Vừa qua, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh Dự án thuỷ điện La Ngâu tại Quy hoạch điện VIII với lý do để nhường chỗ cho dự án đầu tư công hồ La Ngà 3 triển khai. 

Để rộng đường dư luận và làm rõ thêm thông tin, PV đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Thu Lý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện La Ngâu.

“Chúng ta cần tôn trọng Luật Quy hoạch”

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, dự án La Ngâu đã dừng triển khai từ năm 2010, sự thực thế nào, thưa bà?

Trước tiên tôi muốn nói lại cho rõ vấn đề để chúng ta cùng hiểu về pháp lý của dự án và có cái nhìn đa chiều, đúng pháp luật.

Dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện VII của Chính phủ, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; được Bộ Công thương ban hành quy trình vận hành hồ chứa; được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ENV) chấp thuận đấu nối và thỏa thuận mua điện; đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 100% tổng diện tích đất dự án hơn 300ha và đã được cấp phép xây dựng.

Xin đừng vô lý với chúng tôi khi đưa thông tin sai lên báo rằng dự án có đất rừng nguyên sinh. Tôi khẳng định luôn là đó là thông tin sai sự thật. Dự án là đất sạch và không bị vướng đất rừng. Đây có lẽ cũng là may mắn của chúng tôi chăng? (Cười)

{keywords}
Bà Ngô Thị Thu Lý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ điện La Ngâu.

Dự án đang được triển khai thi công với khối lượng hoàn thành hơn 100 tỷ đồng thì phải tạm dừng triển khai để giải quyết chồng lấn quy hoạch với dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Dừng dự án là một việc rất đau đớn với doanh nghiệp khi đó. Như các bạn đã biết, với doanh nghiệp, tiền là máu để nuôi doanh nghiệp, nuôi hàng trăm lao động. Vì mối quan hệ với tỉnh Bình Thuận khi đó, chúng tôi tạm dừng theo chỉ đạo và chờ hướng dẫn mới. Nhưng sự thật là từ đó đến nay, sổ đỏ dự án đã cầm tay, đất sạch đã giải phóng mặt bằng, chứng nhận đầu tư đã có, tiền cả trăm tỷ đổ vào đó và chúng tôi vẫn thế này, thật sự là quá kiên nhẫn.

Vậy phía Công ty La Ngâu đã làm gì trong thời gian đó để giải quyết vấn đề chồng lấn quy hoạch?

Dĩ nhiên chẳng doanh nghiệp nào có thể ngồi yên như vậy và trong quá trình đi giải quyết việc chồng lấn này, tôi thật sự cảm thấy Chính phủ đã rất hiểu và chỉ đạo Bộ Công thương, tỉnh Bình Thuận khi đó giải quyết cho doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 70 ngày 15/6/2010 xin tháo gỡ khó khăn làm chậm tiến độ tiến độ dự án thuỷ điện La Ngâu do ảnh hưởng của việc chồng lấn quy hoạch. Ngày 29/10/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến tại văn bản số 7804/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ: “Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ và UBND tỉnh Bình Thuận rà soát lại các quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Sau khi các Bộ NN&PTNT, Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến, Bộ TN&MT đã tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và ngày 26/7/2011 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận chỉ đạo tại văn bản số 799/VPCP-KTN: “Giao Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu tiếp tục triển khai xây dựng công trình thủy điện La Ngâu theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ NN&PTNT chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà cho phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước”.

Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo đó, UBND Bình Thuận tiếp tục kiến nghị dừng Dự án thủy điện La Ngâu và tiếp tục báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng đầu tư xây dựng dự án thủy điện La Ngâu. 

Thậm chí, đến ngày 25/5/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận và chỉ đạo tại thông báo số 193/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ: “Dự án thủy điện La Ngâu có trong Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật, đã triển khai đầu tư dở dang; khi phải dừng thực hiện dự án để triển khai hồ thủy lợi La Ngà 3, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bên liên quan trên cơ sở lợi ích chung của người dân và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”.

Tôi nhấn mạnh đây là việc Chính phủ yêu cầu tỉnh giải quyết với La Ngâu chứ không chỉ đạo dừng đầu tư dự án.

Và rồi dự án vẫn treo đến nay. Theo bà, việc đó có công bằng với doanh nghiệp không?

Tôi muốn nói rõ, thật sự việc này chúng ta nếu quyết ẩu có thể vi phạm Luật Quy hoạch. Việc giải quyết vội vã hoặc vì lợi ích nào đó cũng cần tôn trọng Luật. Chưa kể theo dõi thông tin trên báo chí mấy ngày qua, tôi thấy đang có sự đánh tráo khái niệm về quy hoạch.

Bà đang nhắc đến Luật Quy hoạch, bà có thể nói rõ hơn về việc này?

Dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện V,VI,VII và VII điều chỉnh là quy hoạch ngành quốc gia do Thủ tướng phê duyệt.

Còn Dự án hồ La Ngà 3 như trong báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận gửi Thủ tướng nói rằng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong Chiến lược thuỷ lợi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và trong Quy hoạch thuỷ lợi lưu vực sông La Ngà cũng là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Tôi thấy đang có sự nhầm lẫn. Chúng ta cần cẩn trọng hơn, vì quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi mới là quy hoạch ngành quốc gia.

Luật quy hoạch (khoản 3 Điều 6 Luật Quy hoạch) quy định rõ:

“ - Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp Quốc gia.

- Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh xảy ra mâu thuẫn với quy hoạch ngành Quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch tổng thể Quốc gia.

- Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn; trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia”.

Như vậy, nói một cách thẳng thắn là các quy hoạch thủy lợi làm sau, chồng lên Quy hoạch điện lực quốc gia.

