- Theo thông báo của văn phòng UBND TP Phan Thiết, con dấu mới có hiệu lực từ ngày 23/11/2016. Thế nhưng, Phó chủ tịch UBND đã dùng con dấu mới đóng vào các quyết định phê duyệt chỉ định thầu từ trước đó.

Ngày 23/11/2016, UBND TP Phan Thiết có văn bản số 1160/TB-UBND gửi các cơ quan ban ngành trong tỉnh thông báo con dấu mới có hiệu lực từ ngày 23/11/2016. 

Thế nhưng tại quyết định 890/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND TP về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình Trường THCS Trưng Vương lại được đóng bởi mẫu dấu mới.

{keywords}
Trụ sở UBND TP Phan Thiết

Điều lạ là trong khi quyết định 2378/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 về việc cấp kinh phí bổ sung cho Phòng LĐTBXH TP do Chủ tịch Đỗ Ngọc Điệp ký sử dụng mẫu dấu cũ thì tại quyết định 1895/QĐ-UBND ngày 4/7/2016 do Phó chủ tịch Trần Hoàng Khôi ký về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu số 4 Trường tiểu học Mũi né 4 lại sử dụng mẫu dấu mới.

Việc sử song song 2 con dấu (cũ và mới) đã gây thắc mắc: Phải chăng UBND TP Phan Thiết sử dụng cùng lúc 2 con dấu?

Một cán bộ của Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy định tại nghị định số 58/2001/NĐ-CP, nghị định 31/2009/NĐ-CP của Chính phủ và thông tư số 07/2010/TT-BCA ngày 5/2/2010 của Bộ Công an về quản lý và sử dụng con dấu, tổ chức, doanh nghiệp sau khi nộp con dấu cũ thì mới được cơ quan công an cấp chứng nhận đăng ký mẫu dấu mới để sử dụng.

Theo vị cán bộ này, đến ngày 21/11/2016, Công an tỉnh Bình Thuận mới cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu của UBND TP Phan Thiết, sau đó ngày 23/11/2016 UBND TP có văn bản gửi các cơ quan ban ngành trong tỉnh thông báo con dấu mới có hiệu lực từ ngày 23/11/2016.

“Như vậy việc sử dụng con dấu mới trước khi cơ quan công an cấp chứng nhận đăng ký con dấu là trái pháp luật” - vị cán bộ này khẳng định.

Được biết, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp và Phó chủ tịch Trần Hoàng Khôi đã thừa nhận có sai sót và sẽ kiểm tra làm rõ.

Lê Ân