XEM CLIP:

Đó là thực trạng mà hơn 10 hộ dân sống tại khu dân cư tổ 5 (khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) đã trải qua hàng chục năm qua.

Con đường dân sinh rộng chưa đầy 1m, do người dân tự mở phải qua phần đất của trung tâm GDTX tỉnh Quảng Nam là lối đi duy nhất để vào tổ 5. Theo người dân tổ 5, khu vực họ sống hay còn gọi là khu dân cư “5 không”.

Vì nơi đây chỉ cách trụ sở UBND TP Tam Kỳ chừng 500m, tuy nhiên đời sống họ  như bị “bỏ quên” khi không có đường, không nước sạch, không vệ sinh môi trường, nhà cửa không sổ đỏ và không có hệ thống điện đường.

{keywords}
 Con đường nhỏ rộng gần 1m đi qua phần đất trung tâm GDTX là lối đi duy nhất vào khu dân cư tổ 5

 

{keywords}
Hệ thống nước sạch không kéo vào khu dân cư, người dân tổ 5 phải dùng nước giếng để sinh hoạt

Tự hùn tiền kéo đường điện, uống nước giếng

Ông Lê Văn Hòa (65 tuổi, người dân tổ 5) cho hay, cách đây gần 20 năm khu dân cư tổ 5 vẫn có đường đi. Tuy nhiên, từ khi Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chuyển đi, rồi trung tâm GDTX chuyển đến thì bảo vệ ra xây hàng rào, bít lại lối đi.

Qua trao đổi, người dân mới biết con đường họ đi lâu nay nằm trong phần đất của nhà trường. Lúc này, người dân xin nhà trường cho làm tạm con đường tạm để đi lại cho đến nay.

“Do không có đường, nên hệ thống điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, đường điện cũng không thể kéo vào khu dân cư. Vì vậy, chúng tôi phải hùn tiền kéo đường dây điện dài gần 2km để về dùng chung, thay vì được Nhà nước đầu tư trụ điện cách nhà chừng vài chục mét.

{keywords}
 

 

{keywords}
 Là vùng thấp trũng, nước thải nhiều nơi đổ về khu vực tổ 5 khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng

Ngoài ra, nước sạch không kéo được vào khu dân cư, nên hộ nào muốn uống nước sạch thì phải bỏ ra gần 10 triệu để kéo đường ống nước xa gần 150m. Trong khi hầu hết các hộ ở đây dân lao động, không có tiền nên đành phải uống nước giếng đào”, ông Hòa bức xúc nói.

Cũng theo ông Hòa, từ năm 2005 khu dân cư tổ 5 được công bố quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay dự án nhiều lần điều chỉnh quy hoạch khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

“Từ năm 2005-2019, do khu dân cư tổ 5 nằm trong vùng dự án nên chúng tôi không thể làm sổ đỏ, không có sổ đỏ khi làm nhà, nâng nhà chống lụt thì bị chính quyền xuống phạt. Cuối năm 2019, chính quyền lại thay đổi điều chỉnh cho chúng tôi làm sổ đỏ.

Theo thuế đất hiện nay, 1m2 phải nộp 2,5 triệu, làm sổ đỏ mất hơn 500 triệu đồng. Hầu hết người dân ở đây chưa có sổ đó, với số tiền thuế đất như vậy dân chúng tôi lấy đâu ra tiền để làm sổ” - ông Hòa bộc bạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kiều Hưng (người dân tổ 5) cho hay, tổ 5 nằm lọt thỏm giữa các công trình công cộng và các khu phố khác của TP Tam Kỳ khiến nơi này trở đã thành một vùng thấp trũng.

Mùa khô, người dân tại đây hằng ngày phải sống trong mùi hôi thối bốc lên từ các loại nước thải từ các nơi đổ về, nhất bệnh viện nằm kế bên.

Nước thải đen đặc ngấm xuống hệ thống nước giếng khiến nước sinh hoạt có mùi hôi, nhiều phèn.

“Sống ở đây sợ nhất mùa mưa, chỉ một trận mưa lớn toàn bộ nhà của tổ 5 bị ngập hơn nửa mét. Nước lên rất nhanh nhưng xuống rất chậm do khu này không có cống thoát và là vùng trũng. Mùa mưa đến, nhà nào cũng gửi con cái cho ông bà nội ngoại chăm, còn đa phần dọn lên trung tâm GDTX để xin ở”, ông Hưng nói.

Nhiều lần kiến nghị, chính quyền nói gì?

Là người đại diện cho người dân tổ 5, ông Hưng đã nhiều lần viết đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền từ phường, thành phố đến tỉnh. Nhưng nhiều năm nay ông chỉ nhận được thông báo chỉ đạo trên giấy, còn việc làm cụ thể thì vẫn "giậm chân tại chỗ".

“Chúng tôi được thông báo đầu năm 2020 sẽ thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Lần này chắc cũng như những lần trước, xóm 5 không chúng tôi phải tiếp tục chờ, trong khi còn 2 tháng là mùa mưa đã đến”, ông Hưng lo lắng.

{keywords}
 Nhiều lần người dân gửi đơn kiến nghị nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai

Ông Dương Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho rằng, người dân tổ 5 gọi xóm “5 không” là không đúng.

Vì điện, nước khu vực này vẫn có, đường thì người dân đi đường tạm.

“Khu vực tổ 5 là vùng trũng của khu vực nên hay ngập lụt. Mỗi mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cử cán bộ xuống giúp dân đưa đồ đạc lên cao. Năm 2018, khu này lụt lớn, địa phương đã đưa thuyền xuống để đưa vài chục người dân đi”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, năm 2005, thành phố lập quy hoạch chỉnh trang khu dân cư khối phố 11 (Mỹ Thạch Trung). Đến nay đã qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch.

“Chính quyền phường sau khi nhận đơn người dân, xuống kiểm tra và HĐND phường đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị lên thành phố. Chính vì bức xúc người dân, kiến nghị của phường, tháng 10/2019, TP có quyết định thống nhất chủ trương đầu tư và cấp vốn thực hiện trong năm 2020-2021”, ông Tuấn cho hay.

{keywords}
 Vào mùa mưa, nhiều nhà người dân tổ 5 ngập gần 1m

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh cho biết, dự án chỉnh trang khu dân cư khối phố Mỹ Thạch Trung đã có trong kế hoạch thực hiện năm 2020. Toàn bộ hồ sơ của dự án đang được Sở Xây dựng thẩm định, khi được phê duyệt, TP sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án.

"Chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án này trong năm 2020" - ông Ảnh khẳng định.

Ớn lạnh khu dân cư ‘sống chung với hàng nghìn người chết’ ở Đà Nẵng

Ớn lạnh khu dân cư ‘sống chung với hàng nghìn người chết’ ở Đà Nẵng

 Nhiều năm nay, người dân sống tại các tổ 33,21,27,14 của phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chịu cảnh “sống chung với người chết”.  

Lê Bằng