Triển khai quyết định số 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng, đến nay, toàn bộ các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Sau hai tháng rưỡi triển khai, đến nay đã có hơn 36 nghìn văn bản gửi và hơn 105 nghìn văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Trong đó có khoảng gần 8 nghìn văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ và có gần 6 nghìn văn bản là có chữ ký số. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn tồn tại những hạn chế như: gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi bao gồm: Không gửi/nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận; nhiều văn bản gửi qua Trục liên thông không tuân thủ thời gian gửi nhận; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số địa phương hoạt động chưa ổn định, bị ngắt kết nối dẫn đến việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan chưa được thông suốt….

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, chủ trương thực hiện Chính phủ điện tử, chính phủ không giấy và việc gửi nhận văn bản theo trục liên thông được doanh nghiệp và người dân rất ủng hộ. Qua đó giúp công việc được triển khai hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên đây mới là bước đầu triển khai nên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo sự đồng bộ, môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho triển khai Quyết định này, làm sao để không đan xen giữa "giấy", không giấy và phải  đảm bảo được tính kết nối.

Ông Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh: “Ở địa phương chúng tôi trước kia triển khai các công việc tương tự như thế này thì mỗi nơi có một phần mềm riêng của mình sau đó không kết nối được. Khi không kết nối được với nhau thì rất lãng phi, do vậy việc này rất nguy hiểm. Đây là chúng ta thực hiện từng bước.

Chính phủ không giấy tờ, rồi địa phương với Chính phủ nhưng còn việc các cơ quan của địa phương với nhau, các cơ quan của địa phương với địa phương khác và các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta tiến tới từng bước phải liên thông thì nó mới bảo đảm”  

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, đánh giá được những việc đã làm được, chưa làm được. Văn phòng Chính phủ sẽ tiên phong đi trước trong thực hiện Quyết định này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện sửa nghị định 102 và Quyết định 180 trong thời gian sớm nhất. Đồng thời Bộ Nội vụ sớm thực hiện sửa đổi nghị định 110 và thực hiện tập huấn mạnh mẽ hơn trên tinh thần cải cách. Liên quan đến hệ thống, Bộ trưởng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm công bố khung chính phủ điện tử để các địa phương bám vào quy chuẩn này để triển khai; làm sao chi phí nhỏ nhất và hiệu quả cao nhất:

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Sau hôm nay, Văn phòng Chính phủ thành lập nhiều tổ công tác xuống trực tiếp địa phương xem vướng ở đâu, vướng như thế nào để gỡ cho các địa phương. Nếu bây giờ chúng ta ngồi đây thì chúng ta không hình dung được. Ví dụ một cô văn thư ở địa phương nếu giỏi sẽ làm tốt việc này, nếu không giỏi sẽ đổi lỗi cho máy hết. Cho nên tôi đề nghị chúng ta phải xuống tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho anh em cách làm, như thế sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Bộ trưởng đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu, triển khai phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ trì triển khai thực hiện một số hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định của pháp luật; nghiên cứu phương án, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, cấp đổi chữ ký số một cách khoa học, rút ngắn thời gian cấp đổi chữ ký số theo quy định tại Nghị định 130 và Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ..

 

Bộ trưởng ngồi đâu cũng ký được giấy tờ, tiết kiệm hơn 1.200 tỉ

Bộ trưởng ngồi đâu cũng ký được giấy tờ, tiết kiệm hơn 1.200 tỉ

Các bộ trưởng không cần ngồi ở phòng làm việc mà đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc, ký giấy tờ bằng chữ ký số.

 

Theo VOV