XEM VIDEO:

 

Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trong chương  trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” số đặc biệt 20h tối nay (6/9), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đối thoại trực tiếp với người dân về những định hướng lớn của TP trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 15/9. 

Chương trình tập trung vào các nội dung chính:
- Khi nào thành phố sẽ nới lỏng giãn cách xã hội? Lộ trình nới lỏng ra sao?
- Khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, cần triển khai các giải pháp nào để kiểm soát ca nhiễm và giảm ca tử vong vì Covid-19?.
- Kế hoạch tiêm vắc xin của thành phố trong thời gian tới. Các chính sách an sinh xã hội tiếp theo để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch.
- TP.HCM sẽ đưa ra các giải pháp lớn để khởi động lại nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 

Tường thuật trực tiếp:

Một người dân đặt câu hỏi cho ông Phan Văn Mãi “khi nào TP nới lỏng giãn cách, tại sao TP giãn cách mãi, chưa hết dịch?

Trao đổi lại, ông Mãi cho biết khi dịch bệnh phức tạp, TP thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế di chuyển, hạn chế sản xuất… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con.

Và tại sao giãn cách mãi mà không hết dịch? Ông Mãi cho rằng có hai lý do, khách quan và chủ quan.

Khách quan là do chủng Delta lây lan nhanh, ứng phó chưa kịp thời. Sau này, hiểu được thì ứng phó phù hợp hơn, mới tiến hành các biện pháp giãn cách. Nhưng, lý do chủ quan là có một số địa bàn làm chưa nghiêm, hay các hoạt động xét nghiệm làm chưa tốt…

“Nhưng thời gian vừa qua, chúng ta đã làm tốt, xét nghiệm toàn TP, tách F0 ra khỏi cộng động cùng với các biện pháp quyết liệt hơn, nên thời gian gần đây có đỡ hơn”- ông Mãi nói.

{keywords}
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đối thoại với người dân về định hướng sau 15/9

Còn khi nào TP nới lỏng, theo ông Mãi, phải dựa vào tình hình dịch bệnh để tính chuyện nới lỏng. Chưa thể trả lời cụ thể được.

“Chính phủ có Nghị quyết 86 đến 15/9, TP phải kiểm soát được dịch, do đó TP thời gian qua bằng các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt để thực hiện mục tiêu này. Đồng thời, có sự đánh giá lại. Nếu tới đó đạt mục tiêu thì sẽ nới lỏng.

Chúng ta có thể quyết định nới lỏng giãn cách, nhưng chưa thể làm như vậy nếu không an toàn, không đảm bảo sức khỏe cho người dân”- lời ông Mãi.

Ông Mãi nhấn mạnh, nới lỏng giãn cách thì phải an toàn.

Vì thế cần xét nghiệm để tách F0, ngăn chặn lây lan, tiếp cận y tế sớm, cấp thuốc sớm, tập trung tiêm vắc xin, để khi có kháng thể thì có bị nhiễm cũng khó chuyển nặng, khả năng tử vong giảm đi.

Địa bàn an toàn được mở nhiều hình thức buôn bán

Mở giãn cách dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn tới đâu mở tới đó. Tùy theo tình hình dịch bệnh mà nới lỏng hay siết chặt các biện pháp giãn cách.

Sự chuẩn bị càng kỹ thì mở sẽ an toàn, bảo vệ sức khỏe của người dân và tiến hành các kịch bản sản xuất kinh tế.

Từ nay đến 15/9, ở vùng xanh sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ như bán thức ăn mang về.

Địa bàn an toàn thì mở được nhiều hình thức buôn bán, thời điểm nào thì mở tùy vào sự an toàn. Địa bàn nào an toàn thì mở nhiều hoạt động.

Dự kiến, những hoạt động điện tử, kinh doanh bưu chính, phục vụ y tế, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng… nếu quản được người tham gia an toàn sẽ cho hoạt động trở lại.

Nỗ lực thực hiện các gói hỗ trợ 

Một người dân khác nêu câu hỏi có tới 70% bà con bức xúc về an sinh xã hội, làm sao để sống từ đây đến ngày 15/9?

“Chúng tôi nhận túi an sinh rồi, nhưng cũng gần hết, chúng tôi lấy gì sống tiếp hai tuần? TP làm sao để hỗ trợ hay tính chuyện để chúng tôi có kế sinh nhai?

Đến 6/9 chốt gói hỗ trợ đợt hai, nhưng nhiều người chưa nhận được” - người này nói.

Ông Phan Văn Mãi trả lời, ông chia sẻ với bà con TP, mỗi người đến với TP lao động hay học tập đều có sự đóng góp cho TP.

Nhưng dịch bệnh phức tạp, giãn cách mất việc, mất thu nhập, chi tiêu hết tiết kiệm thì khó khăn.

“Tôi biết, giả sử ngày mai TP mở thì bà con có việc làm, có thu nhập ngay” - ông Mãi nói và chia sẻ, TP đang nỗ lực thực hiện các gói hỗ trợ.

