- Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho hay, có thành viên ủy ban của QH gần như không dự một cuộc họp ủy ban nào trong suốt nhiệm kỳ nhưng cũng không làm sao cả.


“Tôi từng theo số đông”

Theo ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, tỷ lệ tái cử trong nhiệm kỳ QH khóa XII là 29%. Gần đây, tỷ lệ tái cử đều dưới 30%, đa số ĐBQH là người mới.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ứng viên có thể rất giỏi trong lĩnh vực của mình nhưng lần đầu vào QH, phần lớn chưa biết công việc thế nào. Ngay những kỳ họp đầu tiên họ đã phải bắt đầu quyết định những việc quan trọng của đất nước như bầu nhân sự, xem xét kế hoạch 5 năm, làm luật...

Tôi cũng vậy, lần đầu vào QH, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, mọi việc quá mới mẻ. Khi đó tôi có xu hướng thuận theo dự thảo, tờ trình hoặc là theo ý kiến của số đông. 

Cái khó ở đây là ĐB được bầu theo nhiệm kỳ nhưng hoạt động của QH là liên tục, nối tiếp, buộc phải có tính kế thừa. Chỉ chưa đến  30% ĐB khóa cũ tái cử thì chất lượng các kỳ họp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng vì  đa số chưa thể bắt nhịp ngay được..

Ở nhiều nước, họ khắc phục bằng cách cứ 2 năm lại bầu lại 50% nghị sỹ, cho nên lúc nào trong thành phần tham gia cũng giữ được tối thiểu 50% người cũ. Như vậy có tính kế thừa và liên tục.

Ông còn nhìn thấy những hạn chế nào?

- Theo dõi các nhiệm kỳ gần đây dễ thấy vào những kỳ đầu tiên, ý kiến phát biểu kém sắc sảo.

Trừ những ĐB đang công tác tại các cơ quan QH hay chính phủ, thì đa số ĐB kiêm nhiệm  là công chức, viên chức như giám đốc, cô giáo, bác sĩ. Họ hoàn toàn lạ lẫm và mới mẻ với hoạt động QH. Và cũng không có một trường lớp nào đào tạo ra ĐBQH cả.

Theo tôi cần  phải có một tỷ lệ tái cử ít nhất là 40%- 50%, có nghĩa là đa số các ứng cử viên lần phải đủ điều kiện công tác hơn mộm nhiệm kỳ (ĐB đương nhiệm tái cử cũng có một số trường hợp không trúng).

Hoạt động QH phải liên tục. Bởi QH quyết định những vấn đề dài hạn. Ví dụ như khóa này phê duyện dự án nhà máy điện hạt nhân với một số quan ngại nhất định. Nhưng đến khóa sau, khi bắt đầu xây dựng nhà máy, công việc giám sát vẫn phải tiến hành một cách nhất quán. Hoặc, nhiều dự án chưa thông qua như đường sắt cao tốc. Thì đến khi Chính phủ trình ra ở nhiệm kỳ sau, QH cũng phải nắm được lý do vì sao khóa trước không đồng ý, cần bổ sung những điều gì để có quyết định chính xác.

Việc chọn đại biểu tái cử dựa trên tiêu chí nào?

- Theo cơ cấu. Có nghĩa là hội nghị hiệp thương ở TƯ đưa về địa phương một cơ cấu, thành phần nhất định, trong đó nói rõ số tái cử để địa phương lựa chọn phương án. Tôi không biết họ căn cứ vào đâu vì không có quy định nào về số lượng hay điều kiện tái cử cả. Không có quy định pháp luật nào về số tái cử bao nhiêu %, cũng không có quy định người như thế nào được hay không tái cử.

Chỉ số đo lường đại biểu

Khi tiếp tục tái cử khóa XI sang khóa XII, có ai giải thích với ông lý do vì sao ông chứ không phải người khác tái cử?

- Tôi và chị  Bạch Mai tái cử là do tỉnh chọn trên cơ sở cơ cấu trung ương đưa về. Lần này họ cũng đưa về 2 suất tái cử nhưng tôi không được giới thiệu do còn phải đảm bảo các cơ cấu khác như tỷ lệ nữ.

Dự kiến tỉnh Tây Ninh khóa này chỉ một người tái cử.

ĐB Nguyễn Đình Xuân trong 1 lần đi thực tế ở Quảng Ninh.

Đó là do hiệp thương giới thiệu. Hiện chưa có sự đánh giá mang tính  định lượng về hoạt động ĐB.