Tại văn bản số 3792 ngày 30/5/2019, chính Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký văn bản yêu cầu tỉnh Bình Thuận ghi rõ: “Sau khi tỉnh Bình Thuận thống nhất được phương án xử lý dừng đầu tư thủy điện La Ngâu để đầu tư hồ chứa nước La Ngà 3, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các bước tiếp theo để thực hiện đầu tư hồ chứa nước La Ngà 3 theo quy định Luật Đầu tư công”.

Tức là khi chưa thoả thuận xong với La Ngâu thì dự án hồ La Ngà 3 chưa thể làm gì theo đúng Luật Quy hoạch.

Nhưng theo Tỉnh ủy Bình Thuận, Dự án hồ La Ngà 3 đang được Bộ NN&PTNT triển khai và chủ đầu tư thủy điện La Ngâu đã đồng thuận việc dừng dự án rồi?

Tôi khẳng định là chưa có việc đó. Năm 2020 Bộ NN&PTNT phê duyệt hơn 10 tỷ làm báo cáo đánh giá nghiên cứu tiền khả thi Dự án, đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Năm 2021, Chính phủ bố trí vốn trung đầu tư công trung hạn để làm nghiên cứu báo cáo đánh giá tiền khả thi đó.

Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu không có liên hệ bất cứ ai tại Tỉnh ủy Bình Thuận về việc đồng ý dừng dự án. Thậm chí chính tôi và giám đốc tiền nhiệm đã từng họp nhiều lần với Bình Thuận và không đồng ý việc dừng dự án. Tôi đã rất căng thẳng trong cuộc họp với tỉnh năm ngoái về việc dừng dự án vì quy hoạch chồng lấn với 1 dự án khác là trái luật.

Thời gian vừa qua, vì dịch bệnh nên tôi không thể bay vào Bình Thuận xử lý việc này. Bí thư Tỉnh uỷ là ông Dương Văn An cũng rất nỗ lực để cố gắng tìm cách tháo gỡ việc đó nên có trao đổi qua điện thoại với tôi.

Bí thư Dương Văn An có đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu có văn bản chấp thuận dừng thực hiện đầu tư dự án để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin vốn đầu tư công trung hạn thực hiện giải phóng mặt bằng.

Nhưng tôi khẳng định thông tin Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu cơ bản đồng ý dừng dự án là sai sự thật.

{keywords}
Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 dự báo sẽ tác động lớn tới vấn đề môi trường, đất rừng và di dời dân của huyện Tánh Linh.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận thì “tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, với hàng chục vạn người dân được hưởng lợi”, vì sao Công ty La Ngâu không ủng hộ?

Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu là doanh nghiệp Việt, chúng tôi có sứ mệnh làm điều tốt cho nước Việt, cho dân Việt. 

Chúng tôi được biết thì tại Báo cáo của Hiệp hội năng lượng Việt Nam ngày 28/2/2017 và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Viện quy hoạch thủy lợi Miền Nam lập tháng 9/2017 đã nêu rõ những tác động tiêu cực ở quy mô vô cùng lớn.

Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị, kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị được tiếp tục triển khai dự án thủy điện La Ngâu vì dự án hợp pháp, đúng quy hoạch và đúng luật. Trường hợp sau này, trong quá trình vận hành mà dự án hồ La Ngà 3 được các cấp thẩm quyền chấp thuận đầu tư thì chúng tôi chấp nhận rủi ro, đóng cửa nhà máy và nhận đền bù theo luật định.

Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu trả lời thế nào về đề nghị chuyển vị trí dự án từ hiện trạng sang sau đập dự án hồ La Ngà 3?

Chúng tôi không biết phải trả lời thế nào vì đề nghị chuyển một dự án hợp pháp, đang thực hiện đầu tư sang một vị trí trong dự án khác chưa hình thành, chưa được chấp thuận đầu tư là khái niệm mới, chưa có tiền lệ, chưa có luật điều chỉnh.

Quan điểm của Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu là đồng hành với UBND tỉnh Bình Thuận nhưng phải đúng luật.

Quy hoạch ngành quốc gia

Theo Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu, quy hoạch ngành quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi là quy hoạch ngành quốc gia.

Chiến lược thuỷ lợi Việt Nam năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 và trong các quy hoạch được phê duyệt của Bộ NN&PTNT không phải là quy hoạch ngành Quốc gia.

Dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện V,VI,VII và VII điều chỉnh là quy hoạch ngành quốc gia do Thủ tướng phê duyệt.

“- Quyết định số 1483/CP/-CN ngày 19/11/2002 về việc “Quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai (bao gồm nhánh sông La Ngà)”;

- Quyết định số: 40/2003/QĐ-TTg, ngày 21/03/2003 về việc “Hiệu chỉnh một số nội dung thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực Việt nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020” (gọi tắt là quy hoạch điện V hiệu chỉnh);

- Quyết định số: 110/2007/QĐ-TTg, ngày 18/07/2007 về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015” (gọi tắt là Quy hoạch điện VI);

- Quyết định số: 1208/2011/QĐ-TTg, ngày 21/07/2011 về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” (gọi tắt là Quy hoạch điện VII);

- Quyết định số: 428/2011/QĐ-TTg, ngày 18/03/2016 về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh)”.

 Hà Thành

Bình Thuận: Hàng trăm ha rừng sẽ “nhường chỗ” cho hồ thuỷ lợi 10.000 tỷ?

Bình Thuận: Hàng trăm ha rừng sẽ “nhường chỗ” cho hồ thuỷ lợi 10.000 tỷ?

Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 với tổng diện tích 6.600 ha đang trong giai đoạn triển khai lập dự án. Nếu dự án được thông qua, hàng trăm ha rừng sẽ hoàn toàn nằm trong lòng hồ.