{keywords}
Ngành thông tin và truyền thông hỗ trợ người dân TP.HCM những túi quà an sinh. Ảnh: Hải Đăng

Ban đầu, TP có Nghị quyết 09 hỗ trợ một số nhóm đối tượng, nhưng sau này phát hiện không đủ đối tượng, ra thêm gói hai, nhưng cũng chưa đủ cả đối tượng và số lượng.

Quan điểm tất cả mọi người khó khăn thì là đối tượng được hỗ trợ.

Thực tế, trong các gói hỗ trợ có lỗi của TP là rà soát đối tượng chưa đủ, còn bỏ sót.

Bên cạnh hỗ trợ tiền, TP cũng có hỗ trợ gạo, túi an sinh…

“TP cũng rất chia sẻ với bà con, rất trân quý tấm lòng bà con cả nước và sự chia sẻ lẫn nhau của bà con. 1,5 triệu chưa đủ, một đợt, 1 gói an sinh chưa đủ. Do đó, TP sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bà con.
Sau 15/9 sẽ có mức hỗ trợ theo người, giãn cách đến đâu hỗ trợ đến đấy" - ông Mãi khẳng định.

Ông Mãi thông tin, đến nay, TP hỗ trợ hơn 4.000 tỷ, và hơn 1,6 triệu túi an sinh.
Trong thời gian tới, TP sẽ hỗ trợ tiền mặt cho bà con, và đang tính toán có thể ít hơn, nhưng thường xuyên hơn, rồi gạo, rồi tiếp túi an sinh…

Nhận khuyết điểm với người dân

Một người dân khác nêu câu hỏi người dân cần ngay bây giờ 1,5 triệu chưa được nhận, làm sao được nhận kịp thời?

Ông Phan Văn Mãi nói, đúng là khẩn trương làm, nhưng do điều kiện này khác chưa trọn vẹn. TP chỉ đạo các địa phương nhanh chóng phát cho bà con sớm.

Trước kiến nghị cho giám sát, kiểm tra việc dân chưa nhận được túi an sinh và tiền và cả tình trạng phát sai, ông Mãi khẳng định, sẽ kiểm tra, rà soát. Cũng có một số nơi phát sai, chưa đúng đối tượng.

{keywords}
Chủ tịch TP.HCM nhận khuyết điểm với người dân

Ông Mãi khuyên bà con nên chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được nhận hỗ trợ.
TP không để bất kỳ ai thiếu đói, bị bỏ sót… Tuy nhiên, TP hơn 10 triệu dân thì sự bao quát chưa đầy đủ.

“Thay mặt lãnh đạo TP tôi nhận khuyết điểm với bà con” - ông Phan Văn Mãi nói. 

Ông lên chương trình này có sợ không, một bạn đọc hỏi nhiều lần câu hỏi này. Ông Phan Văn Mãi nói, bản thân phải có trách nhiệm báo cáo với bà con những việc TP đã và sẽ làm. Nếu có cơ hội ông sẽ tiếp tục trao đổi những vấn đề bà con quan tâm.

 

Ông Mãi nói thêm, nơi nào còn yêu cầu xác nhận tạm trú, thường trú là cách làm cũ. Gần đây, các trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ không cần hộ khẩu hay tạm trú, thường trú… Ai khó khăn đều được hỗ trợ.

Một doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt vấn đề khởi động lại nền kinh tế sau ngày 15/9, ông Mãi nói, TP tập trung kiểm soát dịch, xét nghiệm, vắc xin và điều trị. Trong hai tuần qua có phát thuốc cho F0 ở nhà, hiệu quả tốt.

Theo ông, doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị chủ động về nhà xưởng, lao động, nguyên liệu vì TP đang tính toán mở một số hoạt động. Khi thông báo thì có thể hoạt động sớm.

Còn hỗ trợ cụ thể về chính sách, TP cố gắng hoàn thành trước 15/9.

Về việc người dân lo lắng TP gặp khó khăn về vắc xin, nhất là Modena, ông Mãi cho hay, đến giờ này, vắc xin TP có đủ để tiêm mũi 1 được 90% cho người từ 18 tuổi trở lên. Còn mũi hai, TP đã bàn với Bộ Y tế, ai đến thời gian mũi hai đều có để tiêm, ông Mãi khẳng định và cũng cam kết việc tiêm vắc xin ở TP.HCM là tự nguyện và minh bạch. 

Chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện. Livestream sẽ được phát sóng lúc 20h hàng ngày trên Fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM và được truyền dẫn trực tiếp trên các trang Fanpage: Thông tin Chính phủ, Hệ thống 1022 của TP.HCM…
Báo VietNamNet  truyền dẫn và tường thuật trực tiếp chương trình này.

 

Hồ Văn -  Bảo Anh

TP.HCM mở cửa tới đâu quản tới đó

TP.HCM mở cửa tới đâu quản tới đó

Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương kiểm soát được dịch. TP.HCM cũng đang tính toán mở cửa từng bước, mở tới đâu, quản tới đó.