"Ma lai", "thuốc thư" dù chỉ là thứ huyễn hoặc nhưng nó vẫn tồn tại âm ỉ trong tâm trí của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Nhiều người trở thành nạn nhân của hủ tục này khi bị đánh thương tích, tử vong hoặc bị hắt hủi phải bỏ làng mà đi, sống trong rừng như con thú hoang. Loạt bài dài kỳ này, chúng tôi đề cập đến hủ tục và tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống của người dân, mong góp tiếng nói chung tay xóa bỏ nó khỏi đời sống xã hội.

Giết người để chặn… "thuốc thư"

Cuối tháng 8/2015, vụ án giết người rồi vứt xác xuống sông để phi tang xảy ra ở buôn Djet (xã Chư Ngọc, H. Krông Pa, Gia Lai) gây chấn động dư luận. Sự việc bắt đầu âm ỉ từ 4 năm trước, khi trong một lần xảy ra mâu thuẫn, Kpă Phu (1973, trú buôn Djret, xã Chư Ngọc, H. Krông Pa) vung rựa chém vào cầu thang nhà bà Kpă H'Nhưng (mẹ của anh Kpă Vaih) ở cùng buôn. Theo phong tục của người Gia Rai bản địa, điều đó là tối kị, vì chém vào cầu thang, lối đi lên nhà sàn là xui xẻo. Từ sự việc này, giữa 2 gia đình xảy ra mâu thuẫn nên được trưởng thôn, dòng họ hai bên giảng hòa và Kpă Phu hứa không tái phạm.

{keywords}

Nay H'Yêir mất chồng - Kpă Phu chỉ vì hủ tục "ma lai", "thuốc thư".

Chuyện tưởng chừng sẽ nguôi ngoai, thì đến khoảng tháng 3/2015, Nay H'Yêr (vợ Kpă Phu) trong một lần nói chuyện đã vô tình ba hoa: "Đến tháng 7, tháng 8/2015, người làng không phải đi làm cỏ mì nữa, mà đến nhà Kpă Vaih có việc". Ai ngờ, đến tháng 7/2015, Kpă Vaih bị căn bệnh xơ gan hành hạ, sức lực suy kiệt, đau yếu nên không đi làm được và phải đi bệnh viện chữa trị. Bệnh thì đã rõ, nhưng gia đình Kpăh Vaih cho rằng "cái miệng vợ của thằng Kpă Phu độc như con rắn" và nó biết "thư" người nên tìm đến bắt vạ gia đình Kpă Phu. Xơ gan, không được phát hiện, điều trị kịp thời nên ngày 21/8, Kpă Vaih tử vong nên việc nghi ngờ gia đình Kpă Phu và vợ là Nay H'Yêir có "thuốc thư" càng như mồi lửa dấy lên trong lòng dân làng.

Chiều 24/8, trong bữa rượu đám ma Kpă Vaih, Kpă Phu ngồi uống với Nay Loang (1990) và Nay Rim (1968, cùng trú buôn Djret). Phu rót một chén rượu mời Loang nhưng Loang đổ xuống đất vì sợ bị Phu… bỏ "thuốc thư". Cho rằng Loang xem thường mình, Phu lớn tiếng trách móc và 2 người xảy ra mâu thuẫn. Phu dọa: "Mày coi chừng chết đó!" thì Loang hỏi lại: "Anh đánh em à?". Phu lẳng lặng uống rượu rồi trả lời: "Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết!".

Câu nói của Phu ám ảnh Loang mãi, dù không biết hình thù "thuốc thư" nó như thế nào, nhưng Loang cho rằng vợ chồng nhà Kpă Phu biết làm "thuốc thư", nói "thư" ai người đó sẽ chết. Thế nên, từ lúc đó Loang nảy sinh ý định sát hại Phu và gia đình để không "thư" mình. Tàn bữa rượu, Loang rủ anh Phu cùng Ksor Cheo (1974, trú buôn Djret) ra chân cầu Tóa Lóa (trên tuyến QL25), bảo đốt lửa chờ Loang đi bắt gà, mua rượu về nhậu tiếp. Bất ngờ, Loang lấy đá đánh nhiều cái vào đầu khiến Phu tử vong, sau đó chở đến vứt xuống sông Ba để phi tang rồi tiếp tục cùng Cheo đi uống rượu. Ngày 27/8, CAH Krông Pa phối hợp với Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh Gia Lai đã bắt giữ Nay Loang và Ksor Cheo.

