- Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không tăng phí BOT.

Chính phủ đã thảo luận về báo cáo tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trước và từ ngày 1/7/2016, trong đó có các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh còn nợ đọng chưa trình Chính phủ, Thủ tướng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp; Báo cáo kết quả hoạt động của ban chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4 tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014...

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn của sự phát triển; Xem xét việc nợ đọng văn bản, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư. 

Thủ tướng yêu cầu tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau 1/7.

Về phương hướng điều hành giá thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tôn trọng nguyên tắc là theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, quản lý tốt lộ trình điều chỉnh giá, kiểm soát chặt chẽ chi phí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá; yêu cầu đặt ra là phải có các kịch bản điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua.

Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn giá; không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT, giao Bộ GTVT sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT.

Về giá dịch vụ y tế, có lộ trình, bước đi phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố; bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án đấu thầu tập trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế. Mục tiêu là để giảm giá thuốc cho người bệnh.

Về một số mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng. Thủ tướng quyết định giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến quý 4 năm nay, để bình ổn giá mặt hàng này.

M.Thư