Tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam vào sáng nay, DN đặt câu hỏi: "Thủ tướng có 'quyết chiến' không, Chính phủ có ‘quyết chiến’ không, để đưa ngành cơ khí Việt Nam tiến bước”. 

Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN

“Tôi tin hội nghị lần này, trên nền tảng 21.000 DN cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng ngành cơ khí Việt Nam phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi phát biểu kết luận hội nghị.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Ông yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu các ý kiến để có một nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống.

Đề cập đến một số bất cập, tồn tại khiến ngành cơ khí “đuối sức”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trước hết phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn.

Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.

Thủ tướng cũng hứa, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa; tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước...

Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Vì vậy cần phải xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh, có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho hàng loạt bộ ngành để phát triển ngành cơ khí trong thời gian tới.

Trong đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện các chính sách thuế, phí giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo Thủ tướng, Việt Nam cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN hoạt động trong ngành cơ khí tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung.

"Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành cùng các DN, đội ngũ doanh nhân cơ khí có khát vọng vươn tới những tầm cao, tận dụng tốt các thời cơ, điều kiện, chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học công nghệ...", Thủ tướng nói.

Áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc rất lớn

Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô.

Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước, trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. 

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nêu thực tế, các DN cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí mà nền kinh tế đang cần.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thăm một số gian hàng trưng bày các thành tựu của ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Phần lớn các DN cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, thiết kế còn hạn chế, có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký mới; trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới.

TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) nêu khó khăn khi ngành bị hạn chế vốn do vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất cao và không ổn định.

Trong khi đó, vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy ngành cơ khí không thu hút được các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh với các DN ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn vì họ có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí xuất khẩu. Trong khi Việt Nam chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa cho ngành cơ khí...

Theo ông Sáng, chúng ta chưa có định hướng lâu dài, nhất quán về chủ trương nội địa hóa cũng như làm chủ công nghệ trong các ngành công nghiệp.

Ông dẫn chứng dự án phát triển đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, không hề đề cập đến chương trình nội địa hóa mà mặc nhiên là mua của nước ngoài. Như vậy sẽ phải chịu giá rất cao.

"Nếu có chủ trương nội địa hóa, ta sẽ nội địa hóa đến 60%, làm chủ việc quản lý dự án, chế tạo thiết bị giá thành sẽ giảm rất nhiều", ông Sáng phân tích.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra thực trạng dẫn đến sự “chậm lớn” của ngành cơ khí đó đến từ chính các DN hoạt động tự phát, khép kín, thiếu liên kết, thiếu hợp tác.

Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, hiệu quả đầu tư kém, sản phẩm không có tính cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.

Thu Hằng

Bộ Chính trị ra quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Bộ Chính trị ra quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.