Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sáng nay, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong thị trường phân phối.

Hàng Việt Nam vào được siêu thị lớn ở nước ngoài

"Thời gian qua, các cấp các ngành có nhiều sáng tạo, cách làm rất hay và đã đạt được những kết quả tốt", ông Vượng nói.

Ông dẫn chứng chương trình "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", phong trào thi đua "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" hay một loạt giải thưởng hỗ trợ DN hướng tới người tiêu dùng.

{keywords}
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

Theo Thường trực Ban Bí thư, kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định cuộc vận động là chủ trương đúng, góp phần làm chuyển biến nhận thức về sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Từ đó, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt trên thị trường, khẳng định sự vươn lên của DN Việt Nam.

"Đặc biệt người tiêu dùng trong nước đã có niềm tin, thái độ tích cực, ủng hộ hàng hóa do người Việt Nam sản xuất", ông nhấn mạnh.

"Bây giờ các đồng chí ra nước ngoài vào siêu thị lớn, bên cạnh nhãn hàng có uy tín ta thấy có hàng Việt Nam thì tự hào vô cùng. Chưa nhiều, nhưng chúng ta tự hào khi hàng Việt Nam đã chen lấn vào thị trường lớn như vậy", ông Vượng nói.

Không thể để thực phẩm chức năng làm từ than củi

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, dù đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai còn khó khăn, thách thức, hạn chế.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy có điều đáng buồn, đánh giá vai trò của cơ quan tổ chức với cuộc vận động này càng giảm đi. "Đáng lẽ phải tăng lên chứ cứ thế này thì gay go quá", ông Vượng lưu ý.

Ông cũng chỉ rõ, các hiệp hội, ngành nghề chưa có vai trò cao trong thực hiện cuộc vận động; nhiều DN chưa thực sự hưởng ứng...

"Có những bài báo, do nguyên nhân khác nhau, chúng tôi không đánh giá, nhưng đánh thẳng vào mặt hàng truyền thống của người Việt", ông Vượng nhấn mạnh, người Việt phải trân trọng hàng Việt, nhất là hàng truyền thống. 

Thường trực Ban Bí thư cũng nhắc, công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên.

{keywords}
Ảnh: Minh Đạt

Một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn... diễn ra ở nhiều nơi.

"Đây là vấn đề rất nhức nhối. Cái này đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam. Thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi. Việc này không chỉ đánh giá về tiền mà đánh giá hậu quả sức khỏe của dân", ông lưu ý ở đây có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy, các ngành quản lý ở cơ sở. 

Ông dẫn lại vụ việc ở Hải Phòng, mấy trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm một thời gian dài mà không phát hiện. Qua đó thấy rõ yếu kém sơ hở, nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm.

"Hôm nay có các đồng chí chủ tịch, bí thư các tỉnh ở đây, tôi đề nghị cấp ủy quan tâm cái này. Quản lý từ cơ sở, đây là bài học các cụ nhà ta để lại", Thường trực Ban Bí thư nói.

Người Việt phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ

Thường trực Ban Bí thư lưu ý, trong thời gian tới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại... Vì thế, cuộc vận động cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa.

"Cuộc vận động thực sự là vấn đề chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt. Đây chính là thúc đẩy sản xuất chứ không phải phong trào bình thường. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thấy được cái này", ông nhấn mạnh 

"Thực hiện tốt cuộc vận động là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy ý thức tự lực, tự cường, tự tin dân tộc của người Việt Nam ta", Thường trực Ban Bí thư nói.

Các DN, người sản xuất phải không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng KHCN, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao...

"Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh, thị trường trong nước chúng ta rất lớn. Một đất nước có tới gần 100 triệu dân, thị trường rất lớn. Cho nên khâu bán lẻ phải hết sức chú ý", ông Vượng lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư cũng chia sẻ, nhiều lúc thấy rất giật mình khi hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều do người nước ngoài thôn tính. Vì vậy phải làm sao để người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Đang kiểm tra, xác minh 28 doanh nghiệp trong vụ Asanzo

Đang kiểm tra, xác minh 28 doanh nghiệp trong vụ Asanzo

Các cơ quan chức năng đang kiểm tra và xác minh 28 DN có các hoạt động xuất khẩu liên quan đến công ty Asanzo, cũng như xác minh đối với tập đoàn Asanzo.

Thu Hằng