Câu chuyện tham nhũng do suy thoái đạo đức, lối sống được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo khoa học "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lý luận và thực tiễn" do Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức ngày 6/7.  

46.000 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về đạo đức, lối sống

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng có nhiều nhưng cơ bản, trực tiếp là do suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. 

{keywords}
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh: VOV

Do vậy đòi hỏi công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng chống tiêu cực, nhất là phòng chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Theo báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, 5 năm qua có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có trên 46.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Phó ban Nội chính Trung ương cho biết, hội thảo hôm nay phục vụ xây dựng Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, tham nhũng tùy theo mức độ, quy mô nhỏ to sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên điều đáng quan ngại là vấn đề lệch lạc tư tưởng chính trị dẫn đến lệch lạc lối sống. Tham nhũng do suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống đang làm mất niềm tin trong người dân.

“Không ít người ‘đang bóc lịch’ đều vi phạm vào lối sống, có “bồ nhí, phòng nhì”. Nhiều người bỏ vợ bỏ con, biến ‘bồ nhí’ thành ‘phòng nhì’ để chứa chấp những tài sản do tham nhũng mà có”, TS Nhị Lê nêu thực tế.

Theo ông, tất cả những bề nổi đang được xử lý nhưng còn những phần chìm chưa đụng đến, đó là vấn đề đạo đức lối sống. Khi vi phạm pháp luật thì có thể sửa chữa được nhưng suy bại về đạo đức thì không còn chỗ nương thân.

{keywords}
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Vì vậy, TS Nhị Lê cho rằng phòng chống tham nhũng cần phải nhấn mạnh vào phần chìm về đạo đức, lối sống. Bên cạnh chống tham nhũng cần chống lãng phí. Bởi lãng phí đang là “lô cốt” cho tham nhũng, dựa vào lãng phí để tham nhũng.

“Khi có 1.000 tỷ đồng thì tham nhũng 200 tỷ đồng, còn 800 tỷ đồng là dưới chiêu bài lãng phí”, nhà báo Nhị Lê lưu ý, phải gắn chống tham nhũng với tiêu cực và lãng phí.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương thì lưu ý, lợi ích nhóm là vấn đề lớn cần quan tâm trong phòng chống tham nhũng. Do đó cần quy định các hành vi lợi ích nhóm để nhận diện.

Dẫn chứng 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra nhưng có những biển hiện không nhận diện nổi. Ngay trong tham nhũng mới đề cập đến tham nhũng kinh tế nhưng qua làm việc các địa phương đều đề cập đến tham nhũng chính sách, nhất là trong ban hành chính sách về đất đai.

Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao thì nhận định, cán bộ đang trong quá trình xác minh giải quyết vụ án nhưng có thái độ kéo dài, thờ ơ thì đó chính là tiêu cực.

Ông cũng bày tỏ lo ngại nhất là tham nhũng chính sách bởi chính sách đó dẫn tới có lợi cho người có chức vụ quyền hạn, vụ lợi vì mục đích cá nhân.

Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng nhận định “lãng phí cũng là tiêu cực”. Từ thực tế công tác, qua các vụ án cho thấy có dấu hiệu nhiều lãnh đạo cấp tỉnh có sử dụng quyền lực để ủng hộ doanh nghiệp này, tiêu diệt doanh nghiệp kia.

“Tiêu cực cũng giống tham nhũng và tiếp tục tồn tại, cho nên làm sao nhận diện để ngăn chặn, hạn chế các tiêu cực đó từ cấp cơ sở như thôn, xóm đến cấp Trung ương”, ông Thể nhấn mạnh.

Thanh niên, đoàn thể làm nội chính thì làm sao chống tham nhũng?

Cho rằng tham nhũng với tiêu cực có quan hệ rất chặt chẽ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh, muốn ngăn chặn từ xa thì phải làm tốt phòng chống tiêu cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vì vậy phải coi trọng công tác cán bộ, “then chốt của then chốt” chính là ở chỗ này.

“Có thành lập ban chỉ đạo các kiểu nhưng đội ngũ cán bộ tuyển chọn không tốt thì cũng khó làm”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định lưu ý và nêu thực tế công tác cán bộ được thực hiện theo quy trình 5 bước rất chặt chẽ nhưng vẫn lọt.

{keywords}
 Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Lê Quốc Chỉnh

“Như chúng tôi ở địa phương phải đưa ra khỏi danh sách 9 trường hợp vì đến trước ngày bầu cử phát hiện ra vi phạm”, ông dẫn chứng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng tình với việc tăng chức năng, quyền hạn cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Ông cũng đề nghị xem xét lại tổ chức cơ quan Ban Nội chính Tỉnh ủy như hiện nay đã đủ sức để làm nhiệm vụ không.

Theo quy định Ban Nội chính các tỉnh tối đa 3 phòng, biên chế mỗi phòng không quá 5 người, thêm 3 lãnh đạo là không quá 18 người.

“Tôi đã từng làm Trưởng Ban Nội chính rồi, tôi thấy rất khó làm. Muốn đi PCTN, tiêu cực thì trước hết chúng ta phải “bằng cái đầu” của những người tham nhũng, tiêu cực, nếu không rất khó phát hiện ra. Còn toàn thanh niên với đoàn thể về làm nội chính thì làm sao làm được”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nói.

Vì vậy, ông đề nghị phải có cơ chế tuyển dụng con người làm công tác này, cùng với đó là rèn luyện tu dưỡng, nâng cao trình độ…

Kết luận hội thảo, GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, Bộ Chính trị đã có chủ trương phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực. Đây là vấn đề đúng cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu trong đấu tranh chỉnh đốn Đảng.  

Tiêu cực và tham nhũng luôn gắn với nhau. Tham nhũng là “bộ phận đặc biệt của tiêu cực”, còn tiêu cực là cái dung dưỡng cho tham nhũng. Cho nên cần gắn chống với xây, và xây chính là phòng ngừa từ xa. Do đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định 27 biểu hiện chống và được cụ thể hóa thành 75 hành vi.

Những vấn đề này đều liên quan đến công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm, chủ nghĩa hưởng lạc, thực dụng. Vì vậy theo GS Phùng Hữu Phú trong cuộc đấu tranh này cần kiên quyết, kiên trì, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn dân.

Thu Hằng

Một số cán bộ muốn có bồ nhí để quản tài sản tham nhũng

Một số cán bộ muốn có bồ nhí để quản tài sản tham nhũng

ĐBQH nêu thực trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo quan tâm đến phái nữ chỉ vì muốn có bồ nhí để quản lý khối tài sản tham nhũng.