Trả lời câu hỏi của báo VietNamNet tại họp báo Chính phủ chiều tối 6/9, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120 nghìn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ hỗ trợ cho địa phương với quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất để phòng chống dịch.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì khoảng 1.900 tổ chốt kiểm soát trên các tuyến biên giới để kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh; huy trì hàng nghìn tổ chốt trong nội địa để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phục vụ cho cách ly tập trung, khu phong tỏa…

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Nhật Bắc

Cùng với đó, quân đội đã triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị, nhiều doanh trại bảo đảm ăn, ở cho khoảng 290 nghìn lượt người; kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên và 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men để chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 6 nghìn giường bệnh để trực tiếp chia sẻ hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương.

Quân đội đã triển khai trên 600 tổ quân y về các trạm y tế phường, xã; tổ chức 8 kho bảo quản vắc xin ở 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đồng thời vận chuyển, phân phối khoảng 112 tấn vắc xin để góp phần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia trên phạm vi cả nước.

Không có đồng chí nào kêu ca, phàn nàn

“Với tinh thần quân đội sẽ chủ động tìm đến để hỗ trợ giúp đỡ nhân dân, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tăng cường hàng trăm lượt tổ quân y để tiêm vắc xin, các tổ hồi sức cấp cứu, tổ cơ động tham gia xét nghiệm, thu dung, điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Tổ chức vận chuyển hàng nghìn tấn nông sản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận nơi ở của hộ gia đình”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức nói.

{keywords}
Các chiến sĩ quân đội đi chợ, phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân TP.HCM

Ông cũng bày tỏ xúc động về việc nhiều người dân đã xây dựng bức tranh vui về anh bộ đội giúp dân đi chợ, giúp dân các công việc thiết yếu.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong số khoảng 120 nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia tăng cường hỗ trợ chống dịch, có khoảng gần 29 nghìn cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, nhiều đồng chí có người thân mất, có vợ con nhiễm bệnh nhưng không về được vì đang làm nhiệm vụ”, Cục trưởng Cục Tuyên huấn chia sẻ.

Ngoài ra, có nhiều y bác sĩ quân y, trong đó có nhiều nữ bác sĩ có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương thì tiếp tục xung phong lên đường hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

“Không có đồng chí nào kêu ca, phàn nàn hay thoái thác nhiệm vụ. Nhiều đồng chí trong quá trình giúp dân phòng chống dịch bệnh đã bị nhiễm bệnh, có sự hy sinh. Điều này thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của chiến sĩ quân đội đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời điểm khó khăn”, ông Đức cho hay.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp trong toàn quân cũng đã xây dựng các phương án cụ thể, kể cả ở những phương án ở cấp độ cao hơn để ứng phó trong thời gian tới.

“Tham gia phòng chống dịch bệnh không chỉ địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà còn sẵn sàng triển khai ở các địa bàn khác trên phạm vi cả nước nếu như có tình huống dịch bệnh xảy ra”, ông Đức nói và khẳng định, Bộ xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời điểm hiện nay.

Thu Hằng - Hồng Nhì

Hơn 2.400 cán bộ công an bị nhiễm Covid-19, có 6 chiến sĩ hi sinh

Hơn 2.400 cán bộ công an bị nhiễm Covid-19, có 6 chiến sĩ hi sinh

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, trong quá trình tham gia chống dịch, hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ ngành công an đã bị nhiễm Covid-19, trong đó có 6 chiến sĩ đã hi sinh.