Chiều 3/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh. 

Cuộc họp báo diễn ra trong tình hình TP.HCM đã kết thúc giai đoạn 1 (15/8-31/8) và bước vào ngày thứ 3 của giai đoạn hai (1/9 đến 15/9)  cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. 

{keywords}
TP.HCM tổ chức họp báo 

Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trong 24h qua, báo chí gửi tới Ban Chỉ đạo các nhóm vấn đề cần được thông tin sau: Thứ nhất, chăm lo sức khỏe tinh thần cho người dân thế nào để giảm căng thẳng? Thứ hai, đến hôm qua TP tổ chức 370.000 người tiêm mũi vắc xin thứ 2, vậy những người tiêm đủ hai mũi thì có được phép tham gia một số hoạt động hay không?

Thứ ba, sau 6/9 có thay đổi các biện pháp quản lý như đi chợ hộ? Thứ tư, hai địa phương công bố kiểm soát được dịch, vậy tiêu chí nào để công bố? Thứ 5, 18h tối qua có tình trạng tập trung đông người tại Bệnh viện dã chiến số 5, 6, 7, 8 (Thủ Thiêm), đề nghị thông tin vụ việc này.

Truyền đi thông điệp công tác phòng, chống dịch

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ TT&TT thông tin về những định hướng truyền thông của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Tiểu Ban truyền thông, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Về kế hoạch truyền thông theo tuần, mối quan tâm lớn nhất vào các tỉnh, TP thực hiện Chỉ thị 16.

Về phòng, chống dịch, về an sinh xã hội… phải truyền đi thông điệp công tác chống dịch đi đúng hướng với kết quả khả quan về điều trị, chăm sóc F0 tại nhà…

Tất cả mọi người cần có kế hoạch lâu dài, vì không thể khống chế tuyệt đối được dịch. Cần có kế hoạch và những ưu tiên mới cho thời gian tới về sinh sống, sản xuất.

Về công tác chỉ đạo, theo ông Lâm, ngày 2/9, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ban hành Quyết định 01/QĐ-TBTT về việc ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban truyền thông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ban hành Kế hoạch 03/KH-TBTT về thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng ban hành Kế hoạch 02/KH-TBTT về kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài” tuần 36 từ 30/8 đến 6/9.

2 quận, huyện hoàn thành mục tiêu kiểm soát dịch giai đoạn 1

Tiếp đó, ông Phạm Đức Hải thông tin chi tiết số liệu về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (xem box cuối bài.

Về các nhóm vấn đề báo chí quan tâm: Việc F0 tăng nhiều, có dẫn đến việc quá tải hay không và TP chuẩn bị giường thế nào, ông Phạm Đức Hải thông tin, ở tầng 1, thời điểm giữa tháng 8 có 23.898 giường, đến 31/8 có 29.439 giường.

{keywords}
Những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thanh Tùng

Tầng 2, giữa tháng 8, có 49.392 giường, đến 31/8 có 60.400 giường. Tầng 3, giữa tháng 8, có 3883 giường, cuối tháng 8 có 4.600 giường.

Về việc chỉ có huyện Củ Chi và quận 7 công bố kiểm soát dịch và tiêu chí công bố, ông Hải cho rằng, thứ nhất, căn cứ kế hoạch của TP, các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, có 7 quận, huyện mục tiêu đến 31/8 phải kiểm soát được dịch và phần còn lại đến 15/9.

Sau khi thực hiện, 7 đơn vị đặt mục tiêu 31/8 đã bắt đầu sơ kết, trong đó, hai đơn vị nói trên đã chủ động sơ kết công bố việc kiểm soát dịch.

5 quận, huyện còn lại gồm Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 11 thì TP sẽ có tổ thẩm tra, dựa trên tiêu chí của Bộ Y tế, để đánh giá xem đơn vị nào đạt hay chưa và sau đó lần lượt với các quận, huyện còn lại.

Về đêm ca nhạc do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức tại bệnh viện dã chiến 5, 6, 7, 8 có sự tập trung đông, không đảm bảo giãn cách, bà Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Chủ tịch Hội cho hay, chương trình có mục đích chào mừng Quốc khánh và cung cấp các thông tin cần thiết về công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

Phần biểu diễn cũng đã giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi cho lực lượng tuyến đầu và các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến. Tất cả đội ngũ tham gia chương trình đều mặc trang phục bảo hộ, 100% đã được tiêm vắc xin. Người theo dõi chương trình là y, bác sĩ, tình nguyện viên tại bệnh viện. Riêng bệnh nhân không di chuyển xuống sân và ở tại phòng nghe nhạc.

