- “Muốn đạt được chân lý thì chính chúng ta phải có chân lý từ trong nội bộ. Nếu chúng ta nể nang, vuốt ve nói cho ông Hai, ông Ba, ông Tư vui vẻ thì không có chân lý đâu” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Ngày 9/12, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Nam. Nhiều đại biểu đề xuất cần nhanh chóng đổi mới công tác xét xử, nhất là cho luật sư tham gia vào quá trình lấy cung.

{keywords}

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN

Voi xử thành muỗi

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí quan tâm đến đội ngũ cán bộ tư pháp.

“Vì sao án tồn đọng nhiều, án oan sai còn nhiều, bị tẩy sửa, bị hủy? Vì sao chưa minh bạch trong hoạt động tố tụng khiến một bộ phận nhân dân chưa thực sự tin vào trách nhiệm của ngành tư pháp? Cần có một khảo sát, tất cả những tồn tại đó là do trách nhiệm hay năng lực trình độ, thuộc về phẩm chất hay luật pháp?”, ông Tí nói.

Bí thư Bình Thuận cũng đặt dấu hỏi, có tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan tư pháp hay không? Tình trạng chạy án còn hay không? “Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết. Tôi đề nghị báo cáo nên đi sâu vào những vấn đề này để tìm ra bản chất”, ông đề nghị.

Ông Huỳnh Văn Tí cũng đề nghị nêu cao vai trò của báo chí vì thời gian qua báo chí làm tốt công việc chống tiêu cực, đặc biệt là phản ánh kịp thời các vụ án oan sai. “Trên thực tế, người dân nghe báo chí hơn là nghe lãnh đạo nói. Báo chí nói, một số vụ án bây giờ có chuyện là lúc đầu đưa ra con voi, xử thành con muỗi. Phải làm rõ vấn đề đó do đâu”, ông Tí nói.

Ở một góc nhìn khác, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho rằng, đã đến lúc cần đổi mới tranh tụng tại phiên tòa. “Tại các phiên tòa hình sự cần phải đảm bảo sự tham gia của luật sư và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cũng đề nghị, trong quá trình điều tra phải cho luật sư tham gia ngay từ đầu để không xảy ra những vụ oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.

Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN Lê Thúc Anh đề nghị, cải cách tư pháp cần tạo điều kiện để luật sư tham gia trong quá trình lấy cung.

Cải cách là đụng chạm

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định đây là những góp ý rất trí tuệ.

“Họp tư pháp nên các đồng chí phê phán, kể cả phê phán chúng tôi cũng rất là hay, rất tư pháp. Muốn tìm công lý nên giữ một phong cách như vậy. Chúng ta là người muốn đạt được chân lý thì chính chúng ta phải có chân lý từ trong nội bộ. Nếu chúng ta nể nang, vuốt ve nói cho ông Hai, ông Ba, ông Tư vui vẻ thì không có chân lý đâu các đồng chí”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua chiến lược cải cách tư pháp được các cơ quan TƯ triển khai một cách tích cực và đã có những chuyển biến rõ trong thực tế cuộc sống như việc thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa kết hợp với kết quả điều tra tố tụng nhằm làm rõ các phán quyết, chất lượng đội ngũ tư pháp được nâng lên…

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nhìn nhận mặt yếu kém: Công tác triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ, chưa theo đúng lộ trình, chưa ngang tầm đòi hỏi của Nghị quyết 49 Bộ Chính trị.

“Đổi mới là một mặt, mặt thứ hai là đụng chạm. Cải cách là đụng chạm, đổi mới là đụng chạm. Các đồng chí nhớ, trước khi có Đại hội 6 là cũng trầy trật vất vả lắm. Lĩnh vực cải cách tư pháp cũng đụng chạm, có khi đụng chạm đến bản thân mình nhưng phải nhắm mục tiêu tương lai”, Chủ tịch nước nói.

Còn về tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, ông Trương Tấn Sang nhìn nhận còn hạn chế. “Vừa rồi họp chúng tôi thấy rằng, kỳ này trình ra Bộ Chính trị xin ý kiến nên chăng bên cạnh hoạt động hiện hành của luật sư thì có một định chế luật sư công xuất hiện vì có những trường hợp người ta nghèo quá, không có khả năng thuê mướn luật sư thì về mặt nhà nước phải có xuất hiện luật sư công để đảm bảo yêu cầu tranh tụng dân chủ, minh bạch tại phiên tòa”, Chủ tịch nước cho biết.

Còn đối với chất lượng điều tra truy tố, xét xử và thi hành án, Chủ tịch nước cũng nhìn nhận có mặt hạn chế làm cho một bộ phận nhân dân chưa tin tưởng một cách tuyệt đối vào hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước nói, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận để sửa chữa.

Chủ tịch nước cho biết, thời gian tới sẽ hoàn chỉnh báo cáo để trình Bộ Chính trị.

Tá Lâm