- Những ngày gần Tết Ất Mùi 2015, P.V VietNamNet trở lại để chứng kiến cuộc sống mới của người đàn ông tàn phế và đứa con thơ “văng khỏi bụng mẹ” trong vụ tai nạn hy hữu và thương tâm nhất năm 2014

Cha tàn con phế và tấm lòng của tha nhân

Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi) ở huyện Chợ Mới (An Giang). Căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm ven con kênh thuộc ấp An Thới xã Hội An thật vắng lặng và yên tĩnh.

{keywords}
Anh Nam với chiếc chân giả trước ngôi nhà của cha mẹ ở Chợ Mới (An Giang)

3 tháng trước, trên đường đưa vợ vào bệnh viện để sinh đứa con thứ 2, một chiếc xe bồn đã húc vào xe máy anh đang điều khiển. Anh và vợ ngã xuống đường. Bánh xe cán qua người vợ anh làm hài nhi trong bụng mẹ văng ra ngoài. Bánh xe oan nghiệt vẫn chưa chịu dừng lại, tiếp tục cán đứt chân anh và một chân của bé sơ sinh…

Hiện trường náo loạn. Bà con chung quanh và cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường nhanh chóng đưa cả 2 cha con vào bệnh viện. Sau nhiều ngày cấp cứu ở TP Long Xuyên, cả 2 được chuyển về TP.HCM tiếp tục điều trị…

Thấy chúng tôi đến thăm, anh xoay người đứng lên trước khi với tay lấy cặp nạng; tháng trước có một nhà hảo tâm tặng cho anh chiếc chân giả. Anh lắp vào nhưng vẫn chưa đi được vì quá thốn. Bác sĩ khuyên về nhà kiên trì tập luyện sẽ có kết quả tốt hơn…

Tiếp chuyện chúng tôi anh cho biết, trong những ngày điều trị tại bệnh viện, rất đông các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, nhiều ân nhân thuộc đủ các  thành phần ở khắp nơi trong nước và cả nước ngoài đã đến động viên, an ủi và giúp đỡ. Số tiền anh nhận được đến nay lên đến vài tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn mà cả đời anh cũng không mơ tới được.

''Chú biết không, nhiều người nói với con trong họa có phúc. Con không nghĩ là phúc hay họa mà chỉ biết cám ơn và rất trân trọng những tình cảm của tha nhân dành cho. Hiện với số tiền lớn này con đã gởi vào tài khoản ngân hàng và sẽ có kế hoạch sử dụng. Đứa con xấu số của con may mắn sống sót nhưng chỉ còn một chân.Cha đã tàn, con đã phế. Còn rất nhiều việc phải làm chú ạ''.

Sau biến cố kinh hoàng đó anh bình tâm trở lại. Anh vùi đầu vào sách, kinh kệ và rồi cái thâm thúy ''sắc sắc không không'' của nhà Phật đã làm anh tỉnh ngộ.

{keywords}

Anh Nam ăn chay trường, đọc kinh Phật

Hạnh phúc nhỏ nhoi của gia đình anh bỗng chốc vỡ tan. Vợ chết. Con và anh thương tật. Nhưng sau sự mất mát đó anh được đền bù lại bằng một tình thương bao la rộng lớn. Có lẽ nhờ tình thương này đã giúp anh vực dậy, tiếp tục những ngày còn lại để đền đáp ơn tri ngộ của ân nhân khắp nơi.

Dự tính tương lai

Trong lúc chúng tôi với anh Nam trò chuyện, bên ngoài không khí Tết đã tràn về. Trên con đường đất gập ghềnh dẫn vào nhà anh, mọi người đang lũ lượt tay xách nách mang những món hàng Tết…

Trong nhà anh Nam vẫn phẳng lặng. Ở một góc nhà, người mẹ già tần tảo của anh vẫn sớm hôm đan từng chiếc nón lá. Công việc này trước đây vợ anh đã từng làm.

Theo lời anh Nam, gia đình anh tá túc trong một căn nhà ở Hòn Đất (Kiên Giang) nơi có ruộng của anh và của gia đình bên vợ. Hàng ngày anh và chị Ngọc chăm sóc những thửa ruộng này. Dự tính của anh, sẽ cố gắng trong vài năm có tiền xây nhà đưa các con về chung sống. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã quá.

Giờ đây vợ chết, con bị nạn. Chính anh giờ cũng không còn khả năng lao động nhưng anh vẫn quyết định sẽ trở lại nơi này. Số tiền của bà con khắp nơi giúp, anh sẽ dùng để mua thêm ruộng. Nếu còn làm được anh sẽ tự mình làm; ngược lại, anh sẽ cho thuê. Cho thuê vừa giúp anh có thêm thu nhập để nuôi con và cũng để giúp những người dân nghèo không đất canh tác có điều kiện mưu sinh.

{keywords}
Trên đường về thăm 2 con. 

Tết năm nay - anh Nam cho biết - anh dự tính đưa 2 con về bên nội để ăn Tết cùng ông bà. Đến mồng 2 sẽ đưa các cháu về lại bên ngoại. Những năm trước đây anh và chị cũng đều làm như thế nhưng giờ chỉ còn một mình anh, anh vẫn cố giữ thói quen này.

Đến đây như chợt nhớ ra điều gì, anh nói: ''Nếu chú không bận, mời chú đi cùng về bên nhà vợ thăm cháu Quốc Huy nhé''. Đồng ý, chúng tôi và anh cùng nhau ra khỏi cửa.

Trở về chốn xưa

''Thôi đừng nhắc chuyện cũ nữa. Chuyện gì đã qua thì cho qua luôn đi''. Đó là điều mong muốn của ông Nguyễn Văn Khoảnh, 55 tuổi là cha vợ anh Nam và cả gia đình.

Theo ông Khoảnh, mất mát thì đã mất mát nhiều rồi. Giờ chính là lúc lo cho tương lai. Hai đứa cháu ngoại của ông còn quá nhỏ trong khi Nam phải…gà trống nuôi con. Nam không còn khả năng lao động như trước nữa. Năm nay tuy buồn nhưng dù sao cũng phải có cái Tết để mừng tuổi ông bà, để con cháu đón mừng năm mới. Tết xong là bắt tay vào việc thôi.

{keywords}

{keywords}
Ấm áp tình phụ tử

Phía ngoài là chiếc võng nơi bé Quốc Huy đang nằm ngủ. Thằng bé bụ bẫm, mặt hồng hào khác với những ngày ở bệnh viện. Bé ngủ thật ngoan. Thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười, chân đưa cao làm chiếc mền bị lệch, lộ ra chiếc chân còn lại chỉ còn một đoạn ngắn. Vết thương của bé đã lành nhưng vẫn còn quấn băng.

Mất mẹ ngay khi mới chào đời, nay bé Huy lớn lên bằng tình thương yêu và sự chăm sóc rất tận tình của bà ngoại và các dì.

Anh Nam bế con lên rồi cùng nhau đi vào trong, đến trước bàn thờ chị Ngọc. Một nén nhang đốt lên. Cả ba cha con đứng thật lâu trước bàn thờ. Bé Huyền ép sát vào người anh thốt lên: “Con nhớ má quá ba ơi !!’. Nghe con nói, anh Nam dưng dưng nước mắt.  

Bên ngoài, những cây hoa mai trong vườn nhà đang nở những đóa hoa đầu tiên. Những ngày mới đầy hoa sẽ đón chào gia đình anh và các cháu với niềm mong mỏi được vơi đi những điều bất hạnh.

Trần Chánh Nghĩa