khí. 

Kẻ địch tập trung hỏa lực ngày đêm đánh phá, nhiều đồng đội bị thương nặng và hy sinh, bản thân ông cũng là thương binh hạng 4/4. Ông bị thương nặng phải chuyển về điều trị tại Đoàn 580 (Quảng Bình). Sau đó, ông được phân công làm cán bộ khung, huấn luyện tuyển quân bổ sung cho các đơn vị.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ, nhiều lần chứng kiến đồng đội của mình bị chết, bị thương vì bom rơi, đạn lạc, ông xót xa, đau đớn, day dứt. Những kỷ vật thiêng liêng, quý hiếm của thời máu lửa oanh liệt theo họ vào lòng đất mẹ. 

Ông đau đáu mong ước có một nhà truyền thống nho nhỏ để lưu giữ hình ảnh và kỷ vật về những câu chuyện và những trận đánh, nét sinh hoạt của những người lính. Đó cũng là tấm lòng tri ân với những người đã khuất, đồng thời giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống yêu nước quý báu, về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha anh.

Nghĩ là làm, suốt hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp một mình âm thầm, lặn lội trong Nam, ngoài Bắc gom nhặt những kỷ vật thời chiến để làm bảo tàng cá nhân.

{keywords}
Những vật dụng thân quen của các chiến sĩ.

Vác tiền “tha lôi” bom, đạn về nhà

Thời gian đầu, khi thấy ông “tha lôi” những vỏ đạn, xác bom, ba lô bạc màu, nhiều người quanh nhà không khỏi ngạc nhiên. Họ cho rằng ông “không bình thường”: “Ai lại vác tiền đi “tha lôi” bom, đạn, đồ đồng nát về nhà”. Bỏ qua những lời dè bửu đó, ông lặng lẽ với công việc của mình.

Căn nhà cấp 4 lúc ấy chỉ rộng gần 30m2, gia đình ông đều “nhường” chỗ làm kho chứa những hiện vật cũ, sờn. Sáu người (vợ chồng, 4 người con) nép mình trong góc nhà.

Vợ chồng đều là công chức nhà nước, thu nhập ít ỏi, nuôi đàn con đã khó, nay lại “nuôi” thêm những đứa con tinh thần khiến cuộc sống càng thêm chật vật. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ ý định đi sưu tầm kỷ vật. Để có những hiện vật quý hiếm, ông Hiệp bỏ biết bao công sức và tiền của.

Biết chồng có tấm lòng tri ân những người đã hy sinh vì đất nước, người vợ tần tảo không màng vất vả, tranh thủ thời gian bán thêm mớ rau, con cái kiếm thêm thu nhập. Một năm, vài lần ông lại đi vào miền Trung, Tây Nguyên tìm hài cốt đồng đội và sưu tầm hiện vật Mỗi lần ông đi, bà đều chuẩn bị chu đáo quần áo, kinh phí giúp ông có điều kiện tích lũy hiện vật.

Ngoài đến những mảnh đất từng xảy ra cuộc chiến ác liệt, ông còn tìm hiện vật ở những cửa hàng phế liệu. Đi tới đâu ông cũng để lại địa chỉ liên lạc của mình. Cứ thấy ai báo có hiện vật, ông lại xách túi đi, chẳng màng tới sức khỏe, không quản đêm hôm, mưa gió. Ông bảo:“Phải đi ngay, chứ để vài ngày sau hiện vật lại không còn ở đó thì nguy”.

{keywords}

Trong quá trình sưu tầm hiện vật, những người đồng đội cũ, bạn bè xa gần biết được tấm lòng của ông đã tìm đến tặng kỉ vật của họ cho bảo tàng. Ông không quên những cảm xúc bồi hồi, bịn rịn của họ khi tặng lại những kỷ vật gắn bó với mình trong suốt những năm tháng chiến đấu. 

Những cuốn sổ nhật ký cá nhân, sổ học tập công tác, thẻ căn cước quân nhân, các bức thư, ba lô, nón cối, đèn ló thụt, bọc võng, xâu dép, đôi dép cao xu, hình ảnh về bác Hồ... Đằng sau mỗi kỷ vật lại là những câu chuyện xúc động về một thời bom đạn. Vừa ngắm kỷ vật vừa được nghe ông kể về những kỷ vật ấy với niềm cảm xúc dâng trào.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh của ông mở cửa miễn phí. Bảo tàng ngày nào cũng có khách đến tham quan. Không chỉ những cựu chiến binh mà cả những bạn sinh viên, học sinh từ xa xôi cũng đến thăm bảo tàng. 

Hơn hết, nơi đây đã trở thành địa chỉ vàng cho những cuộc gặp gỡ ôn lại kỉ niệm xưa của các cụ cựu chiến binh, những người đồng đội cũ gặp nhau... Cũng là nơi tiếp sức cho thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước của cả dân tộc.

Theo ông, bảo tàng không chỉ để lại cho các thế hệ hiểu biết về các hiện vật mà còn phải cho mọi người thấy được sự gian khổ và vĩ đại của chúng ta trong cuộc kháng chiến. Chúng khơi dậy niềm tự hào và cao hơn là lưu giữ các kinh nghiệm sống và chiến đấu của nhân dân một thời dưới bom đạn địch để có ngày hôm nay.

Họ cùng lặng đi trong niềm xúc động với những đôi mắt đỏ hoe của các cựu chiến binh khi nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống năm xưa. Ngày nào cũng được lau chùi, ngắm nhìn hiện vật, ông thấy mình khỏe ra, thấy những đồng đội luôn ở cạnh bên. Với ông, việc sưu tầm, gom nhặt những kỷ vật thời chiến- nơi ông cùng đồng đội một thời vào sinh ra tử là bổn phận, là trách nhiệm và là lời hứa tri ân với đồng đội.

Có người muốn ông để lại toàn bộ hiện vật với giá hàng tỷ đồng. Số tiền ấy có thể giúp ông an nhàn tuổi già nhưng ông cương quyết từ chối. Ông bảo: “Có ai đi kinh doanh những ký ức thời chiến bao giờ. Dù có nghèo tôi cũng không bao giờ bán. Những kỷ vật này sẽ cùng tôi kể lại những chiến tích hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ”.

(Theo Pháp luật VN)