Trả lời tại họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 – 2020, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư làm trưởng ban đến nay, đã có 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Tham nhũng từng bước kiềm chế và ngăn chặn

Cấp độ 1 là Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, gọi là án cấp độ 1. Cấp độ 2 là Ban Nội chính TƯ theo dõi, đôn đốc, án cấp độ 2. Án cấp độ 3 là các tỉnh, thành ủy theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo tức án cấp độ 1 là 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan điều tra kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII tới nay, xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc. Đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo, xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 484 bị cáo.

{keywords}
Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Nói về kết quả PCTN thời gian qua, ông Học nêu lại mốc thời gian, năm 2006, Đại hội Đảng khóa X, trong văn kiện nhận định tình hình tham nhũng lúc này: “Tham nhũng vẫn có chiều hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Chính vì thế lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết Trung ương 3 khóa X ) về công tác PCTN lãng phí với mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

Năm 2012, hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, lúc này tình hình tham nhũng được Đảng ta nhìn nhận đánh giá: “Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo Đảng, quản lý của Nhà nước; mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt được”.

Theo ông Học, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, ban hành nhiều chủ trương có tính chất đột phá, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Đây là một mốc thời gian rất quan trọng. Như vậy trước 2013, vẫn có Ban Chỉ đạo nhưng do Thủ tướng làm trưởng ban và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm trưởng ban là theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Nhận định về tình hình tham nhũng gần đây, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, Đảng đánh giá thẳng thắn tham nhũng, lãng phí trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với nhiều biểu hiện tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Nhưng so với nhận định của năm 2006 và 2012 thì tính chất nghiêm trọng và tinh vi và phạm vi đã được kiềm chế, kiểm soát.

"Cho nên Đảng nhìn nhận, đánh giá “tham nhũng từng bước kiềm chế và ngăn chặn”. Trong báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa rồi nêu: “tham nhũng từng bước kiềm chế và ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”, ông Học nhấn mạnh, đây là thành quả, kết quả rất lớn trong công tác đấu tranh PCTN.

Đấu tranh PCTN trong giai đoạn tới vẫn mạnh mẽ, quyết liệt

Trả lời băn khoăn về việc "liệu nhiệm kỳ tới, công tác PCTN mà nhân dân thường gọi là "đốt lò" có nóng nữa không?", ông Học cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nhiều phiên họp Ban Chỉ đạo cũng đều đặt vấn đề này. 

Tổng Bí thư đã nhiều lần kết luận, rất công khai: "Công tác đấu tranh PCTN không dừng, không nghỉ, không chùng xuống". Mặc cho chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc, tập trung cho chống Covid-19, nhiều vấn đề khác nhưng công tác đấu tranh PCTN là không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà phải làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

"Tổng Bí thư nói rằng, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào quần chúng, đã trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được. Tôi thấy báo chí cũng có nêu nhiều về phát biểu của Tổng Bí thư: "Ai không muốn làm, không dám làm đứng dẹp sang một bên để người khác làm". Đó là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước chúng ta.

Như vậy, chắc chắn công tác đấu tranh PCTN trong giai đoạn tới vẫn mạnh mẽ, quyết liệt. Nếu các nhà báo nói lò đầu nhiệm kỳ XII nóng thì tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn duy trì mãi như thế", Phó ban Nội chính Trung ương nói.

Phó ban Nội chính Trung ương cũng thông tin, hội nghị tổng kết sắp tới đặt ra một số yêu cầu.

Thứ nhất là phải khẳng định cho được kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban tới nay. Và làm sao từ đó lan tỏa trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về thành quả này để phát huy, nhân lên.

Thứ hai là khẳng định quyết tâm tiếp tục PCTN của Đảng. "Kết quả này chỉ là kết quả bước đầu, không phải dừng lại, chủ quan, thỏa mãn với những gì đã có. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, công tác PCTN không dừng, không nghỉ", ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Vì vậy, thông qua tổng kết khẳng định tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp mà công tác PCTN trong thời gian tới cần phải làm.

Yêu cầu thứ ba là thông qua tổng kết, đập tan luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. "Khi không phòng chống tham nhũng, thế lực thù địch nói Đảng Cộng sản không dám đấu tranh phòng chống tham nhũng. Còn khi đấu tranh PCTN quyết liệt thì lại nói là do đấu đá nội bộ. Như vậy, qua kết quả đấu tranh PCTN này, chúng ta làm rõ âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch", ông Học nói.

Thứ tư là khẳng định, công tác đấu tranh PCTN trong thời gian qua không cản trở phát triển kinh tế - xã hội, không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm. Bởi thực tế vừa qua đấu tranh PCTN tốt, tích cực, có hiệu quả và kinh tế - xã hội của chúng ta cũng phát triển. 

Thu Hằng 

Bộ Công an đề nghị gia đình bị can Hồ Thị Kim Thoa động viên bà sớm về nước

Bộ Công an đề nghị gia đình bị can Hồ Thị Kim Thoa động viên bà sớm về nước

Cơ quan cảnh sát điều tra có thư đề nghị gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa động viên bị can sớm về nước trình diện và thành khẩn khai báo các hành vi phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng.