Mekong là huyết mạch của nhiều quốc gia mà nó chảy qua. Giờ đây, dòng sông trở thành trung tâm một cuộc chiến năng lượng.

Một Đông Nam Á khát điện và phát triển bùng nổ đang đối chọi lại với những nỗ lo môi trường, an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người. Dựng đập trên dòng chính vùng hạ nguồn Mekong sẽ cho phép các quốc gia phát triển sản lượng điện, không chỉ cho chính người dân của mình, mà còn bán sang nước láng giềng.

Nhưng tác động mặt trái cũng không hề nhỏ. Đó là thay đổi lớn lao với hệ sinh thái ở toàn bộ lưu vực Mekong.

Lợi nhuận

Với Lào, phương trình đặt ra tương đối đơn giản. Đây là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, và thủy điện mang lại cho họ cơ hội tận dùng nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản sinh ra nguồn thu cần thiết hơn nhiều.

Sinh kế của hàng triệu người trông cậy vào dòng Mekong. Ảnh: WWF
Họ đã xây dựng nhiều đập trên các chi lưu của Mekong. Lớn nhất trong đó là Nam Theun 2, khánh thành vào cuối năm 2010 và cung cấp một hình ảnh minh họa về việc tại sao Lào nên phát triển hơn nữa các dự án thủy điện.

Toàn bộ sản lượng điện từ Nam Theun 2 đi thẳng tới nước láng giềng Thái Lan, thông qua các cột điện và mạng lưới đường dây nối tiếp trên các quả đồi. Và điện đã mang lại nguồn tiền lớn.

Trong giai đoạn 25 năm, chính phủ Lào hy vọng sẽ có khoảng 2 tỉ USD chỉ từ riêng Nam Theun 2. Và họ nhanh chóng muốn thúc đẩy các lợi ích mà đập thủy điện có thể mang lại.

Tại lễ khánh thành Nam Theun 2, Sivixay Soukkharath, một quan chức chính phủ chịu trách nhiệm tái định cư người dân bị ảnh hưởng bởi đập nước này, đã vẽ một bức tranh tươi sáng. "Chính phủ sẽ mang lại cho người dân giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng - và nó sẽ cho phép chúng ta bảo vệ môi trường khắp đất nước”, ông nói.

Mối lo

Nam Theun 2 là một dự án hiện đại, do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ gồm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Dự án đã tiến hành các bước để giảm thiểu tác động của con đập tới những cộng đồng địa phương và môi trường, thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên và những ngôi làng mới với nguồn điện và các cơ sở hiện đại.

Tuy vậy, dự án vẫn vấp phải sự chỉ trích của một số tổ chức. Họ hoài nghi về tính bền vững của các nỗ lực trên và cảnh báo về một hậu quả nghiêm trọng với hạ nguồn.

Viễn cảnh của các con đập trên dòng chính hạ nguồn Mekong đã làm “thức dậy” các phản ứng thậm chí mạnh mẽ hơn. "Nó có thể là một thảm họa”, Chhith Sam Ath, giám đốc điều hành diễn đàn các tổ chức phi chính phủ của Campuchia - tổ chức đại diện cho hàng chục nhóm cộng đồng quan tâm tới tác động của các dự án thủy điện, nói.

Lào muốn xây con đập đầu tiên trên dòng chính hạ nguồn Mekong ở Xayaburi, và tiếp tục xuất khẩu điện sang Thái Lan.

Họ khẳng định, thủy điện là “sạch và xanh”, tốt cho môi trường cũng như ngân sách. Nhưng các nước vùng hạ nguồn tin rằng, Lào chưa nghiên cứu đầy đủ các tác động từ thủy điện.

"Hàng triệu người kiếm sống trên dòng Mekong”, Chhith Sam Ath cho biết. "80% lượng protein của người Campuchia là từ cá. Nhưng dựa trên những gì xảy ra từ các con đập khác, xây dựng đập nước trên dòng chính sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới cá di trú”.

Ở một cộng đồng dân chài ngoại ô Phnom Penh, mọi người đều ý thức được tình thế mong manh của họ. Với họ - và hàng triệu người Campuchia khác - cá cung cấp một nguồn thu nhập chính cũng như protein vậy. "Con sông này rất quan trọng với cộng đồng chúng tôi”, Sen Salim, một dân chài đang gỡ lưới bên sông, nói. "Nguồn cá nơi đây giúp chúng tôi sống tốt hơn. Nếu cá trở nên ít đi, đó sẽ là tin tức tồi tệ với chúng tôi”.

Bế tắc

Bốn nước thành viên Ủy hội Mekong gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia được cho là sẽ nhất trí với những quyết định lớn, tiến hành quá trình tham vấn toàn diện trước khi hành động.

Lào khẳng định quá trình tham vấn đã hoàn tất và không có lý do gì để trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi. Nhưng trong cuộc họp đặc biệt để thảo luận về dự án, Lào đã phải đối mặt với sự phản đối từ những nước láng giềng.

Việt Nam kêu gọi ngừng xây dựng các dự án đập trên dòng chính Mekong trong 10 năm để tạo điều kiện nghiên cứu về những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Campuchia và Thái Lan nhất trí đánh giá hiện tại về tác động với môi trường từ dự án Xayaburi là chưa đầy đủ.

Với sự bế tắc của Ủy hội Mekong, mọi việc giờ đây phụ thuộc vào cách giải quyết của chính phủ bốn nước về vấn đề gây tranh cãi.

Nếu dự án Xayaburi tiếp tục được thực thi, nó sẽ mở cửa cho những con đập khác trên dòng chính Mekong. Campuchia đề xuất xây hai đập, Lào đề xuất chín đập.

Nếu tất cả đập nước được xây dựng, Mekong sẽ trở thành một nguồn điện lớn lao trong khu vực. Nhưng, nó có thể không còn là nguồn thực phẩm dồi dào mà rất nhiều người trông cậy.

  • Thái An (Theo BBC)