- Nếu thành công trong các lĩnh vực mà để người ta nói rằng Việt Nam có tỉ lệ ung thư cao nhất thì có đáng suy nghĩ không - Thủ tướng nêu.

Lần đầu tiên tham dự hội nghị trực tuyến tại Bộ Y tế với 700 điểm cầu để triển khai công tác 2017, cuối giờ chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 1 tiếng để phát biểu kết luận, chỉ đạo. Trong đó Thủ tướng đặt ra cho ngành y tế 12 câu hỏi hóc búa.

Chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nêu rõ nguyên nhân vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu ngàng y tế năm qua chỉ đạt 81/140, trong khi ngành giáo dục đạt 56/140.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đồng thời yêu cầu làm rõ đánh giá của ngân hàng ADB năm 2015 cho thấy ngành y tế hoạt động chưa hiệu quả dù đề ra mục riêu rõ ràng. Lý do là cơ cấu tổ chức còn phân tán, thiếu sự gắn kết giữa các đơn vị cùng cấp và giữa các cấp làm giảm khả năng quản lý, giám sát, làm tăng chi phí đầu tư của Nhà nước.

“Thứ hai, phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng thực tế người dân suy nghĩ có bệnh mới đi chữa. Vì sao lại thế? Hệ thống y tế mới chỉ tập trung khám, chữa bệnh mà chưa tập trung y tế dự phòng, trong khi phòng ngừa sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, góp phần giảm tải”, Thủ tướng trăn trở.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trả lời câu hỏi tại sao để người giàu ra nước ngoài chữa bệnh đông như vậy, hàng vạn người sang chữa bệnh tại Singapore? Ngành y tế phải nêu giải pháp.

“Chúng ta đã mất bao nhiêu đô la? Ngành y tế phải tìm phương pháp để giải quyết việc mất một nguồn ngoại tệ lớn này của đất nước”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thứ tư, tại sao nhiều bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư nhưng người dân vẫn vượt tuyến? Làm sao để người dân thấy khám tuyến dưới hiệu quả hơn, nếu không thì xây dựng bao nhiêu bệnh viện tuyến trung ương cũng không chịu nổi.

Vấn đề thứ năm, người đứng đầu Chính phủ băn khoăn khi cả nước có tới hơn 1 vạn trạm y tế phủ khắp nhưng chưa có cơ chế để hoạt động hiệu quả, dẫn tới bỏ hoang hoặc vắng hoe.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ảnh Bác Hồ cho Bộ Y tế 

Thứ sáu, nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương thường xuyên quá tải vì phải gánh một lượng lớn người nhập cư, dân lân cận. Vô hình trung dẫn đến bao cấp chéo khám chữa bệnh BHYT. Làm sao giải quyết được mâu thuẫn này, đây là bài toán không đơn giản.

Thứ bảy, Thủ tướng đề cập đến bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ là chất lượng dịch vụ.

“Vẫn còn tình trạng ban ơn, thậm chí coi thường bệnh nhân. Cần phải thay đổi. Toàn ngành cần tiếp tục đổi mới toàn diện, coi bệnh nhân là khách hàng quan trọng, cần chăm sóc khách hàng theo đúng nghĩa của từ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại sao tỉ lệ ung thư cao?

Thứ 8, tỉ lệ tử vong của bà mẹ vùng thiểu số, nông thôn gấp 4 lần thành thị, tỉ lệ suy dinh dưỡng gấp 2 lần thành phố.

Vậy vai trò của Bộ Y tế ở đâu? Tại sao nhiều nghiên cứu nói rằng, Việt Nam có tỉ lệ ung thư cao nhất? Giải pháp cho vấn đến này thế nào?

“Chính phủ cũng phải suy nghĩ, tôi cũng phải suy nghĩ. Nếu thành công trong các lĩnh vực mà để người ta nói rằng Việt Nam có tỉ lệ ung thư cao nhất thì có đáng suy nghĩ không?”, Thủ tướng giãi bày.

Theo Thủ tướng, nguồn ngân sách dành cho ngành y tế ngày càng hạn hẹp, dự án ODA giảm mạnh. Do đó việc khuyến khích các bệnh viện tự chủ tài chính, tự chủ nhân lực, huy động các nguồn lực để tự trang trải cho các hoạt động rất quan trọng.

“Muốn bác sĩ toàn tâm toàn ý, không mong tới phong bao, phong bì thì làm sao để lương bác sĩ phải khá lên. Một ca trực không bằng miếng vá xe thì sống sao nổi”, Thủ tướng nêu.

Bao giờ giảm giá thuốc?

Câu hỏi 10, Thủ tướng lưu ý ngành y tế ngoài quan tâm đến bệnh nhân còn phải quan tâm đến người nhà người bệnh, không để vạ vật hành lang, 3 người nuôi 1 người gây ảnh hưởng sức lao động và lãng phí.

Ông cũng yêu cầu rút ngắn hơn nữa chênh lệch chất lượng y tế giữa các vùng miền, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận thông tin đến người dân, rất nhiều người không biết chế độ mình được hưởng.

“Cuối cùng, tôi muốn hỏi bao giờ giảm giá thuốc, bao giờ giảm tình trạng kháng kháng sinh. Tôi đặt nhiều câu hỏi lớn để ngành y tế tìm giải pháp vì chăm sóc sức khoẻ là vấn đề vô cùng quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng 12 câu hỏi trên vừa chiến lược vĩ mô, vừa sâu sát, cụ thể vào mọi ngóc ngách của ngành y tế.

“Có những câu hỏi chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên có những cái sẽ cần 10 năm, có những cái có lẽ phải vài thập niên mới thực hiện được”, Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ.

9 tồn tại của ngành y

Thủ tướng cũng chỉ ra 9 tồn tại của ngành y, trong đó bức xúc nhất vẫn là vấn đề quá tải; thái độ của nhân viên y tế; sai sót y khoa, mới nhất là vụ quên kéo trong bụng bệnh nhân.

“Tình trạng quá tải vẫn chưa được khắc phục căn bản, vẫn là bức xúc hiện nay, như bệnh viện K vừa rồi hay các bệnh viện tuyến trung ương tình trạng 1 giường 2-3 người vẫn phổ biến”, Thủ tướng nêu.

Ngoài ra Thủ tướng đánh giá, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế chưa đạt yêu cầu, còn tình trạng người nhà xếp hàng rồng rắn lê thê nộp tiền; Quản trị bệnh viện còn bất cập, đưa các bác sĩ lên làm quản trị trong khi bệnh viện lớn có đến mấy nghìn tỉ đồng; Còn lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, gây thất thoát lớn; Còn tình trạng trục lợi quỹ BHYT, cần truy tố để rút kinh nghiệm; Giá thuốc còn nhiều bất cập...

Đáng lưu ý, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở khi còn một bộ phận vô cảm trước nỗi đau bệnh tật của người dân, làm tổn hại đến y đức.

Thúy Hạnh