Rừng lim "máu thịt" trên đèo Hạ My

Căn nhà nhỏ, mộc mạc đơn sơ của gia đình già Triệu Tài Cao (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long, Quảng Ninh) nằm cuối xóm, lọt thỏm dưới chân đèo Hạ My, nơi mà cách đây gần 1 thế kỷ ông đã chọn để an cư lạc nghiệp.

Chất giọng trầm mặc, già Cao kể, trước đây ông và gia đình sống du canh du cư, nơi nào đất cằn cỗi không còn canh tác được thì lại bỏ đi nơi khác.

{keywords}
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của gia đình già Cao nằm lọt thỏm dưới cánh rừng đèo Hạ My

Những năm 60, ông theo bố băng rừng đi đào trầm hương vì lời đồn "trúng trầm là đổi đời".

"Ngày đó bố dẫn anh em tôi lên rừng cùng người dân đào khoét mọi chỗ, rất ít người đào được rễ trầm, còn lại đều trắng tay ra về, nhìn những cánh rừng bị huỷ hoại không tiếc thương mà xót, từ đó tôi quyết trồng lại những cây lâu năm quý hiếm", già Cao tâm sự.

{keywords}
Già làng Triệu Tài Cao với mong mỏi giữ rừng cho con cháu sau này

Đến năm 1969, theo lời kêu gọi của bác Hồ về Tết trồng cây, già Cao đã chọn chân đèo Hạ My để sinh sống và bắt đầu trồng những cây gỗ quý lâu năm.

Những ngày đầu, trên lưng là gùi, trong túi là cơm nắm, già Cao đi khắp đại ngàn để thu nhặt cây con cùng hạt để đem về khu đồi sau nhà trồng.

Đến năm 1980, gia đình già Cao được nhà nước giao quản lý 32ha rừng. Cùng các con trai, già trồng thêm nhiều cây gỗ quý như đinh, lim, sến táu và cây dược liệu thấp dưới tán.

Trải qua hàng chục năm, cây nhỏ mọc thành cây to, rụng hạt rồi mọc cây mới, đến nay cả khu đồi sau nhà đã có tới hàng trăm cây gỗ quý lâu năm.

"Đó là khu rừng "máu thịt". Nhiều thương lái tới hỏi mua lim với giá cao, thậm chí đòi xuống tiền mua hẳn quả đồi nhưng tôi lắc đầu. Nhiều đêm đang ngủ mà nghe thấy tiếng cưa máy của bọn trộm, tôi và các con liền kéo đến chống trả, đổ cả máu mới đuổi được đi. Tiền nhiều mấy tiêu cũng hết, nhưng rừng chặt đi thì tiếc cả đời người. Tôi không muốn con cháu mình chỉ được nhìn cây lim trong sách vở, tivi", già Cao vừa nói vừa chỉ về cánh rừng sau nhà.

{keywords}
Những cây lim cổ thụ sau nhà già Cao

Mặc dù đã đến tuổi bát tuần nhưng già Cao vẫn nhớ như in vị trí từng cây lim mà mình đã tự tay trồng và chăm sóc.

Kế thừa quyết tâm giữ rừng

Là con út trong gia đình, anh Triệu Tiến Lộc thấu hiểu lòng cha khi từ bé đã được dạy dỗ không được phá rừng vì đó cũng là nơi ở của muông thú. Năm 2012, 32ha rừng lim cổ thụ được già Cao chia cho 5 người con trai, đến nay không cây nào bị chặt bỏ. Được giao trọng trách chăm sóc bố nên anh Lộc được chia gần 10ha rừng lim quý.

{keywords}
32ha rừng lim cổ thụ chưa từng bị chặt hạ một cây nào

Hàng ngày đi làm về, anh tranh thủ đi tuần một vòng để kiểm cây. Trên con đường dẫn tới đỉnh đồi, anh không ngừng kể về quá trình giữ rừng và vị trí những cây lớn. Hiện tại, khoảnh rừng của anh có hơn 300 cây lim cổ thụ kích thước phải hai người ôm mới xuể.

Bên dưới tán, gia đình trồng thêm các cây thảo dược, cây kinh tế ngắn ngày để bán kiếm thêm thu nhập.

"Nhiều người khuyên gia đình tôi bán bớt cây để có tiền sửa sang nhà cửa cho đỡ tuềnh toàng nhưng tôi thấy cuộc sống đã đủ chi tiêu, không thể bán kỷ vật của bố để lại. Nhiều người thấy vậy bảo tôi dại, tôi mặc kệ, sẽ giữ rừng đến hơi thở cuối cùng", anh Lộc nhoẻn miệng cười.

{keywords}
Anh Lộc cùng cây lim cổ thụ 

 

{keywords}
Hiện tại khu rừng có hơn 300 cây lim cổ thụ

Năm 2018, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã không khỏi bất ngờ khi ghé thăm khu rừng. Ông ngưỡng mộ khi một gia đình sống ở nơi hẻo lánh, kinh tế còn khó khăn mà không đốn hạ, trái lại còn tìm mọi cách tái sinh rừng.

{keywords}
Nhiều thương lái tới hỏi mua nhưng già Cao đều từ chối

 

{keywords}
Quyết tâm giữ rừng được truyền từ đời này qua đời khác của dòng họ Triệu
{keywords}
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tới thăm cánh rừng của gia đình già Cao

Đến nay, toàn khu rừng gia đình già Cao đã được khoanh vùng để bảo vệ nguồn gen quý của các cây lâu năm. UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt thành điểm du lịch sinh thái không mất phí cho những du khách yêu thiên nhiên tìm tới trải nghiệm.

Trầm trồ nhà trăm cột, phủ thờ trầm mặc độc đáo miền Tây

Trầm trồ nhà trăm cột, phủ thờ trầm mặc độc đáo miền Tây

Những ngôi nhà cổ xưa ở miền Tây được xây từ hàng trăm năm, nhưng đến nay vẫn gần như giữ nguyên vẹn kiến trúc xưa.

Phạm Công