“Đụm cơm lá khoai, đụm cà lá táo” bố mẹ nuôi mình khôn lớn, thế nên mình phải yêu thương, phụng dưỡng bố mẹ mình khi về già tốt nhất - ông Phạm Hải Cảng (SN 1937 Kim Bảng, Nam Giang, Thọ Xuân Thanh Hóa) tâm sự.

Hiếu thảo từ trái tim

Kéo chiếc cửa gỗ cũ kỹ rộng ra, ông Phạm Hải Cảng mời chúng tôi vào căn nhà 3 gian dựng theo kiểu nhà gỗ cổ, sạch và thoáng mát. Ở giữa là bộ bàn ghế băng đơn được đặt gần bàn thờ tổ tiên. Hai bên là hai chiếc giường ngủ được xếp đặt ngay ngắn.

Rót chén nước mời khách, ông Cảng sang bên giường đỡ mẹ là bà Lê Thị Luyến (năm nay 107 tuổi) ngồi dậy cho đỡ đau lừng, rồi cùng nghe con cháu trò chuyện với khách.

Đã 107 tuổi, mắt đã mờ, tai cũng kém theo thời gian, nhưng cụ Luyến vẫn hiểu mọi thứ khi nghe con cháu nói chuyện. So với con trai đầu của mình là ông Phạm Hải Cảng thì cụ Luyến không già hơn bao nhiêu. Ông Cảng nói vui: “Nhiều khi ngồi với nhau, người ngoài không biết lại tưởng là cụ ông và cụ bà”.

{keywords}
Buổi sinh hoạt của Hội Người cao tuổi thôn Phong Lạc 3, xã Nam Giang

Ông Cảng bắt đầu câu chuyện của mình với mẹ trên cả nụ cười là đôi mắt hiền, đầy tình yêu thương trân trọng.

Như bao người phụ nữ khác, cụ Luyến cũng vất vả với ruộng đồng cho tới tận khi con cháu đã lớn khôn. Cách đây vài năm, cụ vẫn còn giúp con cháu băm mớ rau, bèo nuôi lợn. Thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cụ cũng tham gia đi dân công tiếp vận lương thực, làm đường trên nhiều tuyến phía Bắc.

Thời bình là nông dân. Điều kiện sống gia đình cụ Luyến cũng không phải là khá giả, nên ăn uống bình thường như bao gia đình khác.

Tôi không rõ lý do mẹ tôi 107 tuổi vẫn minh mẫn có phải do yếu tố di truyền hay không. Nhưng tôi thấy ngoài môi trường sống trong lành, trong đó yếu tố quan trọng nhất để mẹ tôi trường thọ vẫn là tinh thần lạc quan, vui vẻ của mẹ” – ông Cảng nói.

Nhưng để có tinh thần lạc quan, vui vẻ như ông Cảng tâm sự, không phải gia đình nào cũng có thể có được.

“Trong gia đình chúng tôi có 4 thế hệ, nhưng lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười, trên dưới đoàn kết, yêu thương nhau. Biết mẹ tuổi già nhiều khi trái tính, chúng tôi không hề nói năng gì làm mẹ buồn. Mẹ nói gì đến chúng tôi từ già đến trẻ luông vâng, dạ và động viên mẹ. Chưa bao giờ, chúng tôi để mẹ giận bỏ bữa ăn.

Suy nghĩ của người già quan trọng lắm, nếu họ cứ nghĩ sống lâu sẽ làm ảnh hưởng đến con cháu thì tinh thần các cụ không ổn định. Chúng tôi đều phải xóa đi suy nghĩ đó, không bao giờ làm hay nói điều gì khiến cụ suy nghĩ, dằn vặt” – ông Cảng cho biết.

Sự bình yên trong ngôi nhà của cụ Luyến giữa làng quê đang có nhiều đổi mới như lan tỏa vào tâm hồn chúng tôi.

Trời mùa đông nhá nhem tối, người cháu dâu dừng máy khâu ở gian nhà bên cạnh, cùng mẹ chồng lại gần cụ Luyến bắt đầu công việc thường ngày là hạ màn, bóp chân tay, lau rửa rồi chuẩn bị cho cụ ăn tối trong sự tin yêu, tôn trọng hạnh phúc.

Chiều muộn ở Nam Giang. Những đám có ven thảm bê tông giữa đường làng xanh mướt. Con sông quê lượn lờ trôi. Một cảm nhận bình yên, hạnh phúc từ trong từng nóc nhà, ngõ xóm. Điều dung dị từ câu chuyện của gia đình ông Cảng – đó là tấm lòng giữa những người thân trong đình khiến chúng tôi quên đi cái giá lạnh của ngày đông.

Hơn 100 tuổi vẫn dưỡng sinh

Chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Phong Lạc 3, xã Nam Giang trong rộn tiếng cười nói. Cũng như mọi ngày, đến giờ này là các cụ tổ chức tập dưỡng sinh. Khác với mọi hôm, hôm nay các cụ được mời đến sớm hơn để tổ chức tổng kết sinh hoạt Hội Người cao tuổi (NCT) của thôn trong năm.

