Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN.

Điều này khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên vô nghĩa, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta.

{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Chống tham nhũng chỉ làm "chùn bước" những ai lỡ "nhúng chàm"

Điểm lại kết quả trong công tác PCTN từ năm 2013 đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong PCTN: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

“Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.

Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đi đôi với đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng…

Theo Tổng Bí thư, thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực sự là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của công tác PCTN. Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ được tái lập đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nâng cao hiệu quả tham mưu về công tác PCTN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, không phải như một số ý kiến e ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước.

Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

“Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh nhất là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

{keywords}
Hội nghị tổng kết công tác PCTN sáng nay.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, lỡ "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, thiếu dũng khí.

“Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Tổng Bí thư nói.

Bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Vì vậy trong thời gian tới, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trong đó, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành.

“Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng… Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng với đó chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang.

Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt", nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong đó, phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai...

Đồng thời, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…

Từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư kỳ vọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: “Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân”.

Tổng Bí thư mong tất cả những cán bộ rường cột của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công của thời đại ngày nay", hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong PCTN.

 Những con số ấn tượng về PCTN từ 2013 - 2020:

-  Kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay kỷ luật hơn 80 nghìn cán bộ, đảng viên (trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng đã thi hành kỷ luật); 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

-  Đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

-  Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo.

- 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị toàn quốc tổng kết PCTN

Thu Hằng 

18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự trong 8 năm

18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự trong 8 năm

Trong 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự từ 2013 - 2020, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 tướng.