Đây là chương trình thứ 10. Tuy nhiên, chương trình hôm qua về khoảng cách đôi lúc, đôi chỗ không đảm bảo giãn cách.

Sẽ kiểm soát đối tượng lưu thông bằng mã QR

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban, ngành, quận, huyện và yêu cầu lập danh sách các đối tượng được phép lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật đầy đủ, các chốt kiểm soát chỉ cần quét mã QR sẽ biết được người dân có thuộc diện được phép ra đường hay không. Nếu các trường hợp chưa cung cấp thông tin và không có thông tin trên hệ thống có thể buộc phải quay đầu. 

Về vấn đề lưu thông và giấy đi đường và việc giãn cách trong khu dân cư gần đây có lơi lỏng, ông Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP phối hợp với công an địa phương đi kiểm tra, tuần tra thường xuyên.

{keywords}
Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Hà, việc giãn cách xã hội trong khu dân cư là quyết định quan trọng của việc giãn cách nghiêm.

Thời gian qua, ngoài lực lượng hỗ trợ từ Bộ Công an, Công an TP điều động hơn 1.000 chiến sĩ về các chốt chặn tại địa phương, còn công an địa phương thì đưa về chốt chặn tại khu dân cư.

Bên cạnh đó, ngoài phòng, chống dịch, Công an TP chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình dân cư, để không ai bị thiếu đói trong thời gian giãn cách.

Về nội dung kiểm soát người ra đường, Công an TP đang cập nhật danh sách cấp giấy đi đường để kiểm soát người ra đường đúng đối tượng. Do đó, Công an TP yêu cầu các đơn vị đầu mối cập nhật, tạo điều kiện cho Công an TP kiểm soát.

Ông Hà cũng lưu ý, hiện có đối tượng lừa đảo bán giấy đi đường, Công an TP khuyến cáo bà con cần cảnh giác. Và giấy giả thì công an rất dễ phát hiện, người ra đường sai đối tượng hoặc dùng giấy giả sẽ bị xử lý nghiêm.

Về vấn đề di dời người dân ra khỏi vùng đỏ, đến nơi an toàn như chủ trương của Chính phủ, ông Phạm Đức Hải thông tin, đến nay, Ban Chỉ đạo TP chỉ mới nhận được thông tin quận Bình Thạnh đã tổ chức di dời người dân đến hai nơi là nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và một chung cư.

Theo ông Hải, điều kiện trước khi di dời phải xét nghiệm âm tính, đã tiêm vắc xin và đến nơi thì vào đúng căn phòng đã chọn và không được đi ra ngoài. Có một tổ kiểm tra y tế thực hiện việc này, đảm bảo người dân di dời an toàn.

Vận động F0 khỏi bệnh tham gia công tác chữa bệnh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế trao đổi thêm việc vận động F0 khỏi bệnh tham gia công tác chữa bệnh.

Ông Châu khẳng định, đến nay chưa có F0 khỏi bệnh nào tham gia việc hỗ trợ điều trị, chỉ có các nhân viên y tế khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân.

Theo ông Châu, khả năng miễn dịch của F0 khỏi bệnh là rất tốt, có thể kéo dài được 6 tháng. Do đó, TP kêu gọi F0 tình nguyện tham gia công tác điều trị bệnh. Họ vừa hỗ trợ và còn truyền đạt những gì họ trải nghiệm để giúp bệnh nhân tự tin vào việc chiến thắng dịch bệnh.

“Hôm nay, Sở Y tế đã có Tờ trình gửi UBND TP việc này, khi nào có thông tin cụ thể về chủ trương này, Sở sẽ thông tin chi tiết”, ông Châu cho biết.

Vắc xin tinh thần cho người dân

PGS.TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học KH-XH&NV TP.HCM, thông tin cụ thể về vắc xin tinh thần cho người dân. Đây là chương trình thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, sự phối hợp giữa Sở TT&TT với Sở Y tế.

Theo bà Lan, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch, nhiều tổ chức, cá nhân tư vấn tâm lý cho người dân nhưng mới chỉ ở mức độ sơ cứu về tâm lý, chưa đặt trong hệ thống toàn diện về sơ cứu, can thiệp, chữa trị và phục hồi, đồng thời chưa có sức lan tỏa rộng.

Bà Lan cho rằng, khi đối diện với dịch Covid-19, yếu tố tinh thần rất quan trọng, để có hệ miễn dịch hoàn thiện cần có vắc xin tinh thần.

