Sau 2 khóa đào tạo, công ty CP Dệt may Sơn La đã ký hợp đồng đưa gần 120 lao động ra ngoài tỉnh làm việc. Gồm công ty CP đầu tư và thương mại TNG (công ty TNG) ở Thái Nguyên 65 lao động và công ty CP may xuất khẩu Yên Phú (Nam Định) 53 lao động. 

Để số lao động ra ngoài tỉnh làm việc, công ty CP Dệt may Sơn La đã làm văn bản xin ý kiến và được lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Nhai chấp thuận. Đích thân Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là ông Đặng Ngọc Hậu (nay là Bí thư Huyện ủy) dẫn đoàn lao động đến công ty TNG.

Chủ tịch HĐQT công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, tháng 5/2017, 2 công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất và đào tạo lao động. Bản hợp đồng nêu rõ, công ty dệt may Sơn La sẽ đào tạo nghề may công nghiệp cho các học viên và cử học viên sau đào tạo đến địa điểm làm việc của công ty TNG.

TNG sẽ có trách nhiệm bố trí việc làm, đảm bảo các phúc lợi và ký kết hợp đồng lao động theo quy định. Thời hạn của bản hợp đồng này từ ngày 1/6/2017 đến hết ngày 1/6/2022.

Ông Thời cũng cho biết, cứ mỗi lao động được ký hợp đồng, bên giới thiệu lao động sẽ nhận được 500 nghìn đồng. Số tiền này chỉ 2 công ty biết với nhau.

Anh Điêu Chính Khánh (SN 1986, xã Mường Giàng) kể: “Trước khi đi Thái Nguyên khoảng 1 tuần, tôi và nhiều người yêu cầu công ty trả lại 600 nghìn đã thu khi mới nhập học. Phía công ty trấn an rằng, khi lên xe sẽ được nhận lại số tiền ấy, nhưng hoàn toàn không có”.

{keywords}
Anh Điêu Chính Khánh (xã Mường Giang, huyện Quỳnh Nhai)

Rất nhiều lao động trong số này bỏ việc trước thời hạn hợp đồng. Theo báo cáo của công ty TNG, đến nay chỉ còn 6/65 lao động ở lại làm việc.

Một lao động đã nghỉ việc tại TNG chia sẻ: "Khi chúng tôi xin nghỉ, nhân viên TNG giải thích rằng đã đưa tiền cho công ty CP Dệt may Sơn La để ký kết với chúng tôi nên chúng tôi phải ở lại làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi không biết số tiền này nên kiên quyết xin nghỉ". 

Làm ngơ vì “khao khát hút nhà đầu tư”

Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Hoài Thu chia sẻ, Quỳnh Nhai là huyện nghèo, không có nội lực để phát triển. Hai năm gần đây, hơn 3.000 lao động đi khỏi địa phương, nhiều bản vắng bóng thanh niên, UBND huyện phải tìm cách để đào tạo lao động và làm việc tại địa phương.

“Chúng tôi xác định, muốn giải quyết việc làm thì phải thu hút DN vào, qua đó đưa công nghệ, mô hình tốt. Khi có sản phẩm, DN sẽ liên kết và tiêu thụ”, ông Thu cho biết.

Năm 2016, UBND huyện kêu gọi DN vào đầu tư để người dân có công ăn việc làm.

“Chúng tôi kêu gọi thì chỉ có công ty CP Dệt may Sơn La đến. Khi công ty vào đây, huyện không đặt yêu cầu gì cả, trong quá trình thẩm định, quản lý, cũng có sự nhân nhượng để DN hoạt động”, ông Thu nói.

Ông thừa nhận, quá trình triển khai hoạt động của công ty có lỗ hổng, như chưa được cấp phép đào tạo, chưa có chứng chỉ đào tạo, đưa lao động ra tỉnh ngoài. Tất cả là do “khao khát thu hút nhà đầu tư”.

“Theo nghị quyết 133, sau khi đào tạo nghề, lao động phải làm việc cho DN tại địa bàn, việc đưa lao động ra ngoài làm là không đúng. Tuy  nhiên, ở thời điểm đầu, do công suất, đơn đặt hàng chưa được nhiều, huyện muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động nên đã đồng ý”, ông lý giải.

Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thừa nhận, sau 2 khóa, công ty CP dệt may Sơn La đã đào tạo hơn 300 lao động nhưng không sử dụng hết nên đã gửi lao động đi liên kết ở tỉnh ngoài, khi DN ổn định sẽ mời số lao động này quay trở lại.

