Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Bộ Lao động đã xây dựng xong dự thảo hướng dẫn triển khai thủ tục gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Sau khi nhận được trả lời từ các đơn vị này, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp thu, hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định để địa phương triển khai.

Thứ trưởng LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, tinh thần gói hỗ trợ lần hai sẽ giản lược tối đa thủ tục để người lao động nhận được tiền hỗ trợ sớm nhất.

Riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do, nghị quyết của Chính phủ đã giao các địa phương nên tỉnh, thành cần chủ động làm và toàn quyền quyết định.

{keywords}
Lao động tự do khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, thực tế nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) và tiểu thương. 

Thế nhưng việc xác nhận để chi ngân sách hỗ trợ cho trúng, đúng đối tượng lại không dễ, nhất là khi lao động tự do họ ở nông thôn lên đô thị làm việc không có tạm trú, tạm vắng.

Ông Huân cho rằng, với đối tượng lao động tự do bản thân chính quyền cũng lúng túng, sợ trách nhiệm vì không nắm được người lao động ở đâu, làm gì và có khó khăn thật không. 

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH Nguyễn Thị Hương Lan cũng nhìn nhận, các gói hỗ trợ của nước ta so với nhiều quốc gia phát triển cũng không thua kém gì về mức độ bao phủ, nhưng thực tế doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận. 

Theo bà Hương, để chi được tiền trợ cấp cần có dữ liệu về lao động và việc làm thế nhưng hiện nay vẫn chưa có. Chính quyền lo thất thoát, chi sai đối tượng, nên để người lao động tự do có được xác nhận thất nghiệp và nhận trợ cấp là không dễ.

Do vậy, muộn còn hơn không, qua thực tế lần này ngành lao động nên triển khai hệ thống dữ liệu về lao động phi chính thức, để người lao động dù làm ở bất kể đâu cũng dễ dàng được theo dõi, hỗ trợ khi cần. 

Bà Hương cho rằng, cần giải pháp về miễn trừ một phần trách nhiệm cho chính quyền địa phương, chấp nhận việc họ có thể chi nhầm cho một số ít người, nhưng đảm bảo tất cả người cần đều được hỗ trợ.

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ lao động tự do giao cho chính quyền địa phương xác định là rất phù hợp, sát với thực tế để xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

Ông Chính nêu thực tế, gói hỗ trợ 886 tỷ của TP.HCM đối với lao động tự do là những người bán vé số, xe ôm, bảo vệ… TP đã giao cho phường xác định, UBND phường giao cho tổ dân phố. Sau khi danh sách tổ dân phố đưa lên sẽ được niêm yết công khai, sau 2 ngày không có thắc mắc thì người lao động sẽ được hỗ trợ.

“Có những lao động tự do ở nông thôn lên thành thị thuê nhà không có tạm trú, tạm vắng nhưng thông qua tổ dân phố có ban công tác mặt trận và công an khu vực kiểm tra thông tin từ chủ nhà trọ sẽ lập danh sách đảm bảo chi hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng”, ông Chính dẫn chứng.

Giảm thủ tục rườm rà, người dân dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Giảm thủ tục rườm rà, người dân dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ lần này sẽ rút kinh nghiệm những bất cập ở gói hỗ trợ trước, do vậy sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người lao động và doanh nghiệp.

Vũ Điệp