- Khi Posco đề nghị xây nhà máy thép tỉ đô ở Đầm Môn, ông Lê Vũ Khánh phân tích bài toán chọn cảng hay thép và đề nghị không đặt nhà máy ở đây.

Hơn 10 năm trước, ông Lê Vũ Khánh đang là quyền Trưởng Ban Quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển (Cục Hàng hải), người có nhiều năm nghiên cứu về vịnh Vân Phong.

Kiểu gì cũng ô nhiễm

Nếu nhà máy tỉ đô được triển khai, Vân Phong ngày nay sẽ như thế nào, theo ông?

Rất khó để nói, vì điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ.

Thời đó tôi nghe các chuyên gia nói Posco sản xuất bằng công nghệ finex được cho là tiên tiến, đến nỗi có người tham quan về nói cá vẫn bơi lội trong bể nước thải.

{keywords}

Ông Lê Vũ Khánh. Ảnh: Trần Thường

Nhưng quan điểm của tôi là đã làm thép thì kiểu gì cũng ô nhiễm. Bởi vì sản xuất thép sẽ cho ra lượng bã thải rất lớn, chưa kể các chất phụ gia.

Thời đó, mỗi nhà máy sửa chữa tàu của Hyundai Vinashin đã gây ra ô nhiễm rất lớn đối với môi trường phía nam vịnh Vân Phong rồi. Chúng tôi không tán thành việc đặt nhà máy thép ở đây nữa cũng vì thế.

Ông từng nêu bài toán kinh tế chọn cảng hay thép, và đề nghị không đặt nhà máy  thép ở Đầm Môn. Tuy nhiên dự án làm cảng, như ông thấy, vẫn đang dở dang. Bây giờ nếu có nhà đầu tư lại muốn đặt nhà máy ở Vân Phong, ông có nhắc lại bài toán đó?

Vịnh Vân Phong có những thuận lợi để làm cảng trung chuyển mà không một khu vực nào của nước ta có được.

Hầu hết diện tích mặt nước có độ sâu 17-22m, thậm chí ngay sát bờ Tây hòn Gốm cũng sâu tới 27m. Diện tích mặt nước ở đây rất lớn, kín gió. Thêm nữa, vị trí này lại có khoảng cách gần nhất đến các tuyến hàng hải quốc tế. Đó là những đặc điểm khiến vịnh Vân Phong trở thành của hiếm nếu tính về việc làm cảng trung chuyển.

Chúng tôi từng phản đối việc đặt nhà máy thép ở đây để giữ lại Vân Phong. Hiện nay việc làm cảng trung chuyển chưa thực hiện được. Đó thực sự là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên như tôi nói, Vân Phong có lợi thế tốt nhất để xây cảng. Nếu có dự án nào khác triển khai ở đây thì những lợi thế đó chắc chắn sẽ không còn nữa.

Của để dành rồi cũng phải dùng

Ông cảm thấy đáng tiếc vì Vân Phong chưa thành cảng trung chuyển quốc tế?

Quả thật rất đáng tiếc.

Cần phải nói rằng thời điểm Posco muốn vào không phải là lúc tốt nhất để xây cảng.

Những năm đầu thế kỷ này, nhất là giai đoạn 2003-2004 mới là thích hợp nhất. Thời điểm đó kinh tế thế giới tăng trưởng rất nóng. Cả thế giới mua bán hàng hóa, nhu cầu vận tải biển rất lớn và xảy ra tình trạng thiếu hụt cảng, lúc đó mình mà làm được cảng trung chuyển thì quá hiệu quả.

Thời đó, công suất các cảng trung chuyển quốc tế thiếu 20 triệu TEU chỉ tính tại khu vực Đông Á. Công suất của cảng Hồng Kông độ 22 triệu TEU, Singapore cũng độ 20 triệu TEU. Lúc ấy mình có cảng chỉ cần “ăn” được vài ba triệu TEU là đã thành công rồi. Có thể nói điều nuối tiếc lớn nhất đó là mình đã lỡ thời cơ.

Thời điểm 2007 khi Posco muốn vào, kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái. Mình vẫn bảo vệ Vân Phong là để quy hoạch làm cảng cho tương lai.

Thực tế khi Vinalines bắt đầu xây cảng trung chuyển tại Vân Phong, kinh tế thế giới đã chạm đáy, nhu cầu vận tải hàng hóa không cao, nếu cảng có hoàn thành và đi vào hoạt động thì cũng không hiệu quả như giai đoạn đầu những năm 2000.

Nghĩa là Vân Phong vẫn chỉ đang là “của để dành”?

Của để dành nào rồi thì cũng phải mang ra dùng thôi không thể khư khư ôm mãi được.

Theo tôi, bây giờ tái khởi động được dự án làm cảng trung chuyển là rất tốt, tuy nhiên để khả thi thì phải có nhiều yếu tố. Quan trọng là phải đúng thời điểm, có nhà đầu tư cam kết chiến lược lâu dài, và có những chính sách ưu đãi nhất định của Chính phủ để thu hút.

Cứ nhìn sang Singapore, họ trỗi dậy được cũng nhờ vào cảng biển. Sau khi có cảng, họ phát triển các dịch vụ đi liền với cảng, sau đó phát triển dịch vụ tài chính. Họ đã trở thành trung tâm tài chính của khu vực và cả thế giới.

Cảng Vân Phong cũng có những lợi thế về đặc điểm và vị trí không thua kém cảng Singapore. Một khi có cảng, mình có thể phát triển các ngành đi kèm, gồm cả cung ứng xăng dầu và tài chính.

Cao Thái