- Gần trưa, xuất hiện 2 tên địch đến gần, ông Sơn và một người tên Hiếu bất ngờ nổ súng. Loạt đạn bắn ra, một tên địch tử trận ngay tại chỗ, riêng một tên khác chạy thúc mạng về đồn...

Chiến tranh đã lùi xa. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ trở lại cuộc sống đời thường. Vậy nhưng, ký ức trong ông về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội đấu tranh ác liệt bảo vệ quê hương vẫn còn vẹn nguyên.

Tìm đến xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành) hỏi nhà ông Ba Ngay (tự Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, SN 1940) - con người đất lúa Hậu Giang đôn hậu), gặp ai cũng chỉ đường rất nhiệt tình. 

Giác ngộ cách mạng

Ấn tượng với biệt danh, tôi hỏi ngay từ lần đầu gặp thiếu tướng, 2 từ Ba Ngay nghĩa là gì? Ông cho biết, biệt danh này do đồng đội đặt cho khi còn ở trong chiến tranh: “Ngay là “đánh giặc, đơn vị rút không hay, vẫn chỉ huy hai đồng chí tiếp tục chiến đấu, bắt hai tù binh và thu 4 súng…”.

Ông Ba Ngay được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha đẻ là ông Lê Văn Dụ từng giữ Trưởng ty Công an tỉnh Rạch Giá (ngang GĐ Công an tỉnh bấy giờ - PV). Từ những năm 1955, cha ông phải hoạt động bí mật ở Sài Gòn – Chợ Lớn, sau đó bị địch bắt giam cầm và đến 1960 thì được thả tự do.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giữa đời thường - (Ảnh: Quốc Huy)

Cha ông được thả về nhà, ngày đoàn viên sau bao năm xa cách, ai cùng mừng khôn xiết: “Những ngày được sống bên cha, người thường dạy bảo tôi là “nước mất thì nhà tan”, còn giặc xâm lược thì gia đình chưa thể sum họp trọn vẹn con ạ” – ông Ba Ngay nhớ lại.

Không lâu sau, gia đình Ba Ngay phải sơ tán, lưu lạc mỗi người một nơi. Thêm vào đó, chồng cô Bảy (Dượng Bảy) của ông Ba Ngay làm Chủ tịch UBND xã Thị Liễu (huyện Gò Quao) bị địch bắt treo cổ lên cây tra tấn, dùng súng bắn xối xả chết tức tưởi.

Hơn bao giờ hết, ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, người thanh niên Lê Thanh Sơn đã ý thức phải góp sức mình bảo vệ người thân, vùng đất quê hương yên bình đang bị kẻ thù giày xéo.

Từ những năm 1959 – 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khủng bố trắng trợn, “giết nhầm hơn bỏ sót”, lê máy chém khắp miền Nam. 

Nhà ông thời đó ở gần ngay đồn bốt của địch, hàng ngày chứng kiến bọn địch đi vào kinh Mới, xã Trường Long (huyện Phong Điền) xả súng, tàn sát 6 người dân vô tội. Tất cả người dân trong vùng hết sức phẫn nộ, kéo nhau ra đồn Vàm Bi đấu tranh. Lúc này ông Sơn cùng 6 thanh niên khác, xông đến gặp lính ở đồn Vam Bi đối chất.

“Chúng nó nói: Mày đi đâu? Không được tham gia đấu tranh, tao bắt mày. Tôi nói: Các ông bắn dân chết, tôi ra coi các ông có bồi thường cho dân không? Tôi đâu có tội tình gì mà các ông bắt tôi” – ông Sơn nhớ lại.

Từ những lần như vậy, người thanh niên Lê Thanh Sơn đã giác ngộ và xin vào hàng ngũ du kích của xã Trường Long. Trước đó, một lần ông Sơn xin vào nhập ngũ nhưng bị chỉ huy bộ đội “chê nhỏ”.

Sau 1 tháng gia nhập vào đội du kích của xã, ông chính thức được làm Tiểu đội trưởng tiểu đội du kích.

Nói thật là tôi rất thích đánh du kích. Vì lực lượng mình không cần đông, ngụy trang tốt thì phục kích giết giặc gọn lẹ lắm” – ông Sơn nhớ lại.

Trận đánh tiền thân của một vị tướng

Trước sự lùng sục gắt gao, bắt bớ của kẻ địch, đích thân tiểu đội tưởng Lê Thanh Sơn chỉ huy trận đánh đầu tiên cùng 2 chiến sĩ phục kích ở rạch Trà-ết, chờ toán lính từ đồn Vàm Bi đi tuần hướng ra Phong Điền.

Trong tay ông mang theo 2 khẩu súng (1 cácbin, 1 trường mát) ra sát bờ kinh. Cả 3 người leo lên cây gừa de thẳng ra bờ sông nằm im quan sát. 

{keywords}
Luật 10/59, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam - Ảnh: Quốc Huy chụp tại Bảo tàng Cần Thơ 

Gần trưa, xuất hiện 2 tên địch đến gần, ông Sơn và một người tên Hiếu bất ngờ nổ súng. Loạt đạn bắn ra, một tên địch tử trận ngay tại chỗ, riêng một tên khác chạy thúc mạng về đồn Vàm Bi (huyện Phong Điền, Cần Thơ).

Trận đánh đầu tiên diễn ra nhanh chóng, chiến lợi phẩm thu được là một khẩu súng cácbin. Chiến thuật đánh du kích, nhỏ lẻ, hiệu quả mà sau này được áp dụng rộng rãi.

“Đó là kỷ niệm đầu tiên trong cuộc đời cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương. Một ký ức sâu sắc không thể quên khi chân ướt chân ráo tham gia cách mạng” – Thiếu tướng Sơn hồi tưởng

Ông cho biết, đồn Vàm Bi được quân địch đóng đồn bốt ở ngay ngã 3 đường, gồm 2 trung đội (60 tên địch). Để đánh bại đồn Vàm Bi, đội du kích xã Trường Long đã phối hợp nhịp nhàng với phong trào quần chúng nhân dân nổi dậy.

Giữa năm 1960, ông trực tiếp chỉ huy cùng quần chúng nhân dân đánh vào đồn Vàm Bi. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng du kích xã Trường Long được hậu thuẫn, chiến đấu bằng sức mạnh tổng hợp, vận động gia đình binh sĩ bức rút đồn địch, địch hoang mang bỏ chạy.

“Trận đánh này ta thu được 20 khẩu súng, bắt gọn 2 tên địch. Cả 2 trận đánh đều dùng mẹo là chủ yếu, vì vũ khí mình chưa được trang bị và chủ yếu là đánh cướp của địch để sử dụng” – ông Sơn nhớ lại

Trong một trận đánh khác, một lần từ cơ sở báo lên ở đồn Vàm Bi có một trung úy đi về hướng Phong Điền. Đích thân ông bí mật phục kích, dùng súng Colt 12 ly hạ một trung úy và thu 1 khẩu súng.

Cuối tháng 12/1960, ông Lê Thanh Sơn vinh dự được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi - chỉ gần 1 năm tham gia du kích xã.

Đây là bước đệm đầu tiên để ông trở thành vị chỉ huy Đại đội 23, rồi làm chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Tây Đô I. Sau khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trở về, năm 1978 ông Lê Thanh Sơn chính thức được phong hàm Thiếu tướng.

Quốc Huy

(còn nữa)