Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là điều rất cần thiết và nhiều cơ quan cũng đã ban hành quy tắc tương tự.

Công chức là hình ảnh của cơ quan công quyền

Theo ông Minh, công chức là người giải quyết công việc hàng ngày cho người dân và DN; là người đại diện và là hình ảnh của cơ quan công quyền. Cho nên hình ảnh của người công chức, viên chức rất quan trọng, thể hiện sự liêm chính của bộ máy công quyền, sự tận tụy của nền công vụ.

Vì vậy mà hình ảnh của người công chức ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Khi người dân tin cậy ở chính quyền, vào đội ngũ cán bộ, công chức thì các hoạt động quản lý nhà nước cũng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

{keywords}
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Muốn như vậy, các biểu hiện hàng ngày của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, thậm chí là ngoài xã hội phải ứng xử rất chuẩn mực. Từ cách ăn mặc, lời nói, thái độ, thậm chí là biểu cảm gương mặt khi tiếp xúc với người dân, DN phải thể hiện tinh thần phục vụ, tận tụy, lắng nghe.

Chính vì vậy, việc ăn mặc đẹp, lịch sự, trang trọng cũng là một cách ứng xử giữ hình ảnh của người công chức với người dân. Khi công chức ăn mặc chỉnh chu thì cũng ảnh hưởng đến cách ăn, cách nói, phong cách của họ.

"Mặc dù đây chỉ là hình thức thể hiện ra bên ngoài, là bề nổi và tất nhiên không quyết định tính chất tốt xấu của một con người nhưng qua đó thể hiện phong cách sống, thái độ của người công chức trước công việc, trước nhân dân", ông Minh phân tích.

Bình luận về nhiều ý kiến trái chiều trước quy định cán bộ, công chức không mặc quần bò, váy ngắn, xẻ tà cao đi làm, TS Đinh Văn Minh lưu ý, cần phân biệt giữa đời sống bình thường với đời sống công vụ.

Trong đời sống công vụ bắt buộc phải có nề nếp, trật tự, chuẩn mực. Còn mỗi người quan niệm về cái đẹp, sự thoải mái khác nhau nhưng khi có trách nhiệm, có những quyền hạn nhất định thì đương nhiên kèm theo đó phải có những khuôn khổ trật tự nhất định.

“Mỗi người có một gu ăn mặc riêng nhưng khi vào làm việc trong cơ quan nhà nước thì bắt buộc phải có những chuẩn mực chung”, ông Minh dẫn chứng có những chuẩn mực mà cả xã hội đã thừa nhận như mặc com lê, mặc áo dài, quần âu, áo sơ mi, váy công sở là ăn mặc lịch sự.

Ai cũng muốn thoải mái, mặc đẹp theo cách của mình nhưng cứ hình dung làm việc trong môi trường cần nhanh nhẹn, hoạt bát mà ăn mặc quá rườm rà, sặc sỡ, đi dép guốc lằng nhằng… làm cho người ta có cảm giác “người đó không sẵn sàng làm việc”.

“Cơ quan nhà nước là nơi để làm việc chứ không phải là nơi đến để diễn mốt, biểu diễn thời trang. Đẹp hay không đẹp, lịch sự hay không lịch sự phải phù hợp với bối cảnh, điều kiện và công việc”, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh, đã là công chức thì phải có nề nếp công vụ. 

Mặc sắc phục mà rượu bia mặt mũi đỏ gay là không được

Không chỉ về ăn mặc, kể cả những phát ngôn trong công việc với cán bộ, công chức cũng nên sử dụng từ ngữ như thế nào cho lịch sự. Chẳng hạn như khi nói chuyện thì phải có thưa gửi, có xin phép, xin lỗi. Công chức đi làm mà hút thuốc lá, cười nói bỗ bã, nói chỏng lỏn hay gắt gỏng là không phù hợp với nền công vụ mang tính phục vụ.

Không chỉ nơi làm việc mà cả trong xã hội, nơi mình ở người ta cũng nhìn thấy hình ảnh của một cán bộ, công chức của một cơ quan nào đấy. Vì vậy nếu công chức ứng xử không tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tạo suy nghĩ không hay cho chính cơ quan công quyền đó.

Ngay như ứng xử trên mạng xã hội cũng có nhiều mặt. Vì vậy khi phán xét hay dở thế nào phải có căn cứ, mang tính chất xây dựng. Nói nôm na là có thể phê phán, góp ý và sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực để cùng tốt hơn nhưng không phải là chửi bới.

Hay quy định về việc không uống rượu bia buổi trưa trong ngày làm việc cũng rất cần thiết. Đối với người dân ăn nhậu là chuyện bình thường nhưng với công chức, nhất là lực lượng có sắc phục thì việc ăn sáng, ăn trưa mà mặt mũi đỏ gay là không được.

Quy tắc ứng xử thì không thể quy định hết các tình huống được nhưng quan trọng là trong nhận thức của mỗi cán bộ, công chức phải luôn luôn suy nghĩ rằng hình ảnh của mình là hình ảnh của cơ quan công quyền, là hình ảnh của bộ máy nhà nước.

Vì vậy, bất cứ hành vi ứng xử, lời ăn, tiếng nói hay thái độ nào đấy ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, của xã hội vào các cơ quan nhà nước. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.

Vì vậy việc Bộ Nội vụ đưa ra quy tắc ứng xử, trong đó có nhiều quy định cụ thể là rất là cần thiết. Khi có quy định cụ thể như vậy, bản thân cán bộ, công chức sẽ lấy đó làm chuẩn mực để thực hiện.

Đây cũng là một thước đo để người dân, DN nhìn vào đánh giá, nhắc nhở, có thể không hài lòng với người A, người B trong quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc khi công chức vi phạm.

“Chẳng hạn như trong giờ làm việc mà người dân, DN thấy cán bộ, công chức hút thuốc, chơi điện tử, nghe nhạc chắc chắn không ai hài lòng”, ông Minh nhấn mạnh.

Không phải tự nhiên mà nhiều cơ quan ban hành quy tắc ứng xử và đưa ra nhiều hành vi cán bộ, công chức, viên chức không được làm mà trong thực tế đang có những chuyện như vậy.

“Theo tôi, việc có một văn bản ở cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức quy định về việc này thì điều đó rất là tốt, vừa là sự hướng dẫn với cán bộ, công chức, vừa là công cụ để người dân góp ý, giám sát để làm sao hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức thể hiện được tinh thần của một cơ quan nhà nước liêm chính, tận tụy phục vụ người dân, DN”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, từ quy tắc này, đi vào cuộc sống như thế nào thì trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu phải gương mẫu. Ở đâu thủ trưởng gương mẫu thì ở đó nề nếp, trật tự kỷ cương, văn hóa công sở sẽ tốt hơn rất nhiều.

Mời xem toàn văn Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ TẠI ĐÂY.

Thu Hằng

Bộ Nội vụ quy định công chức, viên chức không mặc quần bò đi làm

Bộ Nội vụ quy định công chức, viên chức không mặc quần bò đi làm

Bộ Nội vụ yêu cầu trang phục của công chức, viên chức, người lao động khi đi làm phải lịch sự, không được mặc quần bò, phải mặc váy dài quá đầu gối và không xẻ tà quá cao.