XEM CLIP:

Chiều nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND TP có cuộc tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP.

Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho hay, đời sống thiếu ăn một bữa, một ngày nhịn được nhưng thiếu nước 1 bữa không thể được vì cơ thể 70% là nước.

{keywords}
Cử tri Trần Ngọc Toán

Theo ông, TP đã tìm nhiều giải pháp để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy để kinh doanh.

Tuy nhiên, theo cử tri Toán, điều người dân thất vọng là nhà máy nước Sông Đà đã nhiều lần vỡ đường ống, mới đây lại bị đổ dầu bẩn, ô nhiễm ảnh hưởng sức khoẻ.

Nhà máy nước mặt sông Đuống thì đề xuất tăng giá độc quyền bóp nghẹt người dân những vùng dùng đường nước này.

Ông mong TP cho biết công tác quản lý các nhà máy nước bằng giải pháp, biện pháp nào.

“Ai chịu trách nhiệm cụ thể để đảm bảo không xảy ra sự cố, đảm bảo đúng tiêu chuẩn phục vụ đời sống người dân, tránh để người dân bàn tán vì lợi ích nhóm mà sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi?”, ông Toán bày tỏ.

Nhắc tới sự cố của nhà máy nước sạch sông Đà, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an Hòa Bình cho thấy không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy này.

Về nhà máy nước mặt sông Đuống, theo ông Chung, có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.

“Aqua One là doanh nghiệp của chị Liên mà báo chí phản ánh vừa qua. Đây là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An.

Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả”, ông Chung khẳng định.

Lãnh đạo TP cũng thông tin, vừa qua, 1 doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của công ty nước mặt sông Đuống.

“Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, ông Chung nói.

Theo ông, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực

“Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư. Còn tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á”, ông Chung nhấn mạnh.

Không bao giờ bù giá

Trao đổi thêm bên lề với báo chí về giá nước của nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội cho hay, TP đã rất cẩn thận xin ý kiến của Bộ Tài chính, và giá 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính, để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư.

Còn sau khi dự án được hoàn thành, họ sẽ quyết toán toàn bộ công trình thì lúc đó mới ra giá thành cụ thể.

Ông Chung nhấn mạnh nguyên tắc là giá mua không được cao hơn với giá bán ra. TP cũng chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sông Đuống.

“Chắc chắn không bao giờ bù rồi”, ông Chung nói.

Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh lại: “Tôi khẳng định là không có ai có lợi ích nhóm ở đây cả, mà TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này để giải quyết nhu cầu cấp bách về nước cho người dân trong những năm vừa qua”.

Theo ông, không phải chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP, ở các lĩnh vực đều được coi trọng và đều được tạo mọi điều kiện.

Trả lời câu hỏi đối với công nghệ và sự đầu tư của chủ đầu tư như vậy thì giá của nước sông Đuống có cao hơn so với mặt bằng không, ông Chung cho rằng, một trong những quy định của quá trình đầu tư là sau khi họ đầu tư theo hồ sơ thiết kế thì phải tiến hành thủ tục quyết toán, kiểm toán.

“Khi đó xong hết toàn bộ thì họ sẽ ra giá thành sản phẩm, lúc đó mới chính thức”, ông Chung nêu.

Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, việc nghiệm thu công trình là thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Hiện nay không có vướng mắc gì lớn lắm.

Về việc nước mặt sông Đuống vay đến 80% trong tổng mức đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, 100% các dự án trên thế giới này đều phải đi vay.

“Kể cả vay 100% cũng chẳng vấn đề gì, đấy là bài toán của họ và họ phải chịu. Họ vay để họ hoạt động nhưng chẳng may họ bị thiên tai địch họa thì họ phải chấp nhận", Chủ tịch Hà Nội nói.

'Giá nước sạch sông Đuống hơn 10 ngàn/m3, 2.000đ là trả lãi vay của nhà đầu tư'

'Giá nước sạch sông Đuống hơn 10 ngàn/m3, 2.000đ là trả lãi vay của nhà đầu tư'

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của nước sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư.

Hương Quỳnh