Trong số 90 hội viên ở thôn Phong Lạch 3 có cụ Lê Thị Đơ đã 105 tuổi. Theo ông Đoàn Phú Đông (Bí thư chi bộ thôn Phong Lạc 3) thì mấy hôm trước cụ Đơ còn hai tay hai gậy chống để đi sinh hoạt Hội NCT. Nay trời lạnh, để đảm bảo sức khỏe, người con gái Lê Thị Nhiên cõng cụ Đơ đi sinh hoạt.

{keywords}
Cụ Lê Thị Đơ (105 tuổi)

Bà Lê Thị Nhiên cho biết: “Năm nay bước sang tuổi 105, sức khỏe mẹ tôi có yếu đi đôi chút, nhưng tinh thần thì vẫn rất minh mẫn. Việc làng, việc nhà đều nắm rõ. Nhiều khi thấy mẹ già yếu rồi, chúng tôi cũng muốn để cụ ở nhà cho yên tâm, nhưng cụ nhất định đi tham gia sinh hoạt với Hội NCT của thôn”.

Trước khi vào các bài tập dưỡng sinh, các cụ được tuyên truyền về việc sinh hoạt, ăn uống, tập thể dục để giữ gìn sức khỏe.

Việc ăn, việc ngủ, việc sử dụng thuốc nam, thuốc tây được dùng như thế nào cho hiệu quả. Lại có cụ cung cấp những kinh nghiệm sử dụng các loại cây thuốc nam, thuốc tây được dùng như thế nào cho hiệu quả.

Cả kiến thức khoa học, cả kinh nghiệm từ cuộc sống đều được trao đổi nhiệt tình thấu đáo từ những buổi sinh hoạt thế này.

“Mùa đông lạnh rồi, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta sử dụng hội trường của thôn để tập dưỡng sinh hàng ngày” – ông Lê Trọng Thơ, Chi hội trưởng Chi Hội NCT thôn Phong Lạc 3 nhắc nhở các hội viên tại cuộc họp.

Ở Thanh Hóa, vừng đất Thọ Xuân có nhiều nét đặc trưng riêng, đặc biệt là về lịch sử, địa lý, văn hóa. Nhưng để lại nhiều dấu ấn hơn cả là vùng đất có 2 vua (Lê Hoàn, Lê Lợi). Nhiều câu chuyện huyền bí trong đời sống văn hóa của nơi này cũng được nhiều người nhắc đến với những nét linh thiêng, bí ẩn trong đức tin thanh khiết. Như ở Di tích văn hóa lịch sử Lam Kinh – nơi ghi nhiều dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, những cây ổi biết cười, rừng cây đầy sinh khí…

Có người cho rằng, có lẽ đó là một trong những yếu tố tạo nên vùng đất có nhiều người cần mẫn lao động, sống khỏe, trường thọ. Nhưng lại có nhiều ý kiến khác cho rằng, nơi này hội tụ nhiều yếu tố thiên, địa, nhân tạo nên một vùng đất có nhiều người trường thọ nhất xứ Thanh.

{keywords}
Con gái Lê Thị Nhiên cõng cụ Đơ đi sinh hoạt Hội Người cao tuổi

Trò chuyện với PV Tiền Phong, cụ Nguyễn Hữu Châu, Phó chủ tịch Hội NCT huyện Thọ Xuân cho biết: “Theo số liệu thống kê, năm 2014, toàn huyện Thọ Xuân có 118 cụ trên 100 tuổi, 35 cụ tròn 100 tuổi. Những năm gần đây, Thọ Xuân luôn là huyện có số người trường thọ nhất tỉnh. Có ý kiến cho rằng vùng đất này được vua, chúa phù hộ nên có nhiều người trường thọ”.

Nhưng khi đến đây, chúng tôi cảm nhận một trong những bí quyết trường thọ đó chính là lối sống giản dị, lạc quan, gần gũi thiên nhiên mà thế hệ này truyền cho thế hệ khác ở nơi này.

Ông Châu cũng đồng cảm và chia sẻ điều đó. Nhiều vùng đất hình thành nên thói quen giao lưu với nhiều hoạt động của người già để trao đổi kinh nghiệm duy trì cuộc sống khỏe mạnh, có ý nghĩa với gia đình và xã hội. Nhiều cụ chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng các loại thuốc dân gian, gia truyền, chia sẻ về việc tập luyện trí nhớ, hoạt động chân tay kéo dài sự dẻo dai của cơ bắp.

Ngoài ra, so với thời kỳ trước, hiện nay hoạt động của NCT được quan tâm hơn với việc chăm sóc sức khỏe của các tổ chức, các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi được thành lập từ thôn, xã đã thu hút người cao tuổi tham gia tập dưỡng sinh, sẻ chia tâm tư, tình cảm để cuộc sống thêm ý nghĩa.

(Theo Hoàng Lam - Tiền phong Xuân Ất Mùi)