- Người có tiền, tài khoản ở nước ngoài phải kê khai thì khôn ngoan nhất là phải kê khai, bởi việc phát hiện bây giờ rất dễ - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trao đổi với báo chí xung quanh Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Trao đổi với báo chí sáng 17/8 bên lề buổi trao giải cho các đề án Sáng kiến phòng chống tham nhũng, ông Lượng cho hay Nghị định 68 sửa đổi đã tiến thêm một bước so với Nghị định 37 về minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là công khai, minh bạch bản kê khai tài sản. Nhưng theo Luật phòng, chống tham nhũng, bản kê khai được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, mà hồ sơ này được quy định thuộc bí mật Nhà nước.


"1 người thì kín, 9 người thì hở"

Thưa ông, như vậy làm thế nào đảm bảo tính xác thực của bản kê khai tài sản?


Nghị định 37 chưa xác định nguyên tắc kê khai tài sản thì Nghị định 68 xác định. Đó là "tự kê khai và tự chịu trách nhiệm". Bây giờ nói tiền 50 triệu đồng thì dễ đếm nhưng bức tranh này bảo 50 triệu hay 30 triệu thì cãi nhau nhiều lắm. Vậy ai xác định đồ vật đó có giá trị 50 triệu trở lên thì phải là người sở hữu nó.

Xác định nguyên tắc người kê khai thì tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm lúc nào? Anh phải tự chịu trách nhiệm và giải trình, chứng minh với cơ quan quản lý.  Khi anh thăng tiến thì cơ quan quản lý cán bộ sẽ rà lại. Có thể năng lực anh rất tốt, làm việc tốt, nhưng có một điểm tôi e rằng anh ta kê khai tài sản không trung thực thì đề nghị cơ quan thẩm định, cơ quan quản lý cán bộ xem lại. Lúc này bản thân anh đó phải giải trình được.


Liệu báo chí, người dân có thể tiếp cận bản công khai, kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn không, thưa ông?

Hiện nay không được tiếp cận vì theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng cơ bản chưa được công khai. Nhưng đây là từng bước tiến tới công khai. Vì các cụ đã nói "1 người thì kín, 9 người thì hở". Khi đã công khai trong đơn vị, ví dụ cơ quan tôi có 200 người từ chuyên viên chính trở lên mà biết được tài sản của tôi có nghĩa toàn xã hội biết. Bởi vì không ai cấm được ông này nói ông kia có cái nhà, ông này có cái xe, việc đó tự hiểu sẽ lan tỏa.

Đây cũng là chỗ để tới đây Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Nếu Quốc hội đông ý công khai bản kê khai tài sản thì lúc đó mọi đối tượng có thể tiếp cận. Còn bây giờ đối tượng được tiếp cận trong phạm vi của Nghị định 68.


Bịt lỗ hổng tài sản đứng tên người khác

Nghị định có tính tới việc kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn chia nhỏ tài sản để đứng tên người khác trong gia đình hoặc người thân trong kê khai?


Chúng ta đã tính đến điều này rồi. Ví dụ quan chức rất nhiều tài sản nhưng bản kê khai rất ít vì tài sản ông đứng tên con ông ý, mà con ông ý chưa thành niên. Trong suy nghĩ của chúng tôi, tới đây phải có một đề xuất để bịt được lỗ hổng này.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng: Hình thức cao nhất xử lý quan chức kê khai tài sản gian dối là mất chức. Ảnh: XLinh

Vậy có công cụ nào để kiểm soát tài sản gửi ở nước ngoài không?


Về mặt nguyên tắc, chúng ta yêu cầu phải kê khai các tài sản ở nước ngoài, không hạn chế mức 50 triệu đồng hay ít hơn, có nghĩa có là phải kê khai. Việt Nam là thành viên của Công ước LHQ về chống tham nhũng. Trước đây bí mật như ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ yêu cầu nhưng cũng không công bố thông tin. Nhưng với áp lực của Công ước LHQ thì vừa rồi ngân hàng cũng phải cung cấp thông tin cho nên mình không ngại là không lấy được thông tin từ nước ngoài. Tôi cho là người có nghĩa vụ phải kê khai, có tiền, tài khoản ở nước ngoài thì khôn ngoan nhất là kê khai bởi việc phát hiện bây giờ rất dễ. Không khó khăn gì cả.


Kê khai gian có thể mất chức


Ngoài việc công khai, minh bạch bản kê khai tài sản, theo ông, Nghị định 68 tác động thế nào đến việc minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn?


Với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, Nghị định đề ra các chế tài tác động đến việc kê khai tài sản. Trước đây có thể có một số ông rất ngại chuyện kê khai tài sản, rất sợ công khai, người quản lý không có chế tài xử lý. Thì lần này trong Nghị định 68 là có. Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng rất quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có quy định về kê khai tài sản. Có người nói giải pháp này chưa được như mong muốn, chúng tôi cũng thấy thế. Nhưng mình phải làm từng bước. Làm dần và kiên trì thì chắc chắn sẽ làm được.


Liên quan tính trung thực của việc kê khai tài sản, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ nắm được, đã có trường hợp kê khai gian dối và bị phát hiện nào, mức xử lý cao nhất ra sao?


Hình thức cao nhất là mất chức. Ví dụ định bổ nhiệm ông ta nhưng ông không kê khai trung thực là thôi. Cái này tôi nhớ là có rồi. Nhưng tất nhiên là chưa nhiều.

Nhưng để kiểm soát sự trung thực thì công khai bản kê khai tài sản chính là một phương thức. Ví dụ bây giờ tôi làm vụ trưởng, không phải mấy chục anh em đều đồng ý tôi cả, họ có thể, trong hoạt động chưa hiểu nhau, người ta cũng phải săm soi ông vụ trưởng này có chuyện gì không, có thể công việc, đạo đức tư cách không nói nhưng săm soi bản kê khai tài sản. Cho nên với mọi người, nhất là có chức vụ quyền hạn, giải pháp tốt nhất là trung thực trong kê khai.


           Trao giải cho 34 đề án chống tham nhũng
Sáng 17/8, Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) năm 2011 do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ tổ chức đã lựa chọn 34 trong số 60 đề án để trao giải.

Các đề án này sẽ được tài trợ kinh phí thực hiện, tối đa 290 triệu đồng.

Trong số các đề án thắng giải, phải kể đến: Nói "Không" với phong bì trong y tế; Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho học sinh tiểu học; Điều chế vắc xin phòng chống tham nhũng tại Việt Nam...

Linh Thư


Hai bí thư thành ủy và lời hứa chống tham nhũng
Không hẹn mà gặp, Bí thư hai thành phố lớn nhất nước đều được cử tri hỏi về vụ Vinashin, khi hai ông đi vận động bầu cử cuối tuần qua.
 
Chống tham nhũng phải như quét cầu thang
Phát biểu trong phiên thảo luận truyền hình trực tiếp sáng 26/3 về kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói "Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên.
 
Phần Lan giám sát từng quyết định để chặn tham nhũng
Chưởng lý và Thanh tra Nghị viện đều độc lập, được phép điều tra, kiểm tra hoạt động của các thành viên Nghị viện, bộ trưởng hay thậm chí là người đứng đầu nhà nước.