- Trao đổi với chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thừa nhận đánh giá công chức ở VN chưa phân biệt được người tận tụy với người lười biếng.

Bộ Nội vụ hôm nay tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

Đây là một trong những vấn đề thách thức và áp lực đặt ra với Bộ Nội vụ thời gian qua, khi dư luận đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của đội ngũ công chức.

{keywords} 

Theo ông Hoàng Xuân Đảm, Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ, đánh giá công chức VN hiện có 6 nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân.

Riêng với cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị họ đứng đầu; năng lực lãnh đạo, quản lý và năng lực tập hợp, đoàn kết công chức. Người đứng đầu, theo quy định, cũng chịu trách nhiệm chính về đánh giá những người làm việc dưới quyền mình.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định, kết quả thực hiện nhiệm vụ không phải là yếu tố đầu tiên, nhưng tất cả các yếu tố khác cuối cùng đều thể hiện trong kết quả làm việc.

Có đầy đủ quy định pháp luật như vậy, nhưng như Vụ Công chức - Viên chức thừa nhận, kết quả đánh giá công chức hàng năm đa phần là xuất sắc, xếp loại kém rất ít, thường do vi phạm kỷ luật.

Điển hình là kết quả đánh giá công chức năm 2013 mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã báo cáo trước QH: 92,58% hoàn thành xuất sắc và tốt, 5,66% không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng có hạn chế về năng lực.

Nguyên nhân, theo ông Hoàng Xuân Đảm, là cách đánh giá qua bình bầu của tập thể không thể tránh được nể nang, dĩ hòa vi quý, trong khi vai trò của người đứng đầu, một điểm đổi mới đáng kể nhưng còn tương đối mới, chưa được phát huy.

Đại diện Sở Nội vụ Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM... đều thừa nhận tìm được công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi hệ thống là rất khó. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cám cảnh: "Nếu tất cả đều tốt, tỉ lệ hoàn thành xuất sắc và tốt luôn cao, thì đâu cần cải cách công vụ, công chức nữa".

Đến từ Cơ quan phát triển LHQ (UNDP), cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng Jairo Acuna Alfaro tham khảo nhiều thông số trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAPI), để chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức mà quy trình đánh giá hiện hành chưa chạm đến.

Đó là đầu vào của công chức. Một nửa người được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây nhất của PAPI cho rằng để xin việc trong lĩnh vực công thì có "thân quen" là quan trọng và rất quan trọng, gần 30% cho rằng không thể tránh khỏi phải hối lộ.

Khi họ đã trở thành người nhà nước, sự tận tụy cũng là câu hỏi lớn. Một khảo sát năm 2009 cho thấy 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên, hay chính là tình trạng "chân trong, chân ngoài", chuyên gia UNDP chỉ ra. Nguyên nhân, theo ông Jairo Acuna Alfaro, là lương không đủ sống.

Gọi đây là những "tập quán phi chính thống", ông Jairo Acuna Alfaro cho rằng chúng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công chức, cần được đánh giá đầy đủ. Ông kiến nghị khi đánh giá công chức cần xem xét các các yếu tố trách nhiệm giải trình của công chức, thông tin và hiểu biết của công chức về vai trò và trách nhiệm của mình, và tiếng nói của người dân, người sử dụng dịch vụ công.

Cần có sự tham gia của người dân vào các quy trình chính sách thông qua cơ chế phản biện xã hội để người dân phản ánh trải nghiệm và mong đợi của mình đối với dịch vụ của chính quyền các cấp, ông Jairo Acuna Alfaro nhấn mạnh.

Chung Hoàng