- Các xã viên của “làng chuyển mộ” Thanh Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, HN) tiếp tục phản đối dự án di dời nghĩa trang làng để nhường đất dự án di dân Đền Lừ III vì lý do: UBND quận Hoàng Mai thu hồi đất nghĩa trang làng vì đây là đất lấn chiếm?

Chiếm đất làm… nghĩa trang?!

Hàng trăm xã viên HTX Thanh Mai (nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản đối dự án di dân tái định cư Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất lại tiếp tục khiến kiện về dự án này.

Trước đó, sự việc đã được VietNamNet phản ánh từ thời điểm năm 2009 khi hàng trăm người dân làng Thanh Mai đã tập trung tại nghĩa trang làng để ngăn cản chính quyền sở tại tiến hành cưỡng chế, di dời các phần mộ để lấy mặt bằng cho dự án. 

Lý do người dân đưa ra, đó là việc nếu tiếp tục di dời nghĩa trang Thanh Mai, các hộ dân trú tại làng Hoàng Mai xưa đã phải 4 lần di dời phần mộ tổ tiên.  

Nghĩa trang Hoàng Mai

Ông Hoàng Đình Tiến (75 tuổi, tổ 41, phường Hoàng Văn Thụ) từng đảm nhiệm các chức vụ Phó chủ tịch UBND xã rồi Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ trong hơn 20 năm (từ năm 1970 và nghỉ hưu năm 1990), là người trực tiếp chỉ đạo 3 lần di dời nghĩa trang trước đây, khẳng định: “Có lẽ, Hoàng Mai là làng duy nhất và cực kỳ hiếm ở Việt Nam, khi phải di dời các phần mộ nhiều lần đến thế. Trong vòng hơn chục năm, cả làng đã phải 3 lần di chuyển các phần mộ của ông bà, tổ tiên mình để phục vụ các chính sách của nhà nước, địa phương”.

Lần di chuyển thứ nhất vào khoảng cuối năm 1977 đầu 1978, cả làng Hoàng Mai phải di chuyển các phần mộ từ 5 nghĩa địa khác trong xã (gồm mả Cả trên, dưới, mả Vẻ, mả Bầu, mả Trành) để nhường đất xây dựng công trình dân sinh di dân tái định cư dự án đường Đại Cồ Việt và đường dọc sông Kim Ngưu, (nay là tổ 57, 58 phường Tương Mai).

Địa điểm lựa chọn xây dựng nghĩa trang mới thuộc cánh đồng Thễn (ngày nay là tổ dân phố 45, 46 phường Hoàng Văn Thụ).

Lần di chuyển mộ thứ hai vào các năm 1980, 1981. Nhà nước lại tiếp tục lấy hơn 100ha đất để xây dựng khu dân cư cho công nhân liên hiệp Dệt. Hàng ngàn ngôi mộ lại được người dân chuyển từ nghĩa trang đồng Thễn về cánh đồng Ao Đường.

Tất cả các ngôi mộ chôn rải rác và phát tán tại các cánh đồng, ruộng chùa… cũng được di dời để quản lý tập trung tại nghĩa trang ngã tư. Nghĩa trang Thanh Mai được hình thành từ thời điểm đó tới bây giờ.

“Khi đó, chính đồng chí chủ tịch huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Lạch, đã xuống vận động bà con yên tâm, vì đây sẽ là lần di chuyển mồ mả cuối cùng để phục vụ các dự án của nhà nước. Hơn nữa, nghĩa trang Thanh Mai là nơi có vị trí phong thủy, thuận tiện cho người dân chôn cất những người đã khuất, và cách khu dân cư của làng Hoàng Mai chừng hơn 1km” – ông Tiến cho hay.

Lần thứ ba người dân làng Hoàng Mai tiếp tục phải di dời các phần mộ là vào các năm 1999; 2000. Dự án xây dựng đường vành đai (dự án Đền Lừ 1) được quy hoạch qua khu vực nghĩa trang Thanh Mai. Mặt khác, UBND quận Hoàng Mai chủ trương xây dựng hai khu nhà 5 tầng để phục vụ mục đích dân sinh trong đó có các hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

 

Ủng hộ chính sách của Nhà nước, dân làng Hoàng Mai lại tiếp tục lùi nghĩa trang Thanh Mai vào sâu hơn 1ha. Sau rất nhiều lần di chuyển, nhiều gia đình đã bị thất lạc các phần mộ.

“Trong vòng chưa đầy 20 năm, cả làng phải 3 lần di chuyển nghĩa trang, đấy cũng là một điều không ai muốn, bởi tâm lý người Việt, ai cũng muốn tổ tiên mồ yên mả đẹp, chứ không phải động chạm đến nhiều lần. Tuy nhiên, những lần trước đó, người dân đều vui vẻ thực hiện mà không có bất cứ phản đối nào”.

