- Mặc dù đã có thông báo về đợt gió mùa kéo về, nhưng sáng dậy, thấy thời tiết đột ngột chuyển lạnh, mẹ cu Sóc vẫn thấy lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai đang học lớp mẫu giáo bé ở trường.

“Người lớn còn thấy mệt, trẻ con sao chịu được”

Mấy ngày gần đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi trong ngày, gần sáng và tối lạnh, trưa nóng, kèm theo những cơn mưa bất chợt. Đâu đâu cũng thấy nhiều người kêu mệt mỏi, nhức đầu vì thời tiết.

Nhiều bà mẹ cho rằng “thời tiết này, người lớn còn thấy mệt thì trẻ con làm sao chịu được”. Vì vậy, nỗi lo canh cánh trong lòng các bậc phụ huynh là sức khỏe con cái, nhất là đối với các em bé sơ sinh, sức đề kháng còn yếu và các bé trong độ tuổi đi mẫu giáo vì dễ lây bệnh của nhau.

Thời tiết thay đổi dễ khiến trẻ không thích nghi kịp

Trên các diễn đàn, phần chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ trở nên sôi động hơn với hàng chục lượt comment mỗi ngày.

Các vị phụ huynh đều cho rằng, thời điểm giao mùa thường chuyển biến từ nóng sang lạnh nên trẻ dễ bị bệnh, nhất là các bệnh như viêm họng, viêm tai...

Vì vậy, để phòng tránh bệnh, các bậc phụ huynh cần tăng cường ủ ấm cơ thể trẻ. Khi đi ra ngoài cần mặc quần áo dài tay, đội mũ nón... Ngoài ra, nếu thời tiết quá lạnh thì phải trang bị áo ấm, khăn quàng cổ và hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi không cần thiết.

Sáng 21/9, tại cổng trường mẫu giáo Hoa Hồng (phố Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều cha mẹ đã cẩn thận mang theo cả khăn và áo ấm cho con, nhờ các cô giáo mặc cho cháu khi trời quá lạnh.

Một vị phụ huynh đưa con đi học sớm cho biết: “Sáng dậy, thấy trời lạnh nên đã lấy quần áo thu ra mặc cho con. Nhưng vẫn phải cẩn thận mang thêm cái áo len mỏng, phòng khi chiều đến trời lại lạnh hơn mà bố mẹ chưa đón kịp thì cháu không bị lạnh mà ốm”.

Mặc dù dự báo thời tiết đã thông báo về đợt gió mùa kéo về, nhưng sáng dậy, thấy thời tiết đột ngột chuyển lạnh, mẹ cu Sóc vẫn thấy lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai đang học lớp mẫu giáo bé ở trường.

Vì thế, ngay giữa trưa, thấy trời có dấu hiệu sắp mưa là chị cuống cuồng bỏ cơ quan chạy về trường con mang áo ấm gửi cô giáo. Chị cho rằng, chẳng gì quan trọng bằng con, thấy thời tiết thế này thì chẳng mẹ nào yên tâm mà làm việc được.

Tăng sức đề kháng cho con

Có mặt tại hiệu thuốc tư nhân ở phố Thái Hà (quận Đống Đa ), chị Lương, nhân viên trực điện thoại Viettel cho biết, chị phải xin về sớm để ghé qua hiệu thuốc mua vài loại thuốc tăng đề kháng cho cậu con trai 11 tháng tuổi vì tự nhiên thấy trời trở lạnh nên lo.

“Thời tiết độc thế này, để cho con không bị ốm thì chỉ còn cách tăng sức đề kháng cho con, chứ mình làm sao thay đổi được thời tiết” - chị nói.

Thời tiết độc, trẻ nhỏ có nguy cơ bị các bệnh về hô hấp

Khảo sát đối với dược sĩ bán thuốc tại cửa hàng này được biết, các loại thuốc được bà mẹ có con nhỏ chọn mua nhiều nhất trong mấy hôm nay là thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, thuốc tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ.

Một số bà mẹ cẩn thận hơn thì tìm cách tăng sức đề kháng cho em bé bằng cách cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu..., nấu những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như: các món cá, rau trái...

Nhiều gia đình còn lựa chọn cách an toàn hơn cho con nhỏ là không cho trẻ đi học mẫu giáo vài ngày khi thời tiết chuyển mùa, để ở nhà cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc (Ảnh: Meyeucon)

Thời tiết này cũng khiến trẻ dễ bị lây bệnh từ người lớn. Nhiều gia đình có con nhỏ kiên quyết cách ly trẻ khỏi người ốm.

Anh Hoàng Minh, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết, mấy ngày hôm nay, do thay đổi thời tiết, anh bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi. Vì nhà có con nhỏ mới 6 tháng nên không chỉ vợ anh mà cả bố mẹ đẻ anh đều kiên quyết bắt anh ngủ phòng khách, không ăn cơm cùng cả nhà để không bị lây vào cháu nhỏ cho đến khi anh thật sự khỏi bệnh.

Nhiều gia đình còn lựa chọn cách an toàn hơn cho con nhỏ là không cho trẻ đi học mẫu giáo vài ngày khi thời tiết chuyển mùa, để ở nhà cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc.

Chị Lan, nhân viên ngân hàng SH Bank khẳng định: “Nhà tôi giờ có 2 con nhỏ, nếu chẳng may đi học mà lây các bạn rồi cùng ốm một lúc thì chắc cả 2 vợ chồng nghỉ làm mà trông con. Thôi thì tốt nhất cho nghỉ ở nhà khoảng 1 tuần cho đến khi thời tiết bình thường trở lại, cho con bắt nhịp được với sự thay đổi này rồi lại cho đến trường”.

Một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi

Đau họng:

Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, thường xuyên và dễ gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, khi mắc bệnh trẻ thường bị sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn.

Cảm cúm:

Bệnh do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ nhỏ rất dễ bị lây bệnh này khi thay đổi thời tiết, nóng chuyển sang lạnh. Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu... nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp

Viêm tắc thanh quản và khí quản:

Nếu trẻ thường ho nhiều về ban đêm, ho dữ dội thì rất có thể đã mắc bệnh viêm tắc thanh quản và khí quản. Bệnh này thường do viêm nhiễm vi-rút và dễ mắc nhiều vào thời điểm giao mùa. Trường hợp trẻ thở khò khè phát ra tiếng kêu nên đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.

Viêm tai:

Khi bị sốt trên 39 độ C, trẻ thường bị kèm theo các bệnh về tai. Sự cố thường gặp khi viêm nhiễm tai ở trẻ nhỏ là vòi nhĩ (nối liền tai giữa với mặt sau cuống họng, có nhiệm vụ để thoát dịch) bị tắc nghẽn, dịch ứ đọng tăng áp lực lên màng nhĩ, trẻ bắt đầu cảm thấy đau. Các vòi này cũng có thể bị tổn thương, bị vỡ khi trẻ nằm bú bình và có một lượng nhỏ sữa chảy trở lại vào tai, phát sinh hiện tượng viêm nhiễm. Bởi vậy, khi trẻ bú người ta thường thấy chúng khóc là do đau tai. Ngoài ra chứng viêm nhiễm này còn làm cho trẻ gặp khó khăn khi ngủ. Trẻ đau tai khóc nhiều kèm theo sốt, cảm lạnh, đau đầu, sưng cổ nên đi khám ngay.

(Theo VnMedia)

Thu Lý