Ngay cả việc họ biểu quyết thế nào cử tri cũng không biết. Ví dụ, họ tán thành, phản đối cái gì trong số những điều đã được bàn, có hành động đúng theo những gì mà cử tri gửi gắm không. Để có thể định lượng, phải có tiêu chí được pháp luật quy định. Chẳng hạn, ĐB phải đóng góp tích cực cho QH, nên thể hiện qua một chỉ số nào đấy. Ví dụ như phát biểu bao nhiêu lần, đã đóng góp bao nhiêu sáng kiến được QH tiếp thu.

Hay là ĐB đã giải quyết được bao nhiêu khiếu nại của dân, tiếp dân bao nhiêu lần. Tham dự bao nhiêu % cuộc họp. Đó là những con số, mà những con số phải được thống kê liên tục, đưa cho dân biết.

Vì tất cả những gì diễn ra tại QH đều được ghi biên bản, ghi âm, lưu trữ nên văn phòng QH hoàn toàn có thể công bố.

Có thể làm được điều đó theo cách nào?

- Cử tri bầu ra ĐB thì có quyền giám sát.  ĐB phải chịu trách nhiệm trước cử tri.

Nên cần những con số công khai. ĐB không thể vắng mặt nhiều quá,  ít nhất cũng phải tham dự 80-90% các cuộc họp.

Hay là ĐB này trong 5 năm chỉ phát biểu 1 – 2 lần. Cử tri được quyền hỏi tại sao không phát biểu. Chưa kể còn phải đánh giá chất lượng, nội dung phát biểu nữa chứ.

Khi đã có các thông tin đó, cử tri có quyền cân nhắc xem là có thể tiếp tục bầu người đó để họ được tiếp tục tái cử hay không. Và kể cả người giới thiệu, họ hiệp thương họ giới thiệu nữa hay không.

Vậy ai sẽ đo lường các chỉ số và công bố thông tin cũng như chịu trách nhiệm?

- Văn phòng QH chẳng hạn, họ sẽ công bố con số đó. Còn tương quan để đánh giá chính là cơ quan hiệp thương giới thiệu, ủy ban  MTTQVN, họ có quyền tham khảo những con số đó để lựa chọn ai sẽ được tái cử tiếp.

Những người tái cử vừa qua có thực sự là người xuất sắc nhất không?

- Nhiều người hoạt động là tốt, ví dụ  ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết...Trước đây có những người tái cử nhiều lần như bà Hoài Thu, ông Vũ Mão...

Pháp luật không giới hạn độ tuổi cũng như số lần tái cử. Theo luật pháp, công chức thì cần có tuổi nghỉ hưu, nhưng đại biểu QH nếu  không phải là công chức thì không có giới hạn quy định tuổi. Thực tế, có những đại biểu hơn 80 tuổi.

Nhưng cũng không thể nói rằng những người có nhiều đóng góp sẽ được tái cử hay những người ít đóng góp sẽ không được tái cử. Cũng dễ hiểu khi nhiều người ưu tiên thời gian và sức lực cho công việc chính của mình, nơi mà họ vẫn đang hưởng lương, làm việc phần lớn thời gian và còn thăng tiến lâu dài chứ không chỉ vài năm như nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Theo cảm nhận của ông thì từ khóa 11 sang khóa 12 gần 30% đại biểu tái cử thì khóa cũ họ có thực sự tạo ra được không khí, là những người đi trước truyền nghề cho những người mới vào làm quen với công việc hội trường không ?

- Những phiên họp đầu tiên thì số lượng ĐB cũ phát biểu nhiều hơn. ĐB mới thì có một số người tương đối là rụt rè và cũng chưa mạnh dạn lắm, nhưng đến kỳ họp thứ 3, thứ 4 thì  họ dần quen.

Lúc tôi trúng cử đại biểu QH, tôi cũng chưa hình dung ra tôi phải làm gì, những công việc gì, gần như không biết gì hết. Trước khi vào QH tôi ít theo dõi QH vì lúc đó không truyền hình trực tiếp như bây giờ. Nhưng khi biêt tin trúng cử thì mình phải quan tâm tìm hiểu các thông tin  cộng thêm trải nghiệm thực tế.

Với ĐBQH, mọi thứ đều là tự giác, chưa có chế tài nào cho ĐB vắng họp hay lười phát biểu cả. Có người được bầu là thành viên ủy ban của QH mà gần như không dự một cuộc họp ủy ban nào trong suốt nhiệm kỳ cũng không làm sao cả.

Cho nên, nếu chọn phải người không có tâm huyết, nhiệt tình thì cũng dễ lâm vào cảnh gật gù, hay nói kiểu ầu ơ cho qua chuyện, lãng phí thời gian, tiền của của nhân dân.

  • Lê Nhung