Ngày 19/10, lãnh đạo 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu gồm: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, họp trực tuyến hội nghị liên kết, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}
TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp liên kết, hợp tác trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế các tỉnh Nam sông Hậu 

Hội nghị nhằm tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh Nam sông Hậu, kịp thời tìm ra tiếng nói chung để cùng phát huy lợi thế sẵn có, khắc phục hạn chế, bất cập và vượt qua khó khăn, thách thức, giải quyết kịp thời những phát sinh trong thực tiễn có tính chất kết nối vùng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Hội nghị thảo luận ở các lĩnh vực gồm: Y tế; nông nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; lao động, việc làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, cho rằng, hội nghị này rất quan trọng, vì các địa phương đã trải qua thời gian dài giãn cách xã hội. Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, từng bước chuyển mình.

Ông Lâm Minh Thành đề xuất các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ, bởi lẽ Nghị quyết này đã lấy ý kiến rất nhiều lần các bộ, ngành, địa phương. 

"Kinh nghiệm là chúng ta không nên cát cứ nữa. Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, nếu mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành quy định thì chắc chắn là chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cho cái chung. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 và các hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, tôi nghĩ sẽ tốt hơn", ông Thành nói.

{keywords}
Điểm đầu cầu Kiên Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành phát biểu 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các địa phương phải căn cứ vào quy định hiện hành để tiếp tục kiểm soát dịch.

Ông Thành cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp cụ thể. Theo đó, ở lĩnh vực y tế, ông đề nghị các tỉnh cần chia sẻ thông tin về cấp độ dịch.

“Nếu 7 tỉnh, thành không thống nhất việc đánh giá cấp độ này thì chắc chắn việc qua lại, giao thương hàng hóa, đi lại của người dân rất khó”, ông Thành nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất, phải chia sẻ thông tin về tình hình cấp độ giữa các tỉnh, thậm chí ở cấp huyện, xã giáp ranh; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch.

Ở lĩnh vực giao thông vận tải, ông Thành đề nghị trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh thành nên chỉ đạo các địa phương, nhất là sở GTVT phối hợp hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, phải nhất quán. Nếu để mỗi nơi, mỗi địa phương đặt ra quy định thì rất khó.

"Để đảm bảo thích ứng linh hoạt kiểm soát dịch, tôi cho rằng việc chúng ta thành lập các chốt kiểm soát liên tỉnh thì chỉ kiểm soát dịch thôi, chứ không phải kiểm soát đi lại, lưu thông. Nếu lập chốt đầu ngõ các tỉnh nữa thì việc qua lại rất phiền. Do đó làm sao tổ chức kiểm soát được dịch; còn nếu duy trì các chốt thì cuộc họp hôm nay bàn không ra được, chắc chắn không ra được", ông Thành khẳng định. Theo ông Thành, việc đi lại theo Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã có hướng dẫn rồi.

Đối với lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, ông Thành cho biết, hiện nay các tỉnh, thành trong vùng có lượng người dân trở về từ TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ rất lớn.

Riêng Kiên Giang đón khoảng 50.000 người từ vùng dịch về. Trong đó, tỉnh sàng lọc, phát hiện hơn 300 F0. 

“Đến thời điểm này, Kiên Giang thực hiện cách ly tại nhà đối với người về từ vùng dịch tốt. Ý thức chấp hành cách ly tại nhà của người dân về từ TP.HCM Bình Dương, Đồng Nai rất tốt. Kiên Giang tiếp đón, phân loại, cách ly tại nhà, theo dõi chăm sóc sức khỏe và có chế độ an sinh xã hội kịp thời cho người dân. Qua đó, việc cách ly tại nhà rất thuận lợi" ông Thành nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, người dân về bao nhiêu, tỉnh cũng tiếp đón, kể cả trong đó có nhiều F0 thì Kiên Giang vẫn lo chu đáo, an toàn. “Họ đều là người dân mình. 5 - 7 năm nay họ đi làm việc ở các địa phương khác. Vừa đi làm mưu sinh, vừa gửi tiền về. Giờ họ khó khăn thì mình phải nhận về chứ. Nhận về, trước mắt là chăm sóc, sau đó, người dân có thể trở lại TP.HCM, Bình Dương… làm việc. Nếu người dân có nhu cầu ở lại để tìm việc thì tỉnh sẽ tính toán giải pháp phù hợp", ông Thành nói. 

Theo ông, đây là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đã qua đào tạo và có kinh nghiệm. Do đó, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong thu hút lao động, tạo việc làm cho người trong khu vực. 

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, để việc hợp tác các nội dung đi vào thực chất, sẽ thành lập tổ giúp việc gồm văn phòng UBND các tỉnh và đại diện lãnh đạo 7 sở có liên quan, tham mưu cho thường trực UBND các tỉnh. Sở KH&ĐT làm đầu mối để thực hiện chương trình phối hợp.

Ông Trường cũng cho rằng, thống nhất lập đường dây nóng để kịp thời chia sẻ thông tin, giải quyết các tình huống cấp bách liên quan tới những lĩnh vực mà các tỉnh đã ký kết.

Định kỳ hàng quý họp sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, thành lập group Zalo để phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các nội dung liên quan.

Hoài Thanh  

Làm quá khi 'thích ứng an toàn'

Làm quá khi 'thích ứng an toàn'

Gần 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 với lưu ý các địa phương tuyệt đối không ban hành quy định trái với Trung ương, nhưng thực tế vẫn có những nơi cách ly cả người từ vùng xanh về.