{keywords}

Căn nhà ông Hnhiêu và con trai bỏ hoang sau khi 2 người bị đánh chết vì nghi có "thuốc thư".

Những câu chuyện buồn khác

Cách đây hơn 8 năm, tại làng Đắc Jă (xã Đắc Jă, H. Mang Yang, Gia Lai) xảy ra vụ án đau lòng khi 3 người bị sát hại và hung thủ không ai khác chính là những thanh niên ở trong làng. Ngày 11/3/2007, hàng chục thanh niên hóa trang bằng phẩm màu và dùng mũ len trùm mặt, cầm hung khí đánh chết Duân (1978), Kel (1980) và ông Hnhiêu (1931, bố Kel).

Qua điều tra xác định, Duân và Kel là 2 thanh niên quậy phá, dù già làng H'Ni đã nhiều lần nhắc nhở, khuyên răn nhưng cả hai không nghe mà còn đe dọa... giết cả già làng. Một thời gian sau, già H'Ni chết vì già yếu, đau ốm lâu ngày.

Nghi ngờ về 2 kẻ phá làng, phá xóm đã "thuốc" chết già làng H'Ni nên người dân mời thầy mo về tìm kẻ giết hại già làng. Sau một hồi cúng bái, thầy mo chỉ vào Duân và phán: "Đây chính là kẻ thư chết già H'Ni!". Từ đó, Duân bị gán tội nuôi con "ma lai", làm "thuốc thư" hại dân làng nên mâu thuẫn âm ỉ rồi bùng phát thành án mạng tang thương.

{keywords}

Làng Đắc Jă giờ đã bình yên sau nhiều biến cố đau lòng từ hủ tục "ma lai", "thuốc thư". (Trong ảnh: Thanh niên làng Đắc Jă đánh bóng chuyền)

Năm 2007, một vụ án đau lòng khác cũng đã xảy ra tại làng Ka (xã Ia Tiêm, H. Chư Sê), bắt đầu từ việc ông Kpă Nhuk phát hiện có 1 củ rừng lạ tại ruộng nhà anh Kpă Ven (1963, trú làng Ka) nên nghi đây là thứ làm nên "thuốc thư". Lời đồn ác truyền nhanh trong làng, người già như mờ lý trí để đám thanh niên kéo đến nhà Kpă Ven đánh đập, tra khảo Ven và yêu cầu chỉ chỗ cất giấu cái gọi là "thuốc thư". Mặc cho anh Ven khẳng định không biết "thuốc thư" là cái gì, hình dạng như thế nào nhưng một số thanh niên vẫn tiếp tục đánh đập gây thương tích nặng và anh Ven tử vong vào ngày 24/2/2007.

Cuối năm 2014, vì nghi ông Đinh Hi (61 tuổi, trú làng Quel, xã Sró, H. Kong Chro, Gia Lai) có "thuốc thư", Đinh Điếch và Đinh Gên đã đánh chết ông Hi, sau đó cùng một số thanh niên trong làng đưa thi thể ông Hi bỏ xuống gầm cống ở suối Chơ Brai. Chỉ đến khi cháu Đinh Thị Blep (cháu ruột ông Hi) phát hiện thi thể ông Hi thì sự việc mới được làm sáng tỏ. Quá trình điều tra, Đinh Điếch và Đinh Gên cùng các đối tượng liên quan đã lần lượt đến đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trên đây là những câu chuyện buồn mà hậu quả của hủ tục "ma lai", "thuốc thư" để lại. Nó gây ra nỗi đau kéo dài trong cộng đồng làng bản. Thế nhưng, với nhận thức hạn chế mà hủ tục này vẫn âm ỉ tồn tại trong cộng đồng người dân ở nơi đại ngàn này.

(Theo Báo Công an Đà Nẵng)