- Đội ngũ cán bộ, công chức không làm được việc chắc chắn cũng phải cỡ hai con số. Bảo là 1-2% thì không phải - Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến phản ánh.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2014 diễn ra hôm nay (23/12) dưới sự chủ trì của Thủ tướng.

Không máy móc về tăng trưởng

Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh nỗ lực đảm bảo tăng trưởng để giải quyết việc làm, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất nội địa, tăng tích lũy.

{keywords}
Ảnh: VGP

Ông cũng cho rằng cần có thống nhất về tăng trưởng, đầu tư. Theo đó, tăng trưởng không chạy theo chiều rộng mà đảm bảo vừa theo chiều rộng, vừa chiều sâu, đảm bảo sử dụng lực lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ...

Ông Thảo kiến nghị xem xét các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, bởi các thủ tục về bảo lãnh, thế chấp của ngân hàng vẫn đang làm khó doanh nghiệp. Riêng tồn kho bất động sản, phải có giải pháp mạnh hơn mới tan băng thị trường bởi hiện nhiều dự án chủ đầu tư vẫn "không hề chịu giảm giá" theo quy luật lên xuống của thị trường.

Ông cũng kiến nghị, các ngân hàng nên có gói riêng để "tự giải cứu" nguồn vốn đang bị đọng. Đặc biệt gói giải pháp của Chính phủ chỉ nên tập trung bảo lãnh cho phân khúc nhà ở xã hội, không thể rộng như hiện nay.

Về phần mình, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân kiến nghị tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông cũng nêu nhu cầu bức thiết hỗ trợ từ Chính phủ giúp các địa phương tìm hiểu, tiếp cận các cơ chế thương mại đa phương quốc tế mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia như các hiệp định thương mại FTA, hay hiệp định TPP đang đàm phán...

Không để đơn khiếu nại "kính chuyển"

Một kiến nghị khác của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đó là đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là việc phân cấp trách nhiệm trong bộ máy hành chính. Hiện bộ máy hành chính vẫn tồn tại "song trùng thủ tục".

Theo ông Thảo, phân cấp trách nhiệm cho địa phương nhưng có khi bộ vẫn muốn "ghé", địa phương khi thực hiện vẫn được yêu cầu phải báo cáo bộ nọ, bộ kia trước khi ra quyết định.

Nếu không có cơ chế rõ ràng hơn thì sẽ còn chuyện "trên giao xuống dưới, dưới quay đi quay lại".

"Nếu không làm rõ sẽ vẫn diễn ra tình trạng khi có thành tích thì ta đều hưởng ứng, nhưng khi xảy ra vấn đề, không ai chịu trách nhiệm. Cải cách hành chính cần làm rõ trách nhiệm về cơ chế song trùng thủ tục, để thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm được giao rõ ràng" - ông nói.

Những vấn đề an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội cũng được nêu ra tại hội nghị. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, trong năm qua có hơn 1.200 vụ khiếu kiện vượt cấp lên trung ương làm tình hình giải quyết phức tạp. Có nhiều vụ kéo dài, chây ì, đặc biệt khiếu kiện về đất đai.

{keywords}
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Ảnh: VGP

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng, giải quyết ổn định tại chỗ, không để phức tạp kéo dài, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương. Các cơ quan chức năng cần trả lời thẳng thắn ngay đúng hay sai trong thẩm quyền của mình, tránh tình tình trạng “kính chuyển” đi lòng vòng nhiều nơi gây phức tạp và tâm lý trông chờ hy vọng, gây khó khăn cho việc giải quyết dứt điểm.

Công chức 'cắp ô' chắc chắn phải 2 con số

Về vấn đề nhân lực, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến phản ánh thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. "Đội ngũ cán bộ công chức không làm được việc chắc chắn cũng phải cỡ hai con số. Bảo là 1-2% thì không phải" - ông cho hay.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến

Hồi tháng 9, tại phiên họp Thường vụ QH, Bộ trưởng Nội vụ đã đưa ra con số sơ bộ khoảng 1% công chức cả nước không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Chiến kể vừa qua đã chỉ đạo thi tuyển công chức tuyệt đối bí mật, khách quan. "Tôi chỉ đạo không được ai gửi, ai gửi tôi không duyệt". Kỳ thi tuyển có 419 thí sinh đăng ký nhưng lại có "kết quả buồn" - theo ông Chiến. Chỉ có 120 thí sinh đạt 50 điểm/5 môn, tỉ lệ trượt 71,4%.

"Làm nghiêm thì rõ kết quả như vậy. Mấy năm trước cứ thi là đậu, nguy hiểm là bộ máy tuyển vào chất lượng không đảm bảo, Bộ Nội vụ đã có đề án cần quyết liệt tuyển chặt đầu vào, chất lượng trong bộ máy mới tốt lên được" - ông Chiến nêu.

Về nông nghiệp, ông Chiến báo cáo thực trạng dân bỏ ruộng, trả ruộng với diện tích lên đến 1.100 ha. "Gốc bỏ ruộng là do hiệu quả sản xuất nông nghiệp quá thấp".

Đầu tư vào nông nghiệp lãi thấp nên doanh nghiệp ít đầu tư. Ông cho hay, nếu làm tốt chuyển đổi ruộng đất, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bên cạnh sự hỗ trợ chính sách, điều kiện của chính quyền thì đầu ra cho nông nghiệp sẽ tốt hơn.

Lãnh đạo Đồng Tháp cho hay kinh nghiệm thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp bước đầu có tín hiệu lạc quan nhưng về lâu dài không thể chỉ một tỉnh hay một vùng làm, vì động đến nhiều vấn đề chính sách, thể chế, cần có sự dẫn dắt của bộ, ngành.

Hội nghị tiếp tục làm việc trong ngày mai (24/12).

Linh Thư