Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng bày tỏ như trên trong cuộc họp với đoàn công tác của UBND TP.HCM vào chiều nay (1/6) để hỗ trợ quận tháo gỡ những khó khăn khi cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, khi nhận được lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, quận bắt đầu mò mẫm, nghiên cứu cách làm sao cho đúng nhưng phù hợp.

{keywords}
Kẹt xe nghiêm trọng ở Gò Vấp trong 2 ngày đầu thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Trương Thanh Tùng

"Quận đã cố gắng hết sức trong thời gian từ ngày giãn cách đến hôm nay. Hạn chế tồn tại nổi lên lớn nhất là câu chuyện giao thông, anh em quận cũng biết là phải có giải pháp thay đổi, nhưng thay đổi cách nào?.

Lập chốt, chính quyền làm nghiêm túc thì tạo cảm giác cho người dân như là đang phong tỏa, nên tâm lý rất nặng nề", ông Dũng bày tỏ.

Ông Dũng cũng cho biết, lực lượng quận chỉ hơn 4.000 người, khó quản 600.000 dân, thêm 30.000 dân có giao thương, làm việc với quận.

“Có lẽ, buổi sáng chốt không kiểm soát mạnh, sau giờ cao điểm thì tăng cường kiểm soát mạnh hơn. Quận đề xuất và xin ý kiến TP cho chỉ đạo và hướng dẫn" ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng ví von: "Bài toán lập chốt kiểm soát không khác gì một đề thi khó mà quận vừa làm vừa tìm lời giải và phát sinh những hạn chế như thời gian qua”.

Trong ngày qua, kể từ 0h ngày 31/5, khi Gò Vấp thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, vào giờ cao điểm sáng, tình trạng ùn tắc kéo dài liên tục xảy ra tại các chốt kiểm soát.

Trước thực trạng đó, chính quyền TP cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch Dương Anh Đức dẫn đầu xuống làm việc trực tiếp với lãnh đạo quận để tìm giải pháp phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức cho biết, khi quyết định cách ly Gò Vấp, lãnh đạo TP cũng như quận bị giằng xé hai mâu thuẫn, vừa duy trì phát triển kinh tế và phòng, chống Covid-19 an toàn, vừa làm sao để hài hòa cho lợi ích hai điều nói trên là không dễ.

Theo ông Đức, hiện nay vấn đề lớn nhất của Gò Vấp là giao thông; thứ hai, là liên quan đến đảm bảo an sinh cho người dân khi áp dụng Chỉ thị 16. Do đó, cái cần làm là tìm giải pháp thay thế hiện nay, tìm được hay không thì phải bàn, nhìn vào thực tiễn và mục tiêu của mình để tìm ra biện pháp hài hòa.

Chỉ thị 16 không cấm giao thông, nhất là các phương tiện chỉ đi ngang quận.

"Tình trạng ùn ứ thì khả năng nguy hiểm và lây lan rất lớn, đây là yếu tố đầu tiên lưu ý. Nhưng nếu xả chốt thì cũng khó, vì bên ngoài vào cũng là tình huống nguy hiểm, biết đâu lẫn trong nhiều người vào có mang mầm bệnh", ông Đức đặt vấn đề.

Lời giải nào cho bài toán lập chốt?

Ý kiến tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết, nếu quận chỉ kiểm soát thông qua các chốt thì cũng không đảm bảo, vì số lượng quá đông về phương tiện cá nhân, người đi bộ. Thứ hai, ùn ứ là có và xảy ra lây lan dịch là rất cao. Nên hiện cách làm tại các chốt là chưa đảm bảo, dù là biện pháp cần thiết.

"Sở có chỉ ra 15 tuyến đường có thể đi qua quận Gò Vấp và ra ngoài mà không qua chốt. Các tuyến đường lớn có thể đi được mà không qua các chốt, đó là chưa kể đường hẻm. 

Có thể thông qua Ủy ban, chỉ đạo các quận và phường giáp ranh Gò Vấp cùng giúp quận kiểm soát. Kiểm tra rà lại, đặt 70 băng rôn, nay có thể đặt nhiều hơn và xa ngoài quận hơn" ông Hưng nói.

Đồng quan điểm, đại diện công an cũng cho rằng, nếu lập chốt thì không chỉ trong Gò Vấp mà có thể lập quận giáp ranh khác để nhanh chóng phân luồng, giảm ùn ứ.

Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức đặt vấn đề, thứ nhất khẳng định lập chốt là đúng nhưng đúng thế nào?.

Việc nhờ sự hỗ trợ của địa phương lân cận cùng lập chốt cũng tốt. Cần cân nhắc lại vị trí các chốt lập, TP cũng sẽ có chỉ đạo, đây là nhiệm vụ, chứ không phải sự nhờ vả từ Gò Vấp. Thứ hai là phương pháp phải hiệu quả.

Theo ông Đức, phải làm hai hệ thống chốt lớn và chốt nhỏ. Chốt nhỏ nằm trong nội địa để kiểm soát bên trong quận. Chốt lớn thì kiểm soát cả trong và ngoài quận.

Ví dụ, lúc cao điểm ùn ứ quá đông thì nên chấp nhận phương án xác suất lọt, khi  vãn hồi thì tăng tỷ lệ kiểm soát càng nhiều càng tốt.

Trên thực tế các đối tượng có vấn đề, triệu chứng về sức khỏe đa phần đã được kiểm soát. Chỉ người bệnh không có triệu chứng thì khó, chặn tại chốt cũng khó phát hiện.

Nên giải pháp truyền thông là rất cần thiết, để người dân ý thức hơn.

Quận dựa trên văn bản ủy ban, những lĩnh vực không cấp thiết thì cấm sự ra vào, không nhân nhượng một đối tượng nào.

Theo ông Đức, quận đề nghị hỗ trợ cho Gò Vấp từ cấp TP là hợp lý, cần thiết. Vì giao thông kết nối với địa bàn xung quanh, điều tiết giao thông khu vực thì phải cần đến lực lượng và sự chỉ đạo, kết nối ít nhất từ cấp Sở và trên nữa là cấp UBND TP.

Đồng thời, ông Đức cũng nói rõ, theo tinh thần phân cấp, quyết định cuối cùng vẫn là của Quận ủy, UBND Gò Vấp. Khi có những tình huống mới thì quận phải quyết định, không chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Hồ Văn - Bảo Anh

Gò Vấp lúng túng cách ly xã hội, lãnh đạo TP.HCM vào tâm dịch họp khẩn

Gò Vấp lúng túng cách ly xã hội, lãnh đạo TP.HCM vào tâm dịch họp khẩn

Vấn đề lớn nhất của Gò Vấp hiện nay là giao thông; thứ hai, là liên quan đến đảm bảo an sinh cho người dân khi áp dụng Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.