Phương án mà người dân đề nghị, đó là xin được xây dựng, cải tạo nghĩa trang Thanh Mai như một công viên, sạch đẹp, tu sửa các phần mộ theo hàng lối, xây tường bao bốn xung quanh để không ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Chính quyền cũng kêu khó

Dự án đền Lừ III về xây dựng khu di dân tái định cư và đấu giá QSDĐ được UBND TP Hà Nội ký quyết định phê duyệt ngày 07/1/2005; tiếp theo đó là các quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 15/2/2007; QĐ số 4374/QĐ – UBND ngày 05/11/2007 về việc thu hồi 85.331m2 đất tại phường Thịnh Liệt và phường Hoàng Văn Thụ.

Theo đó, toàn bộ nghĩa trang Thanh Mai nằm trong sơ đồ quy hoạch.

 

Trong gần 8 năm qua (từ khi dự án xây dựng hạ tầng đô thị khu di dân Đền lừ III được UBND TP ký phê duyệt theo QĐ số 96/QĐ-UB ngày 07/01/2005 về việc thu hồi 85.331m2 đất tại các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ giao UBND quận Hoàng Mai làm chủ dự án, cuộc “giằng co” giữ đất nghĩa trang Thanh Mai đã diễn ra căng thẳng giữa hàng ngàn hộ dân sinh sống tại địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) với chính quyền địa phương.

Ban đại diện tập thể người dân (gồm 5 người) do tập thể nhân dân phường Hoàng Văn Thụ bầu chọn từ năm 2005 đã tập hợp ý kiến người dân về việc đề nghị chính quyền phường và quận xin giữ lại nghĩa trang Thanh Mai.

Tuy nhiên, việc đề đạt xin giữ lại nghĩa trang không được chấp thuận. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai giải thích: “Nghĩa trang Thanh Mai nằm trong quy hoạch của Thành phố đã phê duyệt từ năm 2005. Chúng tôi đã lên phương án đền bù, hỗ trợ các gia đình di dời các phần mộ theo các phương án đền bù của TP Hà Nội.

Nhiều hộ dân đã đồng ý phương án trên, nhưng nhiều hộ dân khác nhất quyết phản đối, khiến tiến độ dự án không thực hiện được!”.

“Chúng tôi đã nhiều lần giải thích, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa đồng thuận. Họ cho rằng, phần đất nghĩa trang Thanh Mai sau khi GPMB sẽ được phân lô, đấu giá, mặc dù chúng tôi đã giải thích rằng, một phần đất đó sẽ được làm đường vành đai 2,5; phần còn lại sẽ xây dựng 2 khu chung cư 15 tầng cho dự án di dân Đền Lừ 3 của UBND TP Hà Nội”.

Ngày 12/8/2011, UBND quận Hoàng Mai ban hành QĐ số 7384/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với đất nông nghiệp của HTX nông nghiệp Thanh Mai.

Theo phương án này, giá đất hỗ trợ là 11,22 triệu đồng/m2 cho diện tích 11.358,7m2, tương đương hơn 12,7 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích 5.661.m2 thuộc đất nghĩa trang, UBND quận Hoàng Mai cho rằng, đó là đất dân tự lấn chiếm làm nghĩa trang nên không hỗ trợ.

Đây cũng là điều khiến các xã viên bức xúc, vì họ cho rằng, chủ trương xây dựng nghĩa trang đã được chính quyền xã Hoàng Văn Thụ phê duyệt cách đây vài chục năm. Diện tích này là đất nông nghiệp được xã viên đóng góp, HTX đứng tên quyền sử dụng đất, nên việc thu hồi không đền bù là sai pháp luật.

Trao đổi với VietNamNet, chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ, ông Nguyễn Tiết Cương cho biết: phần diện tích nghĩa trang nói trên là do người dân tự ý lấn chiếm và mở rộng.

Ông Nguyễn Trọng Tâm, cán bộ địa chính phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ: nói là “đất tự lấn chiếm” cũng chưa đúng. Cần chỉnh sửa về câu chữ thì chính xác hơn. Thực ra, đó là việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nghĩa trang, cho nên người dân chỉ được nhận tiền hỗ trợ di dời phần mộ - đó là phần tài sản trên đất.

Tuy nhiên, người dân cho rằng: việc mở rộng nghĩa trang vừa là vấn đề có tính lịch sử, vừa là nhu cầu có thực trước việc quy mô số dân ngày càng đông. Hơn nữa, việc “chuyển đổi mục đích sử dụng đất” là việc có vài chục năm trước, và vì mục đích phục vụ cộng đồng chứ không phải cá nhân ai.

Ông Nguyễn Hoằng, GĐ BQL DA quận Hoàng Mai phân trần: việc xác định tính chất nguồn gốc đất là việc của cấp cơ sở (cấp phường). Căn cứ trên cơ sở đó, BQLDA chiếu theo tính chất đất, giá đất đền bù, hỗ trợ được UBND TP phê duyệt để áp giá. Do đó, quy kết đất nghĩa trang Thanh Mai là đất lấn chiếm không phải trách nhiệm của BQLDA.

Cuộc “giằng co” giữ nghĩa trang có vẻ như chưa thể ngã ngũ ngay. Điều mà ai cũng nhận thấy, đó là dự án di dân Đền Lừ III đã chậm tiến độ gần chục năm nay. “Đó là điều khiến chúng tôi rất đau đầu” – ông Hoằng chia sẻ.

  • Kiên Trung