Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành quả mà TP.HCM đạt được trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn, gồm cả những khó khăn, thách thức chung và những khó khăn, thách thức do đặc thù của Thành phố.

Thủ tướng phân tích, khi dịch Covid-19 với biến thể Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu, với những diễn biến chưa có tiền lệ, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận thành quả TP.HCM đã đạt được trong năm 2021. Ảnh: VGP

Về đặc thù, TP.HCM có số dân đông nhất cả nước, cơ cấu dân số đa dạng, thành phần dân cư phong phú… Do đó, trong tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch chung cả nước, phải có các biện pháp đặc thù riêng dành cho TP. Đây là bài toán khó đặt ra trong giai đoạn đầu của đợt  dịch lần thứ 4.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã kế thừa và liên tục điều chỉnh, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi chưa có đủ vắc xin và thuốc chữa bệnh, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên hết và trước hết.

Trong đó có việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam với khoảng 40 triệu dân. Ở thời điểm khó khăn nhất, TP đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp.

"Chúng ta đã áp dụng biện pháp di dời dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang rất hiệu quả. Có thời điểm, chúng tôi đã tính tới phương án di dời người dân một quận tại TP.HCM, nhưng dân số một quận tại TP.HCM tương đương nhiều tỉnh khác, di dời đi đâu? Rất khó khăn!", Thủ tướng chia sẻ.

Chính phủ đã quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp. Lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở với các biện pháp y tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho TP và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vắc xin cho TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các cơ sở y tế tại TP.HCM. Ảnh: VGP

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm rất thấp trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn.

Cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Đến nay, TP.HCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, Thành phố và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.

Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến thể mới. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng, chống dịch tốt hơn.

Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

Thủ tướng tin tưởng, phát huy những thành quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhất định năm 2022, TP.HCM và ngành y tế Thành phố sẽ đạt được những kết quả, lớn hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

{keywords}
TP.HCM ghi nhận hiệu quả trong chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. 

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát ổn định trong nhiều ngày qua, số ca mắc mới, số ca nặng và số ca tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu.

TP có tuần lễ thứ ba liên tiếp là "vùng xanh" với số ca mắc mới liên tục giảm thấp dưới 300/ngày. Số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2/10 nay đã giảm sâu xuống còn 6 ca ngày vào ngày 23/1, trong đó có 2 ca từ tỉnh khác.

"Ngành y tế TP.HCM xin được trân trọng tri ân và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Đặc biệt , đã kịp thời ban hành những quyết định chưa từng có mang tính lịch sử, làm thay đổi được cục diện diễn biến khốc liệt trên địa bàn TP, để có được như ngày hôm nay", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu.

Ông Tăng Chí Thượng nhắc đến những yếu tố quyết định góp phần đưa đến kết quả chống dịch của TP hiện nay như: chiến lược "ngoại giao vắc xin", triển khai khẩn cấp 525 trạm y tế lưu động, chi viện gần 25.000 cán bộ y tế, các trung tâm hồi sức Covid-19 do các bệnh viện Trung ương đảm trách…

Sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128, TP.HCM đã có những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp.

Ngành Y tế TP cam kết sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời, đó là đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ người dân với chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất có thể.

Linh An/Theo VGP