- Một đợt kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1,2 triệu văn bằng phát hiện 6.870 lượt người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Chuyện học giả bằng thật là điều cần ngăn chặn, lên án nhưng dẫu sao cũng còn đi học. Cái đáng trách không học mà vẫn có bằng và dùng bằng giả để tiến thân.

Giữ ghế, đảm bảo "biên chế"

Gần đây dư luận bàn tán nhiều về một loạt các quan chức sử dụng bằng giả. Các thống kê cho thấy đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị rất đáng báo động. Nạn bằng giả lan tràn khắp nơi, ở mọi cấp học. Nguy hiểm hơn là ở bậc đại học và sau đại học bởi ở bậc này, người ta dùng bằng giả để tiến thân.

Một đợt kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1,2 triệu văn bằng đã phát hiện 6.870 lượt người sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Cụ thể, có 2.057 cán bộ, công chức sử dụng văn bằng giả; 5.368 sinh viên, học sinh sử dụng văn bằng bất hợp pháp… và đối tượng sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp phần lớn là cán bộ, công chức hoặc cá nhân có nhu cầu học những lớp tại chức, chuyên tu, bổ sung nghiệp vụ chuyên môn... Rõ hơn là cá nhân đó phải có bằng cấp để "hợp thức hóa" việc thăng chức nâng lương, giữ vững "cái ghế", đảm bảo "biên chế" về sau…

Gần đây dư luận cũng đã cảnh báo về một loạt các quan chức cấp cao dùng bằng giả. Một ông phó bí thư thường trực tỉnh ủy một tỉnh có bằng tiến sĩ chỉ sau 6 tháng "đào tạo"; tân chủ tịch tỉnh và tân phó chủ tịch tỉnh vốn là "dân tại chức" dùng bằng thạc sĩ và tiến sĩ dỏm một cách "hồn nhiên" (điều đáng nói là ông phó chủ tịch tỉnh có bằng tiến sĩ dỏm đã là đại biểu Quốc hội và là ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội); giám đốc Sở Y tế có bằng thạc sĩ chỉ sau 40 ngày “học”; một trường đại học quốc gia liên kết với trường ngoại dỏm để cho ra lò 300 bằng thạc sĩ, tiến sĩ v.v…

Cụ thể như ông giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch một tỉnh trung du có bằng tiến sĩ của Mỹ nhưng một câu tiếng Anh bẻ đôi không biết; một vị thứ trưởng chưa hề nhận bằng tiến sĩ (mới học qua chương trình dự bị) cũng ghi tên mình lên danh thiếp là tiến sĩ…

Nạn bằng giả xuất phát từ cách sử dụng cán bộ, chạy theo hư danh, lấy chuyện bằng cấp sắp xếp các vị trí... Ảnh minh họa: Minh Thăng

Ở nước ngoài, bằng giả là chuyện động trời. Ngay cả làm luận án mà đạo cũng xử lý rất nghiêm. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg, phải từ chức ở tuổi 39 và trên đỉnh cao sự nghiệp khi người ta phát hiện ra ông đạo văn trong luận án tiến sĩ (thật) của mình.

Tại Mỹ, bà Laura Callahan tự nhận là có 3 bằng cấp, trong đó bằng cấp gần nhất là tiến sĩ lấy được từ một trường giả là Hamilton University có địa chỉ ở Wyoming. Bằng này đã giúp bà có được vị trí vụ trưởng trong Bộ An ninh nội địa. Sau khi bị phát hiện, bà Laura Callahan ngay lập tức bị đình chỉ, sau đó bà bị buộc phải từ chức.

Phải coi là quốc nạn

Nạn bằng giả thể hiện rất nhiều mặt yếu kém của cả cá nhân và xã hội.

Đối với xã hội là sự yếu kém về quản lý, kỷ cương lỏng lẻo. Đối với cá nhân là tham quyền, tư tưởng muốn vượt lên trên người khác bằng sự giả dối, lừa bịp. Còn riêng đối với ngành giáo dục, nó làm vẩn đục môi trường, kéo lùi chất lượng, tạo sự bất bình đẳng giữa người dốt và người thực tài…

Vấn nạn này làm xói mòn niềm tin đạo đức, băng hoại các giá trị, là quốc nạn kéo lùi sự phát triển.

Nó cũng là một dạng biểu hiện của tham nhũng. Tham nhũng về chức tước, địa vị xã hội và đây cũng thực chất là đánh cắp ghế, tiền bạc của xã hội. Đáng ra với cương vị ấy phải những người đạt trình độ ấy nhưng vì không thể đạt được mà phải dựa vào bên ngoài. Lấy cái giả che đậy cái thiếu hụt của mình. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến công việc bởi không có trình độ tương ứng để giải quyết công việc nên thường chắp vá, không dám chịu trách nhiệm, không dám tự quyết... Và khi xã hội được điều hành bởi những thứ giả thì cũng sẽ sản sinh ra sản phẩm tương tự.

Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan khách quan, song lý do khách quan rất rõ. Nó xuất phát từ cách sử dụng cán bộ, chạy theo hư danh, lấy chuyện bằng cấp sắp xếp các vị trí, đưa vào nguồn. Gần đây đến nỗi một địa phương qui định phấn đấu trong khoảng thời gian nhất định phải “chuẩn hóa” các chức danh bằng học hàm học vị. Chính từ những qui định, qui chế đó mà sinh ra phong trào học ngoại ngữ, phong trào học vi tính, phong trào học tại chức…Cá nhân phấn đấu, cơ quan phấn đấu đến các tỉnh thành cũng phấn đấu. Vì thế nhiều năm qua các lớp liên kết đào tạo mở ra như nấm.

Tất nhiên việc học, ham học là đáng quý. Nhưng cái đáng nói ở đây là học không phải vì thiếu kiến thức để làm việc, học để hiểu biết mà học chỉ để “được đề bạt”, để được làm quan, để cho có “mác” hòng “dương oai” với thiên hạ.

Chuyện học giả bằng thật là điều cần ngăn chặn, lên án nhưng dẫu sao cũng còn đi học. Cái đáng trách là không học mà vẫn có bằng và dùng bằng giả để tiến thân. Một khi đã dám dùng bằng giả để tiến thân thì đó chính là thái độ sống giả dối, thiếu đạo đức, thiếu liêm sỉ.

Ở ta, vấn nạn bằng giả tràn lan song thái độ xử lý của các cơ quan chức năng không kiên quyết, chỗ chặt chỗ không dẫn đến không có tác dụng răn đe. Bởi suy cho cùng, khi không kiên quyết, hành vi không được xử lý là tạo cho mầm giả dối mọc lên và vươn rộng.

Nếu không kiên quyết hoặc “nhẹ trên nặng dưới” trong những trường hợp cụ thể mà dư luận đã lên tiếng sẽ có tác dụng tiêu cực. Một thái độ kiên quyết, một cách xử lý nghiêm sẽ hơn hàng trăm mỹ từ tốt đẹp, triệt đất sống của bằng giả.

Nguyễn Đăng Tấn