Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc.

Theo Kế hoạch, mục đích triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Nội vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020.

{keywords}
Công chức Bộ Nội vụ đang kiểm tra thủ tục tại kỳ thi tuyển công chức của Bộ. Ảnh: Bộ Nội vụ

Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; đồng thời triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi kê khai, công khai, kiểm soát về tài sản, thu nhập không đúng quy định. 

Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, gồm: Người đang là cán bộ, công chức (bao gồm cả những người được biệt phái) và người đang giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ; người lần đầu giữ vị trí công tác nêu trên.

Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, gồm những người đang giữ chức vụ gồm: Vụ trưởng và tương đương trở lên tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ; Vụ trưởng và tương đương trở lên tại Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo chính phủ; Trưởng khoa, Trưởng ban và tương đương trở lên thuộc Học viện Hành chính quốc gia; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội; Các chức danh khác có hệ số chức vụ lãnh đạo từ 0.9 trở lên.

Làm ở lĩnh vực nhạy cảm phải kê khai tài sản hàng năm

Ngoài ra, người được bổ nhiệm giữ các ngạch công chức và các chức danh kế toán viên, thanh tra viên, kiểm tra viên của Đảng cũng kê khai tài sản hàng năm.

Những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực "nhạy cảm" cũng phải kê khai tài sản hàng năm. Đó là lĩnh vực: Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

Lãnh đạo từ phó trưởng phòng thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và DNNN, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp; thẩm hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật; phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo... cũng trong diện phải kê khai tài sản hàng năm.

Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bổ sung là những người giữ một số chức danh lãnh đạo (trừ đối tượng đã kê khai hàng năm) khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên...

Thu Hằng

Hàng triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm mới

Hàng triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm mới

Bước sang năm mới 2021, tất cả cán bộ, công chức, kể cả mới tuyển dụng đều phải kê khai tài sản, thu nhập và sẽ hoàn thành trong quý 1 tới đây.