Thời điểm sau đào tạo sơ cấp (tháng 7/2017), đích thân Chủ tịch UBND huyện khi đó là ông Đặng Ngọc Hậu phối hợp cùng công ty đưa lao động ra ngoài tỉnh để ký hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, có hơn 300 lao động bỏ việc, lao động sau đào tạo không đảm bảo việc làm, đồng nghĩa, mục tiêu cao nhất khi ban hành nghị quyết không đạt được.

Việc công ty CP dệt may Sơn La tự ý thu 600 nghìn đồng mỗi lao động nhưng đến nay không trả, ông Thu cho rằng, vì DN muốn giữ lao động, yêu cầu nộp tiền để thực hiện hợp đồng với người lao động.

Phải trả lại tiền ngân sách

Giám đốc Sở LĐTBXH Sơn La Lê Viết Trực cho hay, Sở đã cử đoàn thanh tra, phát hiện một số sai phạm khi DN không thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, thậm chí thu tiền của người lao động.

“Tôi đã công bố kết luận thanh tra và yêu cầu huyện xem xét kỹ các nội dung. Đặc biệt, phải thẩm định năng lực tài chính, năng lực quản trị và cấp phép và lao động đào tạo nghề".

DN vào huyện Quỳnh Nhai đào tạo và sử dụng lao động bắt buộc phải trải qua các quy trình thẩm định của UBND huyện.

“DN phải trình được hồ sơ, thủ tục pháp lý gửi đến huyện. Tuy nhiên, do anh em sơ suất nội dung này nên không biết, khi đưa vào hoạt động rồi mới phát hiện DN chưa được cấp phép", ông Trực nói.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH cho rằng, huyện đã không kiểm soát chặt chẽ để DN tự ý đưa lao động sau đào tạo ra các tỉnh làm việc.

“Chúng tôi yêu cầu huyện làm rõ, số lao động đào tạo xong tại sao không làm tại DN mà liên kết với DN khác? Vì nghị quyết HĐND tỉnh và hướng dẫn của Sở không có việc đó. Ngay cả khi xảy ra sai phạm, huyện không tự vào cuộc thanh tra, ngăn chặn mà phải đến lúc tỉnh vào cuộc mới phát hiện.

{keywords}
Giám đốc Sở LĐTBXH Sơn La Lê Viết Trực

Huyện chấp nhận DN vào đầu tư khi họ chưa đủ điều kiện. Ai đưa DN này vào thì người đó chịu trách nhiệm”, ông Trực nhận định.

"Chúng tôi yêu cầu DN cấp chứng chỉ đào tạo cho người lao động, hoàn thiện thủ tục chưa đủ điều kiện. Nếu DN không cung cấp được thì phải trả lại tiền cho Nhà nước”, ông nhấn mạnh.

{keywords}
Công ty CP dệt may Sơn La

Sở đã yêu cầu huyện báo cáo quy trình thu hút đầu tư, giải thích vì sao DN không đủ năng lực tài chính, quản trị và giấy phép hoạt động vẫn lọt qua khâu thẩm định.

“Trước mắt, tôi đã yêu cầu anh em kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đồng thời phải yêu cầu công ty trả lại tiền cho dân”, ông Trực nói.

Trước yêu cầu của Thanh tra Sở LĐTBXH, Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai nhận định “đã đào tạo rồi, không thu hồi được”.

Ông Thu cho biết, mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện, thời điểm DN vào làm là do người tiền nhiệm phụ trách. Tuy nhiên, số tiền ngân sách giải ngân chỉ hơn 1 tỷ đồng, “không đáng bao nhiêu cả”. “Đào tạo là có thật, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Sau đào tạo, người lao động không được 7 thì được 3, nâng cao dân trí”.

“UBND huyện đã xem xét và chấn chỉnh lại, chúng tôi đã siết chặt chứ không buông lỏng như trước nữa. Cuối năm vừa rồi, tôi chỉ đạo các phòng ban nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, trong đánh giá phân loại cuối năm, anh em chỉ xếp loại hoàn thành nhiệm vụ chứ không xuất sắc được”, ông Thu chia sẻ.

'Con đỉa 2 vòi' hút số tiền lớn ở huyện nghèo Sơn La

Bài 1: 'Con đỉa 2 vòi' hút số tiền lớn ở huyện nghèo Sơn La

Chưa được cấp phép đào tạo nghề nhưng công ty CP Dệt may Sơn La (huyện Quỳnh Nhai) vẫn mở lớp, “bóp méo” nghị quyết hỗ trợ đào tạo nghề để vừa rút tiền ngân sách, vừa bắt người dân đóng tiền sai quy định.

Đoàn Bổng