Chương trình này sẽ khởi động vào ngày 5/9 đến cuối năm 2022, tùy theo tình hình dịch bệnh, nhu cầu tâm lý và khả năng phục hồi sau dịch bệnh của bệnh nhân.

“Khoa tâm lý của trường rất mạnh về tâm lý học lâm sàng và can thiệp chữa trị”, bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, trường sử dụng các đường dây nóng như tổng đài 1022 của Sở TT&TT.

Đường dây này sơ cứu tâm lý và hỗ trợ cảm xúc. Ngoài việc người dân gọi điện đến, trường cũng gọi cho bệnh nhân để tư vấn tâm lý. Trường cũng có chuyên gia tâm lý đến các bệnh viện dã chiến để xử lý trường hợp khẩn cấp.

Chương trình còn phối hợp với VOH, fanpage để lan tỏa. Có những đối tượng cảm thấy rất mạnh mẽ nhưng trong bối cảnh giãn cách xã hội lâu dài, đối diện nhiều tổn thất cũng cảm thấy thương tổn về tâm lý.

Người tham gia là các chuyên gia tâm lý, chủ yếu đến từ các trường đại học. Hiện, trường đã phối hợp các Bệnh viện dã chiến 12, Bình Dân và Chợ Rẫy.

Bà Lan cũng thông tin, theo khảo sát về tâm lý, nhu cầu hỗ trợ hiện nay có 3 mức. Thứ nhất, can thiệp phổ quát, khoảng 80% người dân đang cần sự hỗ trợ này (phòng ngừa phổ quát). Sau đó, có 15-20% người dân cần can thiệp, hỗ trợ lâu dài trong số 80% kể trên. Thứ ba, phục hồi.

Phòng ngừa phổ quát thực hiện qua hotline 1022. Can thiệp chữa trị thì thông qua hotline của trường và tại các bệnh viện. Danh sách bệnh nhân sẽ được bệnh viện cung cấp cùng chỉ số sinh học để can thiệp, chữa trị cho họ.

{keywords}
Hai quận, huyện ở TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19

Trước đó, ngày 15/8, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 với 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ ngày 15/8 đến ngày 31/8: Mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong. Không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7, Quận 11.

Đến ngày 2/9, có hai địa phương là huyện Củ Chi và quận 7 công bố kiểm soát được dịch bệnh. 

Giai đoạn 2, từ ngày 1/9 đến ngày 15/9: Mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Cụ thể, phấn đấu đến 15/9 số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm vắc xin mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

 

Chi tiết số liệu về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tổng số trường hợp mắc Covid-19, tính đến 18h ngày 2/9, có 233.093 ca, bao gồm 232.644 ca trong cộng đồng, 449 ca nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 41.470 bệnh nhân, trong đó có 2.915 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 2/9 có 4.172 bệnh nhân xuất viện (tổng số cộng dồn từ 1/1 đến nay là 120.509); 250 trường hợp tử vong (tổng số cộng dồn từ 1/1 đến nay là 9.974).

Về kết quả xét nghiệm: Từ 18h ngày 1/9 đến 18h ngày 2/9 đã lấy gần 397.000 mẫu, trong đó có hơn 7.500 mẫu đơn và 7.820 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là gần 323.000 mẫu.

Về tiêm chủng vắc xin: Tổng số mũi vắc xin triển khai tiêm đến ngày 2/9 là hơn 6,2 triệu (tăng hơn 42.000 mũi so với ngày 1/9), trong đó tổng số mũi 1 là gần 5,9 triệu, mũi 2 là gần 369.000; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 689.000.

Về hoạt động của Trung tâm an sinh, trong ngày 3/9, Trung tâm an sinh tại các kho của MTTQ TP tiếp nhận nhiều mặt hàng như rau củ, gạo, thuốc… của tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp trị giá hơn 4,7 tỷ đồng. Hàng rau củ được phân phối đến các quận Gò Vấp, quận 7, Bình Chánh, quận 10, 11, 12, Phú Nhuận, Hóc Môn, Củ Chi, TP Thủ Đức, phường Bình Trị Đông - quận Bình Tân và Bộ Tư lệnh TP, 17 bếp ăn từ thiện trị giá hơn 2,4 tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 15/8 đến 3/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là gần 1,5 triệu túi (tăng hơn 95.000 túi so với ngày 2/9).

 

Hồ Văn 

TP.HCM trân trọng mời F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch, có trả lương

TP.HCM trân trọng mời F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch, có trả lương

Những F0 khỏi bệnh được nhận định là nguồn lực quý, sẽ miễn nhiễm trong một thời gian nhất định nên, TP.HCM trân trọng mời gọi những người này tham gia công tác chống dịch, có trả lương.